Kinh tế Việt Nam đang dần cải thiện và có sự phục hồi ở khu vực tư nhân

Kinh tế Việt Nam đang dần cải thiện và có sự phục hồi ở khu vực tư nhân

Niềm tin đã được cải thiện

(ĐTCK) “Chuyển được các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, từ đó gây dựng lại niềm tin cho cả hệ thống, hạn chế tâm lý lo sợ có thể gây ra rủi ro hệ thống…”, là nhận định của ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK xung quanh vấn đề xử lý nợ xấu.

Nhìn vào tình hình giải quyết nợ xấu của Việt Nam, ông có đánh giá gì?

Tôi thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện và có sự phục hồi nhẹ của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu có sự cải thiện theo hướng tích cực trong 6 tháng đầu năm. Các biểu đồ và số liệu cho thấy, mức giảm khá mạnh của tỷ lệ nợ xấu, từ 4,8% hồi tháng 12/2014 xuống còn 3,7% trong tháng 6/2015.

Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng 4/2015 đã thu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính theo tiêu chuẩn quốc tế. Những quy định mới này cũng giúp tăng cường công tác thanh tra, giám sát an toàn trong hệ thống tài chính.

Đây là một tín hiệu cho thấy mức độ cải thiện đáng kể trong xử lý nợ xấu, mặc dù vẫn còn đó những câu hỏi là làm thế nào để giải quyết những khoản nợ xấu còn lại. Ngoài ra, đó còn là công cuộc tái cấu trúc cần được chú trọng để ngăn ngừa phát sinh các khoản nợ xấu mới.

Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để tăng cường quản trị công ty, yêu cầu nâng cao năng lực của các công ty cũng như việc đảm bảo các văn bản pháp lý này được thực thi nghiêm chỉnh như là một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tình trạng vỡ bong bóng tín dụng của năm 2010 tái diễn. 

Có một vấn đề là vốn của nền kinh tế đầu tư vào DNNN lớn, nhưng những doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả, gây ra nợ đọng trong ngân hàng và nền kinh tế. Ông có bình luận gì?

Các DNNN cung cấp một lượng lớn việc làm, là nguồn thu cho quốc gia, đồng thời cũng là rào cản, bởi đây là khu vực kém tích cực trong cải cách, nâng cao năng suất lao động để đóng góp vào một nền kinh tế giàu sức cạnh tranh. Chính phủ đã cổ phần hóa một phần 61 DNNN trong 6 tháng đầu năm 2015, tiếp theo 143 doanh nghiệp trong năm 2014. Chỉ tiêu chính thức là tiếp tục cổ phần hóa 228 doanh nghiệp trong năm nay, nhưng dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa muộn hơn, trong năm 2016 hoặc muộn hơn nữa.

Trong khi các doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các doanh nghiệp trong nước không làm được như vậy. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước không đổi kể từ năm 2012, một phần lý do là do các DNNN. Việc giảm vai trò của các DNNN sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng hơn, khuyến khích sáng tạo, tăng năng suất lao động chung, đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong số này rơi vào cảnh "chết" không được khiến các khoản nợ không có phương hướng giải quyết. Vai trò của pháp luật ở đây nên nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Khuôn khổ pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cần phải cải thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình cổ phần hóa cũng như việc cho phép các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng nắm quyền tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất cần phải tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới. 

Kinh nghiệm quốc tế nào có thể áp dụng tại Việt Nam mà ADB sẽ khuyến nghị với Chính phủ để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu tại nút thắt này, thưa ông?

Hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tồn tại từ năm 2011 và việc lập ra VAMC là một bước đi quan trọng để tạo ra sự ổn định và gây dựng niềm tin trong hệ thống. Điểm quan trọng cần ưu tiên khi gặp phải khủng hoảng là duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và Việt Nam đã làm được điều này theo một cách cẩn trọng.

Chuyển được các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, từ đó gây dựng lại niềm tin cho cả hệ thống, hạn chế tâm lý lo sợ có thể gây ra rủi ro hệ thống. Qua thời gian, niềm tin đã được cải thiện, tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều những dấu hỏi.

Có rất nhiều cách và rất nhiều bài học về xử lý nợ xấu, tùy vào tình hình cụ thể tại từng nước mà từ đó sẽ có các giải pháp phù hợp, như một số dựa vào các DNNN, một số dựa vào các doanh nghiệp tư nhân…

Theo quan điểm của ADB, điểm quan trọng nhất trong việc xử lý nợ xấu là tăng cường quản trị công ty và nâng cao hiệu quả, tạo ra một cơ chế rõ ràng, minh bạch để công bố quá trình xử lý nợ xấu, từ đó củng cố và tạo ra niềm tin với các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan