Những thông tin, sự kiện đáng chú ý trong tuần từ 9 -15/11

Những thông tin, sự kiện đáng chú ý trong tuần từ 9 -15/11

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên quan đến thuế suất thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón, phương án giải cứu Vietnam Airlines… là những sự kiện đáng chú ý trong tuần này.

Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Ở đầu tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIV theo hình thức tập trung (từ ngày 9 -13/11), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ tìa chính về tiến ộ cổ phẩn hoá, thay đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón…

Phiên chất vấn sẽ kéo dài đến hết sáng 10-11, được truyền hình phát thanh trực tiếp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chốt phiên chất vấn, trực tiếp trả lời một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra.

Họp Thường vụ Quốc hội

Phiên họp lần thứ 50 của Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 9/11. Nội dung phiên họp xoay quanh một số vấn đề chính như: giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với phân bón; cho ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại thời điểm tháng 4, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, dịch Covid-19 làm hãng giảm 50.000 tỷ đồng doanh thu, 10.000 cán bộ công nhân viên phải nghỉ việc.

Gần đây, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, Ủy ban Quản lý vốn đã chỉ đạo Vietnam Airlines và SCIC xây dựng Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, báo cáo Chính phủ để đảm bảo tăng vốn là một những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu Vietnam Airlines. Các bước chuẩn bị được khẩn trương thực hiện suốt thời gian qua và đến nay, SCIC đã sẵn sàng cho việc đầu tư vào Vietnam Airlines.

Họp tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ

Trong hai ngày 12-13/11, tại Cần Thơ sẽ diễn ra cuộc họp tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến các địa phương trong vùng và ngày 28/8/2020, Bộ tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn ý kiến các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang về Dự thảo này.

Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức từ ngoại vùng (vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn, tác động của các dự án từ thượng nguồn sông Mê Công…). Các thách thức nội vùng đến từ lực lượng lao động thiếu trình độ kỹ thuật, thu nhập bình quân thấp.

Lấy ý kiến về Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và các nghị định hướng dẫn thi hành một số điều Luật

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thuế Giá trị gia tăng và các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Thuế Giá trị gia tăng.

Dự thảo quy định rõ một số nhóm sản phẩm, dịch vụ không chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng như phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác...

Dự thảo cũng nêu rõ, kinh doanh chứng khoán (bao gồm môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán…); hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của Sở Giao dịch chứng khoán; chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác… là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo dự thảo, nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP phải đảm bảo nguyên tắc: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án; hợp đồng dự án phải quy định cụ thể tỷ lệ, giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán.

Khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chi sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu.

Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế chỉ áp dụng: đối với hợp đồng BOT, BTO, BOO; lý do giảm doanh thu được xác định do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi; đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính; được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu.

Tin bài liên quan