Những nữ tướng làm nên niềm tự hào chứng khoán Việt

Những nữ tướng làm nên niềm tự hào chứng khoán Việt

(ĐTCK) Phụ nữ vẫn được gọi là “phái yếu”. Nếu so cơ bắp thì họ đúng như thế, nhưng trong kinh doanh, nhiều người đã làm nên những DN hùng hậu và ngay cả “phái mạnh” cũng phải nể phục.

VNX Women CEO Index đã tăng 4 lần

Tháng 3/2013, tổ chức chuyên xây dựng các chỉ số chứng khoán Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC) đã xây dựng nên một bộ chỉ số CEO nữ ở Việt Nam (VNX Women CEO Indexes) gồm 3 chỉ số là VNX Women CEO Index, VNX Women CEO 10 Index và VNX Women CEO 25 Index.

 Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE)

Theo thông tin trên website của IFRC, lúc đầu, vào cuối tháng 3/2013, bộ chỉ số này chỉ có VNX Women CEO Index và VNX Women CEO 25 Index, với thành phần gồm cổ phiếu của 38 DN Việt Nam được niêm yết trên sàn TP. HCM và Hà Nội có giám đốc điều hành là nữ.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (VNM)

Đến cuối tháng 10/2013, con số này đã tăng lên 43 DN, tương đương 6,32% tổng số DN đang niêm yết trên sàn, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ nữ giám đốc điều hành cao nhất. Theo thống kê của IFRC, chỉ số S&P 500 có ít hơn 5%, còn chỉ số Nikkei 225 không có nữ giám đốc điều hành nào.

Tổng số vốn hóa của 43 DN thành phần này đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 26% tổng số vốn hóa của 2 sàn. Đặc biệt, với khởi đầu là 1.000 điểm vào năm 2009, đến nay VNX Women CEO Index đã tăng 4 lần. So với mức tăng của VN-Index và HNX-Index, VNX Women CEO Index quả là có sự vượt trội.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Hậu Giang (DHG)

Xem cây biết quả

CTCP Cơ Điện lạnh (REE) là một trong những DN đầu tiên được thí điểm cổ phần hoá vào năm 1993. Sau này, vào năm 2000, REE là 1 trong 2 DN đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên TTCK. Lãnh đạo của REE là nữ và của DN còn lại là nam. Lúc đó, thị trường mới chỉ có 2 CTCK, nên chắc cũng không có nhiều báo cáo phân tích như giờ. Chỉ 2 có DN niêm yết thì có lựa chọn nào khác đâu mà phân với tích.

Các lớp học về chứng khoán lúc bấy giờ thường đem REE ra nói để người học dễ hình dung, từ cơ bản như thế nào là cổ phần, cổ phiếu, cổ đông, cổ tức…, đến việc tính toán các chỉ số và phân tích các yếu tố rủi ro. REE được cho là có yếu tố rủi ro mùa vụ; việc thi công lắp đặt các hệ thống điện lạnh không phải lúc nào cũng có dự án để làm, còn bán máy lạnh thì chỉ được vào những mùa nắng nóng. Nói chung, chẳng thấy REE có tiềm năng gì…

Khi mà Internet vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, REE xây dựng và đưa vào hoạt động toà nhà văn phòng E.Town vào năm 2002 với hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện tử, viễn thông và Internet có tốc độ cao nhất lúc bấy giờ. Ngay thời điểm khai trương, nhiều công ty nước ngoài đã vào thuê. Dù ở khá xa trung tâm thành phố nhưng E.Town luôn kín chỗ.

Đến nay, trải qua mấy cơn khủng hoảng, REE càng lớn mạnh, trở thành một tổ chức chuyên đi đầu tư vốn vào các DN khác, đặc biệt trong lĩnh vực điện, nước. Cổ phiếu REE thuộc vào loại blue-chip và có thanh khoản cao.

Năm 2013, doanh thu hầu như không tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng đến 48,56% và đạt 976 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm qua, bình quân mỗi năm, lợi nhuận của REE tăng 22,6%. Người dẫn dắt REE đến thành công ngày hôm nay chính là bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Công ty.

 Đối với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tiềm năng tăng trưởng là rất lớn vì sữa là hàng thiết yếu. Tuy vậy, đã có lúc Vinamilk bắt tay với SabMiller (Đức) để sản xuất bia để rồi sau đó phải từ bỏ. Không bao lâu sau khi chia tay SabMiller (tháng 3/2009), Vinamilk lại chuyển sang làm cà phê và cuối cùng đã bán lại cho Trung Nguyên…

Giai đoạn 2006 - 2007, khi TTCK bùng nổ, Vinamilk đã đổ hàng trăm tỷ đồng vào chứng khoán, cả cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết. Khi vòng xoáy giảm giá chứng khoán bắt đầu diễn ra từ năm 2008, Vinamilk một lần nữa phải cắt bỏ… Đó là những “bài học kinh nghiệm” mà bà Mai Kiều Liên, “nữ tướng” của Vinamilk, đã có lần thừa nhận trước cổ đông.

Sau khi cắt bỏ mọi thứ để quay về với lĩnh vực kinh doanh chính là sữa, Vinamilk tập trung phát triển vùng nguyên liệu. Vinamilk tập trung phát triển chiều sâu như đầu tư máy móc hiện đại, đồng thời với việc mở rộng “bờ cõi” không chỉ trong nước mà còn ra nhiều nước khác.

Năm 2013, Vinamilk đạt doanh thu thuần 30.949 tỷ đồng, tăng 16,5%; lãi ròng đạt 6.534 tỷ đồng, tăng 12,3%. Tính chung từ 2008 đến nay, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi năm hơn 30%, và con số này đối với lợi nhuận lên đến 39,2%.

Làm lãnh đạo một DN có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như thế ai mà chẳng “thích”. Nhưng “thích” là một chuyện, để thay thế được bà Liên thì không dễ, vì như nhiều người nói, bà Liên là “linh hồn” của Vinamilk.

Cũng đứng đầu một ngành, CTCP Dược Hậu Giang (DHG) được chèo lái bởi “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga luôn có khoảng cách với những vị trí kế tiếp, đặc biệt vào năm 2008 - 2009, khoảng cách đó là khá xa. Khi DHG hướng tới mục tiêu doanh thu năm 2009 là 1.800 tỷ đồng thì ở Việt Nam vẫn chưa có đơn vị sản xuất - kinh doanh dược nào đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Vậy mà có lúc bà Nga chỉ mong cho ngày tháng chóng qua. Đó là năm 2012. Bà nói trong báo cáo thường niên năm 2012 như sau: “Năm 2012 đã qua, năm mà hầu hết các DN đều mong muốn thời gian trôi đi nhanh hơn. Ai cũng đếm từng ngày với mong ước DN vượt qua sóng gió dữ dội của thị trường, mong mỗi ngày bán được hàng, giảm bớt tồn kho, người lao động có việc làm. Điều lớn lao nhất là thoát khỏi danh sách hàng trăm, hàng ngàn DN phá sản hoặc ngưng hoạt động”.

Cuối cùng, khi năm 2012 khép lại, DHG đã có những kết quả rất khả quan; doanh thu gần cán mức 3.000 tỷ đồng, lãi ròng đạt 585 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức tăng từ mức 20% theo kế hoạch lên 30%...

Năm 2013, DHG bắt đầu đưa nhà máy mới với vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng đi vào hoạt động với dự kiến sẽ phát sinh nhiều chi phí mới. Nhưng năm 2013 đã khép lại với doanh thu đạt 3.527 tỷ đồng, tăng 20,34%; lợi nhuận sau thuế 589 tỷ đồng, tăng 21,3%. Trong giai đoạn từ 2008 - 2013, doanh thu tăng 19% và lợi nhuận tăng 35,54% bình quân mỗi năm.

Nơi mọi người đặt niềm tin

REE, Vinamilk và DHG có một điểm chung đó là cả 3 đều hết “room” ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đây thường có ý định nắm giữ dài hạn và đồng hành cùng DN. Sự tài ba và tầm nhìn của lãnh đạo đã tạo ra sự tin tưởng nơi NĐT. Sắp tới, nếu có nới “room” lên 60%, có lẽ cũng không cần nhiều thời gian để “room” đầy trở lại.

“Không gì thiết thực hơn đối với cổ đông là lãnh đạo phải tạo ra hiệu quả sử dụng vốn mà cổ đông góp vào. Mục tiêu hiệu quả là chủ đạo và xuyên suốt”. Đó là những suy nghĩ của bà Mai Thanh được thể hiện trong báo cáo thường niên năm 2012 của REE.

Với Vinamilk, bà Liên xác định DN và xã hội luôn có sự tương tác, do đó một mặt phải hoàn thành các chỉ tiêu do cổ đông đề ra, mặt khác luôn hướng DN phát triển theo hướng bền vững như xây dựng một môi trường làm việc tốt cho nhân viên và có những chế độ đãi ngộ hợp lý, chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội qua những việc làm thiết thực… Mục tiêu của Vinamilk là trở thành 1 trong 50 DN sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Còn đối với DHG, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, và như bà Nga có lần nói: “Người ta có thể không mua sắm quần áo đắt tiền nhưng sản phẩm thuốc dù đắt cả triệu đồng, khi mắc bệnh, ai cũng phải mua”. Làm sao DN hiệu quả nhưng người nghèo vẫn có thể sử dụng thuốc tốt giá rẻ. Bà cho rằng đó là một cái khó cho nhà quản lý một DN ngành dược.

Tin bài liên quan