Khoảng tối trong bức tranh sáng màu
Ngày 28/7/2000, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có phiên giao dịch đầu tiên với 2 doanh nghiệp niêm yết là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM).
Sau 19 năm hoạt động, thị trường chứng khoán đã phát triển vượt bậc. Từ mức vốn hóa chưa đến 1.000 tỷ đồng ban đầu, tính đến cuối tháng 7/2019, tổng vốn hóa của sàn HOSE đã đạt 3,28 triệu tỷ đồng, với 380 cổ phiếu niêm yết.
Trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hiện có 366 doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa đạt 190.600 tỷ đồng và 846 cổ phiếu đăng ký giao dịch với vốn hóa 966.300 tỷ đồng. Như vậy, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt 4,44 triệu tỷ đồng, tương đương 79% GDP năm 2018.
Sự phát triển cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp khiến thị trường chứng khoán không chỉ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, giảm thiểu rủi ro so với giao dịch ngoài sàn (OTC), mà còn từng bước trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu mỗi năm liên tục gia tăng. Không ít doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả nhờ tận dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn và quảng bá thương hiệu.
Tuy vậy, niêm yết không phải chiếc “đũa thần” giúp mọi doanh nghiệp phát triển. Song song với số doanh nghiệp niêm yết ngày một tăng, mỗi năm bình quân cũng có từ 20 - 30 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc do kinh doanh kém hiệu quả (thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ) hay kém minh bạch (vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến).
Trong số đó, một số doanh nghiệp bị nhà đầu tư nghi ngờ về việc “làm đẹp” báo cáo tài chính trước khi lên sàn khi báo cáo lợi nhuận tốt, tăng vốn ồ ạt, nhưng ngay sau đó, cổ đông nội bộ liên tục bán ra cổ phiếu, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lơ là công bố thông tin. Hệ quả, giá cổ phiếu suy giảm cho đến lúc bị hủy niêm yết bắt buộc như trường hợp cổ phiếu BAM của Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á, cổ phiếu NDF của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định.
Cụ thể, tại BAM, trước thời điểm niêm yết tháng 11/2014, các số liệu tài chính cho thấy đây là doanh nghiệp kinh doanh khá hiệu quả với lợi nhuận giai đoạn 2011 - 2014 trên dưới 15 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là giai đoạn vốn điều lệ Công ty tăng mạnh từ 63 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Vậy nhưng, sau khi niêm yết, kết quả kinh doanh của BAM nhanh chóng đi xuống, lãnh đạo doanh nghiệp bị xử phạt vì bán “chui” cổ phiếu, doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin. Chưa đầy một năm sau niêm yết, tháng 9/2015, BAM bị đưa vào diện cảnh báo và đến tháng 11/2016 thì bị hủy niêm yết do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Ngay khi vừa chuyển xuống UPCoM, cổ phiếu BAM đã bị tạm ngừng giao dịch. Từ đó đến nay, cổ đông không thể liên hệ và hầu như không nhận được thêm thông tin nào về doanh nghiệp.
Tại NDF, từ doanh nghiệp có vốn điều lệ 3,7 tỷ đồng, chỉ trong thời gian tháng 12/2013 đến tháng 2/2014, NDF đã tăng vốn lên 56,5 tỷ đồng. Tháng 7/2014, doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng và đến tháng 9/2014 thì chính thức niêm yết trên HNX.
Sau khi báo lãi đột biến trong năm niêm yết 2014, lợi nhuận của NDF năm 2015 giảm mạnh, năm 2016 lâm vào tình trạng thua lỗ. Từ tháng 1/2018, NDF đã bị đưa vào diện kiểm soát do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, đến tháng 7/2018 chính thức bị ngừng giao dịch. Đến nay, NDF vẫn là cổ phiếu “chết” trên sàn và dự báo ngày bị hủy niêm yết không còn xa.
Thực tế, trong số gần 750 doanh nghiệp niêm yết, dữ liệu giao dịch phiên 24/7/2019 cho thấy, 37,7% số cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, có 66 cổ phiếu (tương ứng 8,8% tổng số cổ phiếu) giao dịch với mức giá chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu. Trong số này, hàng chục doanh nghiệp làm ăn ngày càng thua lỗ, bị coi là những “xác sống” như CTA, BII, ACM, LCM, SGO…, hầu hết đều trong diện cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch, tạm ngừng giao dịch.
Rủi ro từ những con “sóng dữ”
Kinh doanh sa sút, thua lỗ, kém minh bạch, cổ phiếu bị kiểm soát, cảnh báo, hạn chế giao dịch…, nhưng không ít cổ phiếu “rác” này vẫn thường xuyên tạo nên những đợt tăng giá phi mã. Khác với những cổ phiếu cơ bản bị “nén giá” và khi được dòng tiền chú ý đã tăng giá mạnh mẽ, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, thì với những cổ phiếu yếu kém, sau những cơn sóng dữ là từng lớp nhà đầu tư bị cuốn vào và cuối cùng mắc kẹt.
Chẳng hạn, trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019, cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Quảng Nam đột ngột tăng trần 24 phiên liên tiếp, đưa thị giá tăng vọt gấp 5 lần chỉ trong hơn 1 tháng và nhiều tuần liên tục đứng đầu danh sách cổ phiếu có tỷ suất sinh lợi cao nhất sàn HOSE. Thanh khoản cũng tăng vọt, khối lượng giao dịch bình quân lên đến trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên, có phiên đạt gần 5 triệu đơn vị.
Chuỗi bứt phá của VHG diễn ra trong bối cảnh báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 công ty mẹ ghi nhận lỗ tăng gần 100 tỷ đồng so với báo cáo tự lập; trên báo cáo hợp nhất, lỗ tăng thêm gần 21 tỷ đồng do đơn vị kiểm toán yêu cầu trích lập dự phòng thêm tại một loạt khoản đầu tư và phải thu khó đòi.
Dù đã cầm chắc nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp, sự bứt phá của VHG vẫn khiến không ít nhà đầu tư bị cuốn hút với những kỳ vọng về sự “thay máu” ban lãnh đạo, “game” thâu tóm, sáp nhập…, có thể kéo doanh nghiệp hồi sinh, hoặc đơn giản là tranh thủ để “lướt sóng”.
Vậy nhưng, hơn 3 tháng trôi qua kể từ “sóng lớn”, không có tin tức đột biến nào xuất hiện như kỳ vọng. Đại hội đồng cổ đông 2019 lần 1 của VHG còn không đủ điều kiện tiến hành khi chỉ có 6 cổ đông, đại diện cho 17,05% vốn cổ phần tham dự. Sau khi bị hủy niêm yết, chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM, thị giá cổ phiếu này dập dìu đi xuống và hiện chỉ còn trên 1.000 đồng/cổ phiếu.
Những con sóng bất thường ở những cổ phiếu “rác” như VHG không hiếm và luôn đi kèm với những đồn đoán về khả năng hồi sinh. Tuy vậy, số doanh nghiệp thực sự phục hồi rất hiếm hoi, hầu hết cổ phiếu sau những đợt tăng mạnh đã quay trở về vùng giá ban đầu.
Hay trường hợp cổ phiếu KSA của Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Thuận, thị giá cổ phiếu đã tăng 50% ngay trước thềm bị hủy niêm yết tháng 5/2018, danh mục nhà đầu tư có thể lãi, nhưng không thể hiện thực hóa lợi nhuận. Bởi lẽ, KAS được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM sau khi hủy niêm yết, nhưng do vi phạm công bố thông tin, cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch suốt từ đó đến nay.
Nâng chất lượng hàng hóa: việc không thể chậm hơn
Thực tế những năm qua, mỗi năm đều có hàng chục cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Riêng trong nửa đầu năm 2019, số liệu thống kê của HNX cho biết, có 16 doanh nghiệp bị hủy niêm yết, gấp đôi số lượng niêm yết mới.
Trong số này, chỉ có 2 doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện để chuyển niêm yết sang HOSE, còn 14 doanh nghiệp chuyển xuống UPCoM, chủ yếu do bị hủy niêm yết bắt buộc. Trên sàn HOSE, có 4 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc trong nửa đầu năm nay.
Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, song song với việc khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, uy tín lên sàn, việc sàng lọc chất lượng cổ phiếu niêm yết được xem là yêu cầu tất yếu. Quy định về các trường hợp hủy niêm yết bắt buộc đã có từ lâu, tập trung vào những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả hoặc kém minh bạch nhằm loại bỏ những cổ phiếu “rác” trên sàn.
Cùng với việc sàng lọc doanh nghiệp, công tác thanh tra, giám sát được cơ quan quản lý tiến hành với những án phạt liên tục được đưa ra đối với các hành vi làm giá, thao túng giá cổ phiếu.
Thống kê các án phạt được ban hành cho thấy, chiếm tỷ lệ phổ biến trong số các trường hợp làm giá, thao túng rơi vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp bởi dễ thao túng, đẩy giá, tạo đột biến. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, có trường hợp đã bị khởi tố, xử lý hình sự.
Đây sẽ là những hành động cần thiết để giúp thị trường minh bạch với những hàng hóa chất lượng hơn. Có như vậy, thị trường chứng khoán mới thu hút và giữ chận được dòng tiền của nhà đầu tư, phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo nên sự phát triển lâu dài, bền vững cho chính thị trường.