Tuổi đời các nhà đầu tư chứng khoán ngày càng trẻ hóa

Tuổi đời các nhà đầu tư chứng khoán ngày càng trẻ hóa

Những tấm chiếu mới…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng trăm ngàn nhà đầu tư F0 được gọi đùa là những “tấm chiếu mới” vì họ… chưa từng trải qua bầm dập thị trường và thế hệ F0 hiện tại mang lại nhiều sắc thái thú vị.

Thanh thế của F0

2021 được xem là năm của những kỷ lục mới khi vốn hóa thị trường đạt 7.729.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020.

Bên cạnh đó, thanh khoản bùng nổ và tăng mạnh, từ mức bình quân 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, đến tháng 11, thanh khoản thị trường đạt mức 40.000 tỷ đồng/phiên, có phiên đạt kỷ lục 56.105 tỷ đồng (ngày 19/11/2021), đưa giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020.

Thị trường thăng hoa khiến cả những người thờ ơ nhất với chứng khoán cũng không thể đứng ngoài cuộc. Bất kỳ nơi đâu, từ quán cà phê, hàng ăn, đến công sở, nhà máy xí nghiệp, người người đều nói về chứng khoán. Đỉnh cao của sự “xôm tụ” là vào tháng 11/2021, khi có tới 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

Chuyện các F0 gia nhập thị trường đông đảo không chỉ mang đến một nguồn tiền lớn, tạo nên sự sôi động, mà điều thú vị là sự tham gia của nhóm “tấm chiếu mới” này có thời điểm đã định nghĩa lại quan điểm đầu tư của nhiều tay chơi lão luyện.

Trao đổi cùng người viết, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, với sự “hung hãn” của nhóm nhà đầu tư mới - không sợ trời, sợ đất, hoặc chưa kịp biết sợ, không ít lần, đội lái còn bị cướp hàng, bị F0 “quật ngược” cho xây sẩm mặt mày. Thị trường lên cũng khiến nhiều Fn lâu năm, theo “hệ giá trị” có những phút xao lòng và tự đặt ra câu hỏi: “Liệu phương pháp của mình còn đúng?”.

“Nhiều bạn bè tôi là nhà đầu tư lâu năm, nhưng chứng kiến giai đoạn các F0 gấp 2, gấp 3 lần tài khoản cũng không tránh khỏi sốt ruột mà chuyển một phần tài sản sang hàng đầu cơ, đánh theo đội lái. Năm qua, không ít nhà đầu tư lão luyện bị FOMO trước cảm xúc thị trường mà nhóm nhà đầu tư mới tạo nên”, anh này chia sẻ.

F0 nghĩ gì?

Trao đổi cùng người viết, anh Công, một nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ tháng 6/2021 cho biết, hiện tại, anh có 2 tài khoản riêng biệt, của 2 công ty khác nhau. Một tài khoản chiếm tỷ trọng vốn lớn hơn, anh chỉ cầm 2 cổ phiếu dài hạn, theo kiểu mua xong bỏ đó. Một tài khoản khác anh dùng để mua các cổ phiếu ngắn hạn. Và điều thú vị là trong khi tài khoản ngắn hạn của anh đang có lãi, thì tài khoản dài hạn lại đang thua lỗ.

Sự tham gia của nhóm “tấm chiếu mới” này có thời điểm đã định nghĩa lại quan điểm đầu tư của nhiều tay chơi lão luyện.

“Tôi đang thu hẹp danh mục dần, cả với tài khoản đầu cơ. Nhưng trước tiên, tôi đang canh điểm phục hồi để bán ra nhằm hạn chế thiệt hại”, anh Công cho biết.

Được biết, nhà đầu tư này hiện vẫn đang mắc cạn với hai cổ phiếu TCB (mua ở thời điểm giá trên 57.000 đồng/cổ phiếu) và HPG (mua hai đợt, trung bình giá 50.000 đồng/cổ phiếu). Đến thời điểm giữa tháng 1/2022, hai cổ phiếu này đều đang lỗ lần lượt trên 13% và trên 7%. Ngoài ra, anh Công cũng đang trót ôm APH từ mức giá trên 45.000 đồng/cổ phiếu, trong khi hiện giá cổ phiếu này chỉ loanh quanh ở mức 37.000 đồng/cổ phiếu.

Một điểm thú vị của không ít nhà đầu tư F0 đó là mua bán theo tin tức. Anh Quyền, một F0 tham gia thị trường từ tháng 7/2021 cho biết, hầu hết các cổ phiếu đợt đầu anh mua là sau khi đọc các tin tức về kết quả kinh doanh quý II/2021 của doanh nghiệp, hoặc sau khi có các thông tin tốt.

“Lúc mới vào thị trường, tôi mua loạn hết cả lên, cứ thấy báo cáo tài chính tích cực là mua, thấy thông tin tốt là mua, dù mỗi mã chỉ mua một vài trăm cổ phiếu, nhưng phần đa là bị lỗ. Sau này, tôi mới biết, khi đã “ra tin” thì cổ phiếu sẽ tăng không đáng kể hoặc không còn tăng được nữa do đã hết chặng đường. Đó là những học phí đầu tiên mà tôi có được ở thị trường”, anh Quyền cho biết.

Không giống như anh Quyền, chị Tuyến, một F0 khác lại hoàn toàn nghe theo các lời phím trên nhóm Zalo.

“Ngay khi mở tài khoản, tôi được tham gia một nhóm Zalo của công ty chứng khoán, rồi bạn bè giới thiệu và “kết nạp” tôi vào vài nhóm khác nữa. Lúc đầu, tôi chỉ mua bán theo các chỉ báo trong room, cũng có mã tăng, mã giảm, nhưng tính hiệu quả không cao. Đến thời điểm hiện tại, nhóm chat chủ yếu là nơi tôi cập nhật thông tin ngành, thị trường, còn việc mua bán các mã thì tôi đã thoát ly được từ 2 - 3 tháng nay”, chị Tuyến nói và cho biết thêm, việc những nhà đầu tư mới như chị mất thời gian, kể cả tiền bạc để học được từ thị trường là điều khó tránh khỏi và đây là giai đoạn rất quan trọng, bổ ích vì các trải nghiệm sẽ mang lại sự trưởng thành cho mỗi F0.

Khép lại năm 2021, với những nhà đầu tư F0 như anh Công, anh Quyền, chị Tuyến cơ bản mà nói thì đây là một năm khá thành công khi cả ba “tấm chiếu mới” đều có lãi, nhưng như các nhà đầu tư này chia sẻ, quan trọng hơn là đã học hỏi được nhiều từ thị trường, tự tin hơn để tăng vốn trong năm 2022.

Năm của F0

Trước khi trở thành một Fn, anh Tuấn cũng từng là một F0 với những lần “khờ dại” (lời của nhân vật). Anh Tuấn đúc kết, trên thị trường chứng khoán thì ai nắm được thông tin sẽ là vua. Câu nói này khẳng định tính quan trọng của các thông tin khi đầu tư trên thị trường, vì đa phần diễn biến giá cũng sẽ phản ánh các thông tin này.

Tuy nhiên, để đánh giá được những thông tin này một cách chính xác nhất thì đòi hỏi nhà đầu tư phải có kỹ năng phân tích và phải hiểu được doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng làm được điều đó, nhất là với các F0, khi mà nhiều nhà đầu tư thậm chí còn không hiểu rõ các khái niệm như ngày giao dịch không hưởng quyền, thời gian của các phiên giao dịch…

Đánh giá về nhóm những nhà đầu tư F0 năm qua, chuyên gia phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng, năm 2021 là một năm thành công của nhiều nhà đầu tư F0, cả về mặt lợi nhuận và kinh nghiệm thu nhận được. Nhìn chung, những nhà đầu tư tham gia thị trường tầm 6 tháng nếu có đam mê tìm hiểu thì cũng đã phần lớn có được những chuyển biến đáng kể trong tư duy đầu tư. Họ cũng phân tích được tin tức như thế nào là thật sự ảnh hưởng đến cổ phiếu cũng như có tư duy phân tích nhất định.

“Tuy nhiên, vấn đề là nhiều nhà đầu tư vẫn chưa kiểm soát được tâm lý, thường bị cuốn theo những diễn biến của thị trường, dễ dẫn đến những quyết định không đúng đắn. Sau khi trải qua những con sóng từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư cũng hiểu rõ hơn bản chất của chứng khoán không phải mua gì cũng thắng như giai đoạn trước. Trong năm nay, thị trường không còn dễ, mà đòi hỏi nhà đầu tư phải lựa chọn và chắt lọc các cổ phiếu tốt thì mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Tin bài liên quan