Những nước được hưởng lợi và những nước bị thiệt hại với gói kích thích 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008/2009, giới phân tích đã chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ đã đóng một vai trò quan trọng nhất trong khủng hoảng.
Những nước được hưởng lợi và những nước bị thiệt hại với gói kích thích 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden

Do đó, một trong những gói kích cầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao tới các quốc gia khác trên toàn cầu?

Gói kích thích 1.900 tỷ USD sẽ giúp GDP thế giới tăng thêm 1%

Các chính phủ đang lo lắng về việc sửa chữa bảng cân đối kế toán của mình khi nguồn thu từ thuế giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó, các ngân hàng trung ương cố gắng thúc đẩy nền kinh tế thông qua các chương trình bơm tiền giá rẻ và mua các tài sản.

Theo đó, gói kích thích tài khóa khổng lồ 1.900 tỷ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua sẽ có ý nghĩa vượt xa biên giới nước Mỹ.

Triển vọng Kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán rằng, gói kích thích mà Tổng thống Joe Biden đề xuất (chiếm 8,5% GDP của Mỹ) cùng với việc triển khai nhanh chóng các nỗ lực tiêm chủng sẽ làm tăng GDP toàn cầu thêm 1% trong năm nay.

Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD cho biết, gói kích thích 1.900 tỷ USD cùng với khoản tiền 900 tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế Mỹ vào tháng 12/2020 dự kiến ​​sẽ đóng góp thêm vào GDP toàn cầu.

OECD cũng ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay từ mức thấp do đại dịch gây ra, đây là dự báo tăng so với dự báo trước đó là 4,2% vào tháng 12/2020.

Điều gì sẽ xảy ra khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại?

Nền kinh tế Mỹ bùng nổ sẽ giúp nhu cầu kinh tế lan rộng ra phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng gần nhất và các đối tác thương mại lớn như Mexico và Canada, cũng như các nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở Đông Á và châu Âu sẽ được hưởng lợi.

Hưởng lợi từ tăng trưởng nhanh của Mỹ, các nền kinh tế phát triển đang vay nợ bằng đồng nội tệ sẽ được hưởng lợi từ tăng xuất khẩu tiềm năng và khuyến khích gia tăng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng của kinh tế Mỹ nếu dẫn đến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng lên làm lạm phát cao hơn, điều này có thể gây ra sự gia tăng lãi suất trên toàn cầu.

Các nhà đầu tư đang đặt cược Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ buộc phải tăng lãi suất để dập tắt áp lực lạm phát hoặc loại bỏ gói kích thích khi nền kinh tế trở lại mức gần bằng mức toàn dụng.

Các thành viên trong hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lo lắng rằng điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay, làm giảm hiệu quả của các nỗ lực kích thích trong một khu vực mà chính sách tiền tệ cho đến nay vẫn là hình thức kích thích phổ biến và quan trọng nhất.

Mặt khác, các quốc gia nghèo hơn sẽ gặp khó khăn trong việc vay nợ bằng nội tệ. Tỷ giá tăng sẽ đảo ngược một số dòng vốn đã tài trợ cho các nền kinh tế này và làm đồng USD mạnh hơn, đặc biệt nếu sự phục hồi của Mỹ không đồng nhất với các quốc gia giàu có khác thì điều này sẽ làm các quốc gia này thiệt hại nhiều hơn.

Tuy nhiên, các quốc gia nghèo hơn hiện nay đang ở vị thế tốt hơn so với thời kỳ căng thẳng do hiện tượng Taper tantrum năm 2013 (hiện tượng chính sách tiền tệ mở rộng đột ngột bị đảo ngược) do áp lực mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản khiến nhiều đồng nội tệ của thị trường mới nổi đã giảm. Nhiều ngân hàng trung ương đã tăng dự trữ ngoại hối để chống lại các dòng chảy tương tự và giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính bằng đồng USD.

Nhưng các nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng bởi nợ công cao hơn, thâm hụt tài khoản vãng lai nhiều hơn, lãi suất cao hơn có thể đồng nghĩa với việc một số chính phủ sẽ phải trả chi phí cao hơn. Giá hàng hóa tăng khi được hỗ trợ bởi các nỗ lực kích thích từ Trung Quốc và Mỹ sẽ giúp các nhà xuất khẩu, nhưng làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, sự kết hợp chính sách là một sự cải thiện so với sự phụ thuộc vào chính sách tiền tệ sau năm 2008.

Theo Financial Times, nếu OECD dự báo đúng về tác động của gói kích thích của Tổng thống Biden và có lý do chính đáng để tin rằng điều đó sẽ xảy ra, thì một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Sẽ tốt hơn nữa nếu thế giới không còn phải dựa vào một nguồn kích thích duy nhất và các quốc gia giàu có khác cũng tham vọng như vậy.

Tin bài liên quan