Những ngôi sao “sớm nở tối tàn” trên TTCK

Những ngôi sao “sớm nở tối tàn” trên TTCK

(ĐTCK) Trên thị trường chứng khoán, tồn tại không ít DN niêm yết mới “tốt” đột biến vào năm chuẩn bị niêm yết và sau đó… rơi thẳng về UPCoM. Thương trường khốc liệt có thể biến một doanh nghiệp tốt hôm nay trở thành thua lỗ ngày mai, nhưng với một vài trường hợp, câu chuyện có thể không hoàn toàn do yếu tố bên ngoài.

Câu chuyện của AVF

Ngày 23/11/2010 là ngày đầu tiên giao dịch cổ phiếu AVF của CTCP Việt An trên HOSE, với mức giá chào sàn 26.000 đồng/CP, giảm 11,6% so với mức giá tham chiếu ngày chào sàn.

Từ lúc chưa chào sàn, AVF là một trong những cổ phiếu được khá nhiều NĐT quan tâm săn đón, một phần bởi ngành nghề kinh doanh là chế biến xuất khẩu thủy sản, có lợi nhuận tốt và được tư vấn niêm yết bởi CTCK uy tín.

Thế nhưng, mức giá chào sàn cũng là giá cao nhất mà cổ phiếu này đạt được. Chuỗi thời gian kể từ lúc AVF niêm yết đến khi rời sàn, chuyển qua đăng ký giao dịch trên UPCoM, dù có những khoảng tăng, nhưng tựu trung lại, vẫn là một kênh giảm không có điểm dừng của giá cổ phiếu.

Năm 2009, AVF lãi sau thuế 74,873 tỷ đồng trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng; năm 2010 lãi 80,989 tỷ đồng trên vốn điều lệ 225 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là, mức vốn điều lệ năm 2010 được tăng lên chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 bán 2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 3 triệu cho đối tác chiến lược với giá không thấp hơn 35.000 đồng/cổ phiếu.

Đợt 2 phát hành cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm chi trả cổ tức năm 2009 và tạm ứng cổ tức năm 2010. Như vậy, giá phát hành cho đối tác chiến lược giảm về mức 23.330 đồng/cổ phiếu.

Mặc dù có một hồ sơ khá đẹp, nhưng thành tích lớn nhất của AVF sau niêm yết lại là hai đợt phát hành vốn để tăng vốn điều lệ lên mức 433,38 tỷ đồng. Còn đối với cổ đông, kết quả họ nhận được lại là khoản thua lỗ lớn mà chưa công ty niêm yết nào trong lĩnh vực chế biến – xuất nhập khẩu thủy sản “đạt” được: âm 912,678 tỷ đồng năm 2014, đưa vốn chủ sở hữu về mức âm 387,8 tỷ đồng.

Đến lúc này, thị trường có lẽ đã hiểu nguyên nhân ra đi của một loạt nhân sự cấp cao tại AVF kể từ đầu năm 2014. Hàng tồn kho bị đánh giá lại dẫn đến khoản hụt hàng trăm tỷ đồng, công nợ bị quỵt do không sử dụng L/C, thất thoát từ chi phí nuôi cá và chi phí vốn vay lớn, thậm chí là sự mất tích của nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty từ tháng 2/2014… được AVF công bố vào tận… tháng 8/2015, tức là 1,5 năm kể từ khi xảy ra sự kiện!

Nhìn vào những thông tin này, NĐT có thể hiểu rằng, vấn đề của AVF không phải đến năm 2014 mới xảy ra. Đó là câu chuyện của những năm trước và đến nay, khi Công ty không thể bưng bít được, thì đành lộ! Thế nhưng, khi nhìn xuyên suốt quá trình tăng vốn và kết quả kinh doanh của AVF từ gần 3 năm trước niêm yết đến tận bây giờ, NĐT có thể sẽ có cảm nhận họ bị “dụ” vào quá trình niêm yết này.

Lịch sử huy hoàng về kết quả kinh doanh (theo BCTC) của AVF chỉ diễn ra trong khoảng thời gian trước và ngay sau khi niêm yết, để rồi sau khi đưa vốn điều lệ lên mức 433,38 tỷ đồng, Công ty rơi một mạch xuống đáy. Ai sẽ trả lời cho câu hỏi về chất lượng hồ sơ thực sự của đợt tăng vốn sau này của AVF? 

Đến câu chuyện của những nguy cơ khác

Hoạt động le lói, hoặc èo uột suốt nhiều năm, rồi bỗng một ngày vụt tăng vốn, báo cáo lợi nhuận tốt và niêm yết là câu chuyện không mới trên TTCK hiện nay. Nhưng một câu hỏi đặt ra, liệu có doanh nghiệp nào có mức sinh lợi khoảng 50% vốn điều lệ, chủ DN lại chấp nhận bán cổ phiếu trên sàn với mức giá 1x, 2x?

Tình huống này có thể xảy ra khi doanh nghiệp có cơ hội kinh doanh rất tốt, nhưng đòi hỏi quy mô vốn lớn và doanh nghiệp buộc phải huy động vốn bên ngoài để cùng tham gia dự án.

Còn đối với trường hợp doanh nghiệp cả quá trình hoạt động chưa khi nào lãi đến 30% vốn điều lệ, nhưng bỗng một ngày, quy mô vốn tăng gấp mấy lần mà vẫn duy trì được mức lợi nhuận đến 50% vốn điều lệ thì quả thực, ông chủ của những DN này đúng là những… siêu nhân làm kinh tế.

Họ cũng thật “tốt bụng” khi chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu về mức thấp hơn để đại chúng hóa, cho NĐT có cơ hội được tham gia cùng, thay vì vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ khoảng 10%/năm, tức bằng 20% khả năng sinh lời của vốn để đầu tư vào DN.

Nhìn nhận một cách công bằng, trên TTCK cũng không thiếu những DN mà lãnh đạo phải sử dụng những “kỹ xảo” nhất định để có thể huy động vốn thành công trên nền một DN yếu và đã thành công trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn sau đó. Tuy nhiên, số DN “lởm” toàn tập, được đánh bóng nhằm mục đích lừa nhà đầu tư, cũng không hiếm gặp trên thị trường này.

Tin bài liên quan