Bất ngờ thứ nhất, đưa tôi đến châu Âu
Những điều lớn lao, to tát khác, các bậc đàn anh đã viết nhiều rồi, còn tôi, tôi xin kể lại vài câu chuyện nhỏ, vài kỷ niệm về nghề thế này, cũng là để hầu bạn đọc trong lúc trà dư tửu hậu tháng 6.
Đời làm báo đầy rẫy những bất ngờ. Bất ngờ gặp được một nhân vật hay, bất ngờ được đến những nơi mình thích hoàn toàn không hề tưởng trước, bất ngờ vì nhận được những lời chúc dễ thương…
Với tôi, cho đến giờ, phần nhiều những bất ngờ đều đến như những món quà.
Cách đây hơn 10 năm, tình cờ một ngày cuối năm (Dương lịch - năm 2007), tôi nhận được lời mời của Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho chuyến công tác sang Ý chừng hơn nửa tháng.
Lần đó, tôi được mời với tư cách của một phóng viên chuyên viết về rượu vang và ẩm thực. Địa điểm làm việc là ở TP. Verona, phía Bắc nước Ý. Sự kiện tham dự là Cuộc thi Rượu vang Quốc tế Italia 2008 (Vinitaly 2008).
Mang bao nhiêu niềm hào hứng lần đầu đến với châu Âu, đến với những lâu dài cổ sản xuất rượu và những cánh đồng nho, điều mà trước đây, tôi chỉ được xem qua sách báo và phim ảnh, tôi đến Ý vào một ngày đầu tháng 3/2008.
Một hầm rượu ở Verona. Ảnh: Thành Nguyễn.
Những tưởng tham gia sự kiện này chỉ với việc ngó nghiêng các hầm rượu, tham quan cánh đồng nho, tìm hiểu và trải nghiệm về công nghệ sản xuất rượu của một trong những quốc gia nổi tiếng nhất của nhóm Old World, nhưng bất ngờ thay, một hoạt động chính và quan trọng của chuyến công tác, đó là việc tôi trở thành thành viên Ban Giám khảo của cuộc thi. Dĩ nhiên, với cương vị người viết về rượu và ẩm thực, chứ chẳng phải một chuyên gia ngực đầy mề-đay (medal) như nhiều người vẫn nghĩ.
Giới chuyên môn chia các quốc gia sản xuất rượu vang thành hai nhóm: Thế giới cũ (Old World) gồm các nước: Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Áo, Hungary, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Armenia và Moldova. Trong đó, Pháp và Italia là hai quốc gia nổi tiếng nhất.
Còn nhóm New World gồm: Mỹ, Úc, Nam Phi, Chile, Argentina, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Nam Phi.
Tôi nhớ mãi, giai đoạn 2005 - 2008, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với các hãng rượu vang. Ngày đó, đất nước của rượu đế đã hân hoan chào đón rượu vang, như sứ giả của tình bằng hữu.
Hồi đó, rượu vang thực sự lên ngôi và là thứ đồ uống vừa phản ánh trào lưu hưởng thụ mới, vừa khẳng định gu thưởng thức có phần sang trọng, đẳng cấp. Đại loại thế. Rượu vang xuất hiện nhiều ở các sự kiện mang tính giao tế, tiếp khách, ngoại giao, chứ chưa phổ biến ở các bàn ăn gia đình như hiện nay.
Có lẽ, bởi điều đó, trong khi không ít quốc gia chỉ có một đại diện là báo chí tham gia ban giám khảo, thì Việt Nam lại có tới 2 người (tôi và một anh đồng nghiệp Báo Sài Gòn tiếp thị). Ngày đó, tôi là một trong số 105 giám khảo là các chuyên gia rượu vang, nhà báo đến từ 28 quốc gia đại diện cho 5 lục địa.
Dù bất ngờ trở thành thành viên Ban giám khảo, nhưng cũng may, trước đó, với hơn 5 năm liên tục tìm hiểu về rượu vang, tôi cũng dắt lưng cho mình một vốn kiến thức và lượt trải nghiệm kha khá. Vì vậy, công việc “điếm chẩm” cho các chai vang, theo kiểu thử mù (che nhãn) cũng chẳng đến nỗi nào.
Nhưng tôi còn thích thú và tự hào hơn khi thấy được sự trang trọng mà nước chủ nhà dành cho các giám khảo, vì nó mang cả tính chất đại diện quốc gia.
Mỗi người một bàn làm việc với đầy đủ “công cụ” cần thiết cho cuộc thử nếm. Từ nước lọc xúc miệng, bánh mỳ, số thứ tự, giấy bút, máy tính. Và trên hết, cả một lá quốc kỳ trang trọng đặt trên bàn.
Thử nếm rượu cùng các chuyên gia và nhà sản xuất. Ảnh: Thành Nguyễn.
Trong nửa tháng làm việc, tôi đã chấm điểm cho khoảng 250 loại rượu, tham quan hàng chục nhà sản xuất danh tiếng, hàng chục buổi thử nếm và hàng trăm gian hàng,…
Từ bất ngờ, ngạc nhiên đến thú vị, tôi không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin về cuộc thi, mà còn cả với cương vị một giám khảo.
Bất ngờ vì được mời, bất ngờ với việc trở thành giám khảo, và nhờ có sự bất ngờ như thế, tôi được in dấu chân mình tận nước Ý xa xôi. Một trải nghiệm mà nếu không làm báo, chắc chẳng dễ gì tôi có được.
Bất ngờ thứ 2, vô tình ẵm giải
Năm 2009, một buổi sáng đến cơ quan, chị đồng nghiệp hỏi tôi, đại ý là “Ngày nọ, ngày kia em có bận không, không bận thì đi cùng chị vào Nha Trang. Em được giải Cuộc thi viết về Tiết kiệm năng lượng”.
Đến ngày đến giờ tôi lên đường, thế thôi. Còn bất ngờ ư, đó là bởi vì bản thân tôi không biết cuộc thi, cũng chẳng gửi bài.
Đâu đó, dọc đường tác nghiệp. Ảnh: Thành Nguyễn.
Số là độ đó tôi hay viết về chủ đề tiết kiệm năng lượng. Chị đồng nghiệp mang bài gửi thi, ngờ đâu, tôi cũng được cái giải khúc khích, phần thưởng là chuyến ăn chơi phố biển đâu 3, 4 ngày trời.
Chưa hết, đêm gala trao giải, Ban Tổ chức chẳng biết sơ suất thế nào, giải trao hết sạch mà chẳng thấy gọi tên tôi. Tôi quê một cục, mặt cứ nghệt ra như Phỗng, kiểu như sắm vai người đi ké, làm kẻ ham vui ấy.
Đang định tìm kẽ nứt nào đấy để trốn, thì em MC xinh tươi (tôi khen xinh vì đơn giản bạn ấy làm tôi hết ngượng) cất giọng thanh minh, thanh nga các kiểu. Đại loại là do thiếu sót nên quên mất cái vụ của tôi (chắc do giải bé quá). Và thế là, một cái giải khúc khích bé tẹo được trao cuối cùng, sau cả giải đặc biệt.
Cũng duy nhất hôm đó, mình tôi lên sân khấu (cả giải đặc biệt còn có tới hai người được nhận). Ngoài ra, tôi còn được nhận bó hoa to tướng, chắc Ban Tổ chức cố tình làm vậy để chữa ngượng.
Tôi còn nhớ mãi, độ ấy, anh Huỳnh Kim Tước là Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức giải bảo tôi rằng: “Cứ như em lại hóa hay đấy, ai cũng phải nhớ”.
Vẫn chưa hết, bữa đó còn có tăng 2 là một cuộc thi hát Karaoke. Một lần nữa, số đen chưa hết đeo đuổi, đúng bài hát tôi chọn thi thố, thì khi lên lại cứ bị tậm tịt. Tôi đánh đại chọn một bài hát khác. Thi xong, tôi xin phép rút êm, bởi ngay đêm đó, tôi phải vào TP.HCM có việc.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy sau một chuyến hành trình dài bằng xe khách, tôi lại nhận được tin nhắn của chị đồng nghiệp: “Em đi, làm chị lại phải lên nhận giải hộ. Em được giải nhất cuộc thi Karaoke. Quà chị nhận giúp rồi nhé”.
Báo chí cho người làm nghề nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó có các chuyến đi đến những vùng đất lạ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Đấy, niềm vui nó cứ bất ngờ như vậy. Vui như cái sinh nhật năm nào, tôi nhận được một lời chúc dễ thương: “Thay mặt hơn 50 hộ dân đường AAA, khu đô thị BBB, chú chúc cháu sinh nhật thật vui và viết ngày càng khỏe nhé”.
Số là trước đó ít lâu, tôi có viết bài phản ánh về những bất cập tại khu đô thị, nói giúp tiếng nói của người dân tới các cơ quan quản lý. Rồi kết bạn zalo với đại diện cư dân. Rồi như thế, như thế. Cũng chỉ nghĩ phản ánh đơn thuần, và cái việc của mình nó phải vậy. Thế thôi.
Giờ nghĩ lại, lắm lúc vẫn tự hào lắm, dù so với đồng nghiệp toàn cây đa, cây đề, việc mình làm còn quá ít, đóng góp của mình với cộng đồng còn quá bé nhỏ, nhưng nói thật, tôi vẫn luôn mong chờ những điều bất ngờ như thế.