Những phi vụ giao dịch nội gián nổi tiếng trên phố Wall

Những phi vụ giao dịch nội gián nổi tiếng trên phố Wall

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong suốt chiều dài lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ, có rất nhiều cá nhân đã sử dụng quyền truy cập thông tin nội bộ để đạt được lợi thế không công bằng trước các nhà đầu tư khác.

William Duer được coi là người đầu tiên sử dụng đặc quyền của mình trong một kế hoạch liên quan đến đầu cơ vào cổ phiếu ngân hàng.

William Duer được Alexander Hamilton bổ nhiệm làm trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Mỹ vào năm 1789. Sáu tháng sau, ông ta đã phải từ chức sau khi bị phát hiện lợi dụng quyền tiếp cận thông tin mật để đầu cơ trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Mặc dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã có các quy định để bảo vệ các khoản đầu tư khỏi tác động của giao dịch nội gián, nhưng các giao dịch này thường khó phát hiện, vì các cuộc điều tra liên quan đến quá nhiều suy luận mang tính phỏng đoán. Như vậy, khi giao dịch nội gián bị phát hiện, nó thường gây ra sự tranh cãi.

Các trường hợp giao dịch nội gián cũng có xu hướng thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông, đặc biệt nếu người bị buộc tội là một nhân vật của công chúng có danh tiếng.

Dưới đây là bốn trường hợp đáng chú ý của giao dịch nội gián, bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.

Cựu Chủ tịch JPMorgan Chase Bank, Albert H. Wiggin

Sau sự sụp đổ của phố Wall năm 1929, có thông tin tiết lộ rằng, Albert H. Wiggin, người đứng đầu đáng kính của JPMorgan Chase Bank, đã bán khống hơn 40.000 cổ phiếu của Ngân hàng thông qua các công ty thuộc sở hữu của gia đình mình để che giấu các giao dịch.

Vào thời điểm đó, không có quy định cụ thể nào chống lại việc bán khống cổ phiếu của chính công ty trong nội bộ. Vì vậy, hậu quả của vụ sụp đổ năm 1929 khi nhiều nhà đầu tư khác tranh nhau bán tháo cổ phiếu JPMorgan Chase Bank, Wiggin lại kiếm được 4 triệu USD một cách hợp pháp.

Ngoài lợi nhuận kiếm được từ việc bán khống, Wiggin còn nhận được khoản tiền trợ cấp 100.000 USD hàng năm từ Ngân hàng. Sau đó, Wiggin đã buộc từ chối khoản lương hưu này do bị công chúng và giới truyền thông lên án gay gắt.

Sau đó, Đạo luật Chứng khoán và Giao dịch năm 1934 đã được thông qua, một phần như phản ứng cần phải có đối với tình trạng tham nhũng phổ biến sau những bê bối này. Đạo luật nhằm tăng tính minh bạch trên thị trường tài chính và giảm các sự cố gian lận hoặc thao túng.

Broker phố Wall, Ivan Boesky

Ivan Boesky là một Broker chứng khoán người Mỹ và trở nên nổi tiếng với vụ bê bối giao dịch nội gián trong những năm 1980.

Vụ bê bối này cũng liên quan đến một số nhân viên môi giới khác tại nhiều ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, nhóm người đã cung cấp cho Boesky những “lời khuyên” về các thương vụ M&A.

Năm 1987, sau khi một nhóm các đối tác của Boesky kiện ông ta về các thỏa thuận pháp lý, vốn được cho là gây ra hiểu lầm về quan hệ đối tác của họ (Boesky cũng có công ty môi giới chứng khoán của riêng mình là Ivan F. Boesky & Company vào năm 1975), SEC sau đó bắt đầu điều tra Boesky.

Kết quả cuộc điều tra cho thấy, Boesky đã đưa ra quyết định đầu tư của mình dựa trên thông tin nhận được từ nhóm người này.

Cụ thể, Boesky đã trả tiền cho các nhân viên của ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert trong mảng M&A để có thông tin giúp anh ta định hướng giao dịch của mình. Boesky nhờ đó đã kiếm được không ít lợi nhuận từ hầu hết các thương vụ M&A lớn trong những năm 1980, bao gồm Getty Oil, Nabisco, Gulf Oil, Chevron và Texaco. Boesky xuất hiện trên trang bìa của Tạp chí Time số ngày 1/12/1986.

Boesky sau đó bị kết tội giao dịch nội gián từ năm 1986, nhận bản án 3,5 năm tù và bị phạt 100 triệu USD. Mặc dù được trả tự do chỉ sau 2 năm, nhưng Boesky đã bị SEC cấm vĩnh viễn làm việc trong ngành chứng khoán.

Nhà báo của The Wall Street Journal, R. Foster Winans

R. Foster Winans là một nhà báo của The Wall Street Journal (WSJ), người phụ trách một chuyên mục có tên "Heard on the Street Column” (chuyên mục nhận định về xu hướng cổ phiếu).

Trong mỗi cột bài viết, anh ta sẽ lập hồ sơ về một cổ phiếu nhất định và đáng ngạc nhiên là các cổ phiếu có trong bảng cột này thường tăng hoặc giảm đúng như nhận định ​​của Winans.

Những gì quan trọng nhất ở giao dịch nội gián là thường khó phát hiện vì các cuộc điều tra liên quan đến nhiều phỏng đoán.

Nhận thấy lợi thế này, Winans đã sắp xếp một thỏa thuận, trong đó anh ta tiết lộ nội dung chi tiết trong “cột” của mình cho một nhóm môi giới chứng khoán.

Nhóm môi giới chứng khoán này sau đó sẽ mở vị thế các cổ phiếu này trước khi chuyên mục của Winans được xuất bản.

Sau khi các nhà môi giới có thể kiếm được lợi nhuận của riêng mình, họ được cho là đã trích hoa hồng cho Winans để đổi lấy sự ‘thông minh’ của anh ta.

Winans cuối cùng đã bị SEC bắt. Tuy nhiên, trường hợp của anh ta khá phức tạp vì chuyên mục này là ý kiến ​​cá nhân của Winans, chứ không phải thông tin nội bộ.

Mặc dù vậy, SEC cuối cùng đã kết tội Winans, dựa trên tuyên bố rằng thông tin về các cổ phiếu có trong cột này thuộc về The Wall Street Journal chứ không phải của anh ta.

CEO Samuel Waksal của ImClone và nữ doanh nhân Martha Stewart

Vào tháng 12/2001, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có thông báo, họ sẽ không chấp thuận một loại thuốc điều trị ung thư mới có tên là Erbitux của Công ty dược phẩm ImClone.

Kết quả của thông báo này là cổ phiếu của ImClone sụt giảm nhanh chóng. Đặc biệt, loại thuốc này nằm trong chiến lược phát triển tương lai của ImClone. Nhưng trong khi nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ, thì gia đình và bạn bè của Người sáng lập kiêm Giám đốc điều là Samuel Waksal không hề hấn gì.

SEC sau đó phát hiện ra rằng, trước khi FDA công bố quyết định, nhiều giám đốc điều hành của ImClone và người thân của Waksal đã bán tháo cổ phiếu của họ theo hướng dẫn của Waksal, người cũng đã cố gắng bán cổ phiếu ImClone đang nắm giữ.

Cụ thể, con gái của ông, Aliza Waksal đã bán 2,5 triệu USD cổ phiếu vào ngày 27/12/2001. Cha của ông, Jack Waksal đã bán 8,1 triệu USD cổ phiếu trong ngày 27 và 28/12/2021.

Các giám đốc điều hành công ty cũng ồ ạt bán ra. John B. Landes, cố vấn cao cấp đã bán 2,5 triệu USD cổ phiếu vào ngày 6/12/2001. Ronald A. Martell, Phó chủ tịch tiếp thị và bán hàng đã bán 2,1 triệu USD cổ phiếu vào ngày 11/12/2001. Bốn giám đốc điều hành khác đã bán cổ phiếu trong những tuần tiếp theo…

Cuối cùng, sau điều tra, người sáng lập Waksal đã nhận tội với nhiều tội danh khác nhau, bao gồm gian lận chứng khoán, cản trở điều tra, khai man và vào ngày 10/6/2003, bị kết án hơn 7 năm tù giam, chịu phạt 4,3 triệu USD.

Ở một diễn biến khác, Martha Stewart, một nữ doanh nhân nổi tiếng và có vẻ không có liên quan gì tới bộ sậu của Waksal cũng dính tới nghi án giao dịch nội gián. Theo đó, năm 2001, nhà sáng lập của Martha Stewart Living Omnimedia này đã bất ngờ bán toàn bộ cổ phiếu ImClone ở mức giá cao và thu về 250.000 USD chỉ hai ngày trước khi thông báo của FDA được công bố.

Sau đó, cổ phiếu của ImClone đã giảm 16% và cuối cùng đã lao dốc mạnh từ khoảng 50 USD/cổ phiếu xuống chỉ còn hơn 10 USD/cổ phiếu trong những tháng tiếp theo.

Trong cuộc điều ra của SEC, Stewart tuyên bố, cô đã đặt lệnh bán tự động từ trước với người môi giới của cô khi cổ phiếu xuống dưới 60 USD (sau này tòa án đã bác bỏ và kết tội khai man), nhưng cuộc điều tra cho thấy, người môi giới của Stewart - Peter Bacanovi đã cho Stewart biết rằng cổ phiếu của ImClone sẽ giảm giá.

Năm 2004, Stewart và Peter Bacanovi bị kết tội giao dịch nội gián. Stewart bị kết án 5 tháng tù giam và bị phạt 30.000 USD.

Quy định giao dịch chứng khoán tại Việt Nam còn mơ hồ

Nói về tính minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF 2020), ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Mitsubishi Corporation Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, Luật Chứng khoán của Việt Nam cũng nghiêm cấm giao dịch nội gián khi mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết. Tuy nhiên, các quy định của Luật Chứng khoán Việt Nam còn mang tính trừu tượng, chưa làm rõ trường hợp nào thì được coi là thông tin nội bộ.

Mặt khác, tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, hầu như không có trường hợp giao dịch nội gián nào bị phát hiện và trong số các công ty niêm yết của Việt Nam, cũng có rất ít người biết về quy định liên quan đến giao dịch nội gián.

Thực tế, với sự bất đối xứng thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam, việc cung cấp thông tin “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, đã tạo ra môi trường hoàn hảo cho giao dịch nội gián và tình trạng này phổ biến tới mức người ta cho rằng nó là điều hiển nhiên.

Không khó để nhận thấy những quyền tiếp cận sớm thông tin của một bộ phận cá nhân, tổ chức nào đó trước khi thông tin đó được công bố công khai một cách chính danh trên thị trường.

Những hồ sơ, hoặc đơn giản được cho là những “tin đồn” (sau này những tin đồn thật đa số thành sự thật) về nghị quyết quan trọng từ HĐQT, kết quả kinh doanh, kế hoạch M&A, mua bán cổ phần nội bộ và không ít các thông tin bất thường của một công ty… xuất hiện nhan nhản trên cả các nhóm kín, nhóm công khai trên trang các nền tảng mạng xã hội, trước khi chúng được công bố chính thức ra thị trường.

Trong hoàn cảnh này, bên được ưu tiên sớm tiếp cận thông tin trước cho rằng điều này là đương nhiên, vì tự cho là "đối tác", nhóm cổ đông có tiếng nói, hay nhóm người quan trọng có tiếng nói trên thị trường…

Nếu không giảm được tình trạng sự bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán thì sớm hay muộn niềm tin của số đông nhà đầu tư sẽ bị mai một, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tin bài liên quan