Giá trị giao dịch tính riêng trên HOSE gần đây đạt 16.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên. Ảnh: Dũng Minh.

Giá trị giao dịch tính riêng trên HOSE gần đây đạt 16.000 - 18.000 tỷ đồng/phiên. Ảnh: Dũng Minh.

Những nhóm cổ phiếu hút tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong những phiên giao dịch đầu năm mới 2021. Một số nhóm ngành khác được nhiều nhà đầu tư quan tâm là sản xuất, bất động sản…

Nhóm ngành sản xuất, ngân hàng, bất động sản

Năm 2020, không ít cổ phiếu tăng giá mạnh, giúp nhà đầu tư nhân đôi, thậm chí nhân ba giá trị tài khoản.

Thống kê cho thấy, trên ba sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCoM có 158 cổ phiếu tăng giá trên 100% trong năm qua. Một số cổ phiếu tăng giá phi mã là THD tăng 3.352%, GAB tăng 1.111%, SCI tăng 646%, MTA tăng 463%...

Những phiên giao dịch đầu năm 2021, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm, nhưng dòng tiền có sự phân hóa rõ nét hơn, tập trung vào các cổ phiếu lớn, thuộc các ngành có triển vọng. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền, gồm MBB, VCB, STB, TCB, HDB, CTG…

Theo Công ty Chứng khoán SSI, ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%.

Cả hai ngành này đều hấp dẫn đầu tư. Mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp các ngân hàng cải thiện hệ số NIM (biên lãi ròng, tức chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả), trong khi rủi ro hình thành nợ xấu bởi Covid-19 không cao như một số ý kiến lo ngại, vì dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả sau khi bùng phát trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP.HCM ở mức hạn chế.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2021 đến từ sự kỳ vọng phục hồi kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. “Tôi tiếp tục đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành ngân hàng, hạ tầng xây dựng, nguyên vật liệu khi được hưởng lợi chính từ các động lực nêu trên”, ông Đức Anh nói.

Anh Vũ Thiết, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, thị trường bước sang năm 2021 vẫn hừng hực khí thế nhưng anh quyết định cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Không ít nhà đầu tư bán dần những mã đã tăng giá mạnh, nhưng chuyển hướng sang các mã khác có dư địa tăng nhiều hơn, đồng thời thị trường tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới, nên giá và thanh khoản đều tăng.

Không ít cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm qua có thể không còn sóng tăng trong thời gian tới, do đó, anh dần bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận, đồng thời bổ sung một số cổ phiếu mới thuộc ngành năng lượng.

Theo dự báo của SSI, năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm nay.

Nhà đầu tư Phạm Thành Trung (Hà Nội) có nhiều cổ phiếu ngân hàng và thép trong danh mục.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Trung cho biết, năm 2020 là một năm thành công của anh khi tham gia thị trường chứng khoán, giá trị tài khoản tăng 30%. Năm 2021, ngoài cổ phiếu ngân hàng, anh tập trung vào cổ phiếu ngành sản xuất như thép, vật liệu xây dựng, vì năm nay đầu tư công sẽ được đẩy mạnh.

Anh cũng quan tâm đến cổ phiếu bất động sản và năng lượng. Bởi lẽ, cổ phiếu bất động sản hưởng lợi do giá bán có xu hướng tăng và dòng tiền từ một số kênh đầu tư khác có dấu hiệu rút ra để tích lũy tài sản nhà đất.

Đối với nhóm ngành năng lượng, khi có vắc-xin ngừa Covid-19, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhóm ngành này sẽ tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các FTA

Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng việc thu hút vốn FDI kỳ vọng giúp cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc các ngành hưởng lợi trực tiếp sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2021 như dệt may, thủy sản, logistics, bất động sản khu công nghiệp…

Với ngành dệt may, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu nên đây là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu dệt may tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với mức 39 tỷ USD của năm 2019.

Các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu tình trạng thiếu hụt đơn hàng. Đặc biệt, nhờ phòng chống dịch tốt, không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần của của hàng dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ; trong đó, nhiều tháng đứng đầu về thị phần.

Năm 2021, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 38 - 39 tỷ USD.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu dệt may tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm. Đơn cử, cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may Thành Công có mức tăng 197,5% trong năm 2020, từ 17.481 đồng/cổ phiếu lên 52.000 đồng/cổ phiếu và đến ngày 8/1/2021 tăng thêm 6.000 đồng/cổ phiếu, đạt 58.000 đồng/cổ phiếu.

Ngành thủy sản cũng xác định mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, với sự kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế, ngành thủy sản phấn đấu đạt mục xuất khẩu năm 2021 là 8,6 tỷ USD, tăng so với mức thực hiện năm 2020.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát hoạt động của nhóm doanh nghiệp thủy sản như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú (MPC)… Các cổ phiếu này tăng giá mạnh trong năm 2020 và có đợt điều chỉnh trong tháng cuối năm, nhưng gần đây rục rịch tăng trở lại.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 12% so với mức tăng năm 2020 ước đạt 5%. Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

VNDIRECT nhận định, dòng tiền vẫn sẽ đổ vào thị trường chứng khoán trên cơ sở kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với lợi thế từ hội nhập kinh tế toàn cầu và lợi nhuận năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt mức tăng 23% so với năm 2020. Một số mã cổ phiếu đáng xem xét đầu tư là VHM, MWG, HPG, VPB, TCB, SCS, ACV, FPT.

Khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường nhiều khả năng tăng 12 - 14%, được thúc đẩy bởi các yếu tố như Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư; dòng vốn nước ngoài từ các quỹ thị trường cận biên dự kiến chảy mạnh hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên tiếp tục tăng lên trong năm nay theo lộ trình mà MSCI đặt ra sau khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Tin bài liên quan