“Con quá nhỏ bé để chống lại họ”, một phụ nữ 31 tuổi tại Chiết Giang (Trung Quốc) viết trong thư gửi cha mẹ đầu tháng 9, sau khi đã mất gần 40.000 USD vì một công ty cho vay ngang hàng (P2P) online phá sản, “Công ty phá sản, các cổ đông không muốn chịu trách nhiệm, cơ quan điều tra quá chậm chạp.
Con quá mệt mỏi rồi và chẳng thấy còn chút hy vọng nào cả”. Người phụ nữ sau đó treo cổ tự tử. Câu chuyện của cô đã được đăng tải trên khắp trang mạng xã hội của Trung Quốc.
Hàng trăm người cũng cho biết họ là nạn nhân của công ty này - PPMiao. Cuối tháng 8, họ đã đến Thượng Hải để biểu tình phản đối. “Chúng tôi đã mất tất cả. Con trai 3 tuổi của tôi tháng tới còn đến hạn nộp học phí”, một người đàn ông họ Chen cho biết. Ông đã phải đi tàu 14 tiếng từ Giang Tô đến đây.
Khoảng 4.000 người đã mất tổng cộng 117 triệu USD khi PPMiao phá sản. Rất nhiều người trong số đó đã đến các thành phố lớn ở Trung Quốc để đòi bồi thường.
Từ tháng 6 đến tháng 8, hơn 400 nền tảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã sụp đổ, theo hãng nghiên cứu Yingcan. Hiện tại, khoảng 1.800 nền tảng vẫn hoạt động. Tuy nhiên, China International Capital dự báo còn số này sẽ co về còn gần 200, khi nhiều vụ sụp đổ theo hiệu ứng dây chuyền sắp diễn ra.
“Việc này xảy ra nhanh một cách đáng ngạc nhiên”, Zennon Kapron - Giám đốc hãng tư vấn Kapronasia nhận định, “Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của cuộc điều chỉnh được dự báo rất hỗn loạn trong ngành P2P”.
Hoạt động cho vay ngang hàng tại Mỹ, với các công ty như Prosper Marketplace và LendingClub, chỉ là giọt nước giữa đại dương.
Nhưng ở Trung Quốc, nó thu hút tới 50 triệu người dùng. Họ bị hấp dẫn bởi mức lãi cam kết từ 10% trở lên - gấp đôi lãi suất ngân hàng tại đây. Hồi tháng 6, tổng số tiền họ đổ vào các nền tảng này đã lên kỷ lục 200 tỷ USD.
Từ tháng 6 đến tháng 8, hơn 400 nền tảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã sụp đổ, theo hãng nghiên cứu Yingcan. Hiện tại, khoảng 1.800 nền tảng vẫn hoạt động.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát ngành này. Đây là động thái nằm trong chiến dịch lớn hơn, nhằm hạn chế hoạt động cho vay phi truyền thống (không qua ngân hàng).
Đầu hè này, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cảnh báo người gửi tiền tại các website P2P có thể mất toàn bộ tiền.
Dù không phải nền tảng P2P nào cũng bị cáo buộc lừa đảo, giới chức cho biết rất nhiều hoạt động theo mô hình Ponzi (lấy tiền của người sau trả cho người trước). Thông thường, các website này thu hút nhà đầu tư trong vài tuần, sau đó người chủ sẽ ôm tiền bỏ chạy.
Hoạt động cho vay ngang hàng tại Trung Quốc trở nên phổ biến sau khi nước này thắt chặt tín dụng ngân hàng năm 2010, sau hai năm kích thích chi tiêu để vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhiều cặp đôi trẻ muốn vay tiền làm đám cưới và đi trăng mật, sau đó sẽ trả lại kèm lãi khi nhận được quà cưới và tiền mừng. Các doanh nghiệp nhỏ cũng muốn vay mua máy móc, cam kết trả lại khi sản xuất tăng lên.
Ngày nay, các trang web P2P còn đưa ra loại tài sản đầu tư có tên “thương phiếu”, tương tự trái phiếu ngắn hạn của các doanh nghiệp nhỏ. Chúng thường được các công ty phát hành và đảm bảo bởi ngân hàng thương mại. Chúng cũng có thể được bán cho một tổ chức tài chính khác hoặc cho ngân hàng trung ương trước khi đáo hạn.
Trong các trường hợp P2P bị tố lừa đảo, nhà đầu tư khẳng định loại thương phiếu này không tồn tại và số tiền của họ không đến được nơi như dự định. “Rủi ro ở đây là nhà đầu tư không có đủ thông tin”, Kapron cho biết.
Khi PPMiao bắt đầu gặp rắc rối mùa hè này, họ đã đổi địa chỉ đăng ký từ Hàng Châu về Nam Ninh cách đó hơn 1.400 km. Đến ngày 6/8, họ ngừng trả tiền cho nhà đầu tư và thông báo đóng cửa do nhiều người rút tiền. PPMiao tuyên bố có kế hoạch hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong 3 năm tới.
“Chúng tôi đã cố hết sức. Chúng tôi hứa không bỏ chạy, không cắt liên lạc, sẽ lấy lại tiền và trả cho đầu tư theo từng đợt”, thông báo của PPMiao cho biết. Một số người đổ vào đây dưới 1.500 USD đã được hoàn tiền.
Gia đình Chen đã rót vào đây tổng cộng 23.000 USD. Đầu tiên, họ tới Hàng Châu. Ở đó, cảnh sát nói với họ rằng vụ việc đang được điều tra, và họ phải chờ.
Sau đó, cả nhà tới Thượng Hải, biểu tình trước cửa văn phòng HuaAn Future Assets - một công ty quản lý tài sản mà họ và các nhà đầu tư khác tin là một trong ba công ty sở hữu PPMiao.
HuaAn sau đó ra thông báo rằng họ đã thay mặt một khách hàng đầu tư vào công ty sở hữu PPMiao. Cả hai công ty này đều không cho họ biết là có liên quan đến PPMiao. HuaAn “cảm thông sâu sắc với tất cả nạn nhân và sẽ tích cực làm việc với cảnh sát trong quá trình điều tra”, thông báo cho biết.
Còn với người phụ nữ phải tự tử vì mất trắng, tất cả những lời hứa hẹn này đều đã quá muộn: “Mọi người đừng buồn. Con đi rồi, nhưng mọi người cần phải tiếp tục sống. Con chỉ mất niềm tin vào cuộc sống và xã hội này. Con không sợ cái chết, mà chỉ sợ sống thôi."