Cổ phiếu của các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, tiêu dùng... được đánh giá sẽ hút dòng tiền trong những tháng cuối năm

Cổ phiếu của các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng, tiêu dùng... được đánh giá sẽ hút dòng tiền trong những tháng cuối năm

Những nhóm cổ phiếu sẽ hút dòng tiền những tháng cuối năm

(ĐTCK) Ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán... là những nhóm cổ phiếu được giới chuyên gia đánh giá cao, nhưng nhà đầu tư cũng cần có sự chọn lọc.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) Trần Hoàng Sơn đánh giá, nền kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố nền tảng hỗ trợ triển vọng chung TTCK Việt Nam. 

Cùng với đó, quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy việc nâng hạng TTCK cũng là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến tâm lý thị trường. Về nội lực, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng cao (trên 20%) và dòng vốn ngoại có khả năng sẽ quay trở lại khi rủi ro của khu vực thị trường mới nổi giảm bớt… là những nhân tố sáng cho TTCK cuối năm.

Theo dự báo của MBS, VN-Index tháng 9 sẽ dao động trong biên độ rộng, 880-1.080 điểm. Đà tăng của thị trường sẽ chủ yếu nhờ đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và dòng tiền hiện hữu. Nhóm cổ phiếu có tiềm năng nhất trong giai đoạn cuối năm là ngân hàng, bởi nhiều ngân hàng đang phục hồi sau giai đoạn tái cơ cấu, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trở lại.

Ông Sơn cho rằng, tín dụng dự báo sẽ duy trì đà tăng tốt trong năm 2018, biên lãi suất cải thiện nhẹ, các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa thu nhập ngoài lãi và chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ... là lý do lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ tốt lên.

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu đang giảm dần, trái phiếu VAMC dự kiến tất toán toàn bộ ở một số ngân hàng vào cuối năm nay và câu chuyện mới ở một số ngân hàng sẽ khiến nhóm này nhận sự quan tâm của dòng tiền đầu tư.

Chẳng hạn, OCB dự kiến cuối quý IV lên sàn, VIB chuyển sàn niêm yết dự kiến quý III/2018; một số ngân hàng như VPB, VIB, VCB, BID, TCB… dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành riêng lẻ.

Nhóm ngành chứng khoán cũng sẽ hưởng lợi khi TTCK tăng trưởng về quy mô, vốn hóa và thanh khoản và dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận tốt. MBS khuyến nghị, nên quan tâm đến các mã như SSI, HCM, MBS. Trong ngành bất động sản và xây dựng, các cổ phiếu đáng quan tâm là VIC, DXG, NLG, CTD.

Nhóm vật liệu xây dựng cũng hưởng lợi từ nhu cầu tăng trưởng từ thị trường bất động sản, các cổ phiếu được khuyến nghị là VCS, CVT, HPG, BMP, AAA…

Một số ngành khác cũng phục hồi đà tăng trưởng theo nhu cầu kinh tế như hàng tiêu dùng và bán lẻ (MWG, PNJ, DGW), công nghệ (FPT), dầu khí (GAS, BSR, PVD) và hàng không (VJC, HVN).

CTCK TP.HCM (HSC) cũng có quan điểm tích cực đối với cổ phiếu ngành ngân hàng và cho rằng, lợi nhuận chung của các ngân hàng đã niêm yết mà HSC theo dõi trong năm 2018 sẽ tăng trưởng 32,28%. Năm 2019, HSC dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ là 22,52%.

Liên quan đến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát chặt hơn tăng trưởng tín dụng trong năm nay, HSC cho rằng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng là không lớn. Nhiều ngân hàng đã có một số công cụ khác để giảm bớt ảnh hưởng của sự giảm tốc trong tăng trưởng tín dụng, chẳng hạn, tái cơ cấu các khoản vay hướng tới khách hàng có lợi suất cho vay cao hơn; giảm bớt tăng trưởng huy động; đẩy mạnh thu nhập từ các hoạt động dịch vụ và cắt giảm chi phí.

Ngoài ra, nhà môi giới xếp thứ hai thị trường này còn kỳ vọng sẽ có thông tin tích cực về kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng thương mại như VCB, BID và điều này sẽ tác động đến niềm tin thị trường.

Còn theo quan điểm của CTCK Maybank KimEng (MBKE), cổ phiếu của những nhóm ngành như ngân hàng (MBB), ngành tiêu dùng (MWG), bất động sản (NLG), vật liệu xây dựng (HPG) có thể sẽ thu hút dòng tiền, nhưng nhà đầu tư cần phải có sự chọn lọc cổ phiếu.

Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu MBKE chia sẻ, dự báo lợi nhuận sau thuế bình quân của các ngân hàng niêm yết sẽ đạt hơn 20% trong năm 2018 và mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) toàn ngành vào khoảng 14%.

Ở nhóm ngành bất động sản, năm 2018 được đánh giá là "năm thị trường của người bán" với kỳ vọng sức cầu hiện nay có thể hấp thụ hết lượng cung trong các năm 2018-2019. Năm 2018 sẽ có lợi cho những công ty bất động sản vừa và nhỏ, nhưng có các chỉ số định giá vẫn còn thấp.

Ngoài ra, ông Bình cũng chia sẻ cơ hội đầu tư ở một số doanh nghiệp (dù triển vọng ngành không sáng sủa bằng các mã trên), nhưng lại được kỳ vọng sẽ có đột biến trong lợi nhuận nhờ thoái vốn khỏi các khoản đầu tư, hoặc chuyển nhượng đất đai, dự án. Các cổ phiếu chú ý có FPT, PHR, PVD…    

Tin bài liên quan