Những ngày chống dịch ở Bắc Giang - ký ức không quên từ “người trong cuộc”

Những ngày chống dịch ở Bắc Giang - ký ức không quên từ “người trong cuộc”

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bắc Giang đã lùi vào quá khứ, nhưng trong ký ức những người đã từng cùng người dân nơi đây chiến đấu với dịch thì đó là những tháng ngày rực lửa đầy nhiệt huyết.

Là một chiến sĩ trên mặt trận thông tin lao vào các điểm nóng của dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ truyền thông, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế - là 1 trong 36 cá nhân vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Nhớ lại quãng thời gian dịch bùng phát dữ dội, được cử về chi viện Bắc Ninh, Bắc Giang (sau này tập trung hỗ trợ công tác chống dịch tại Bắc Giang), Phương Thảo xúc động nói với phóng viên đó là trải nghiệm quý báu mà cả đời này không thể nào quên.

Là thành viên của Tiểu ban truyền thông thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, Phương Thảo và các đồng nghiệp đã dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, giúp cho người dân hiểu hơn về tình hình dịch bệnh, trang bị kiến thức cần thiết giúp người dân phòng dịch, đồng thời cộng đồng có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với những việc ngành Y tế đang làm.

Ngoài nhiệm vụ thực hiện các hoạt động truyền thông của Bộ phận thường trực đặc biệt, Tiểu ban truyền thông đã chia sẻ và hướng dẫn các cơ quan truyền thông của tỉnh Bắc Giang sử dụng kho dữ liệu của Bộ Y tế tại thời điểm đó với trên 500 sản phẩm truyền thông phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, Phương Thảo cũng tham gia tư vấn, góp ý và hỗ trợ xây dựng các tài liệu truyền thông của Bắc Giang theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo, quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Với Phương Thảo, những ngày sát cánh chống dịch cùng các y, bác sĩ ở Bắc Giang, cùng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế là những ngày bận rộn, căng thẳng với đôi chân mệt nhoài, đôi tay mỏi nhừ, song đó là những ngày tháng quá nhiều trải nghiệm Phương Thảo sẽ không bao giờ quên.

“Mỗi nơi đều có những câu chuyện cảm động về tình người, những nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn, không quản ngại gian khó, thậm chí là hi sinh để cứu chữa cho người bệnh. Từng cá nhân, tập thể mà tôi đã gặp, trò chuyện, cùng làm việc tại nơi tuyến đầu” ấy là những mảnh ghép muôn màu đã đóng góp sức lực vào thành quả chung kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất được đẩy lùi và kiểm soát”, nữ cán bộ của Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng trải lòng.

Gọi tên cảm xúc đã từng trải qua ở mảnh đất mà virus SARS-COV-2 đã một thời hoành hành, Phương Thảo cho rằng, đó là niềm thương đội ngũ xét nghiệm phải làm việc liên tục giữa cái nắng gắt của mùa hè trong bộ đồ phòng hộ nóng bức; là tình cảm trân quý những em sinh viên tuổi ăn, tuổi học đã phải xông pha trận mạc; sự cảm phục những y, bác sĩ nơi tuyến đầu điều trị ngày đêm không chùn bước giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Đó còn là niềm vui mỗi khi chứng kiến nụ cười của y, bác sĩ khi tiễn bệnh nhân ra viện, khi chứng kiến ánh mắt rưng rưng hạnh phúc của bệnh nhân khi được công bố khỏi bệnh, trở về trong vòng tay của gia đình, người thân.

Mường tượng lại những ngày chống dịch tại Bắc Giang, Phương Thảo kể, hằng ngày, Bộ phận Thường trực đặc biệt đều đặn họp giao ban để trao đổi và định hướng những việc cần làm, các giải pháp để tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang để ứng phó với tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Các cán bộ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chụp ảnh cùng các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch tại Bắc Giang

Các cán bộ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chụp ảnh cùng các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch tại Bắc Giang

Sau đó, ai vào việc nấy, người phụ trách xét nghiệm lo tìm phương án để thực hiện xét nghiệm hiệu quả; người phụ trách điều trị thực hiện điều phối để, đảm bảo đủ nhân lực, trang thiết bị, máy thở, giường ICU, địa điểm đặt bệnh viện dã chiến…; bộ phận giám sát dịch tễ bàn bạc các phương án giãn cách, thiết kế bản đồ dịch cho tỉnh để nắm bắt và dự đoán tình hình dịch.

Tối đến, các hoạt động họp hành, bàn bạc, tận dụng trí tuệ tập thể vẫn rất sôi động. Những cuộc họp bắt đầu lúc 19h30, kết thúc vào 23h30 diễn ra thường xuyên.

Những tối không phải họp, mỗi người một máy tính, hay điện thoại di động, người thì xây phần mềm thống kê, code hoá dữ liệu; người viết hướng dẫn theo dõi, điều trị; người lại xây dựng quy trình truy vết, cách ly tương ứng với tình hình, vùng khu vực; người biên tập thông tin, báo cáo.

Và sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, với cơ thể rã rời nhưng Phương Thảo vẫn dành một chút ít thời gian hiếm hoi để ghi lại những cảm xúc đã trải qua trong ngày.

Phương Thảo luôn quan niệm, từng ngày được viết ra suy nghĩ, cảm xúc của bản thân để lưu lại những sự việc, sự vật vừa mới trải qua, đó đã là một cách để tâm hồn lắng đọng những khoảnh khắc. Và cũng bởi hạnh phúc không tồn tại mãi mãi, nhưng khoảnh khắc hạnh phúc sẽ là vĩnh cửu.

Dù vậy, trong những trang bút ký nhiều cảm xúc của Phương Thảo cũng có lúc dặn lòng phải thật mạnh mẽ để không bi lụy bởi những khó khăn chồng chất mà cả tuyến đầu chống dịch và nhân dân Bắc Giang đã và đang trải qua.

Giữa cái nắng hè oi bức tháng 5, tháng 6, có những ngày Bộ phận thường trực đi liên tục 6-7 địa điểm để khảo sát, đánh giá tình hình. Từ đó, lên phương án ứng phó với nguy cơ lây nhiễm của dịch, họp triển khai với các đơn vị liên quan thiết lập địa điểm cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân,…

Mồ hôi ướt đẫm, nhễ nhại là cảm giác thường trực khi Phương Thảo và đồng nghiệp liên tục làm việc dưới cái nóng gay gắt dưới mái tôn ở mức nhiệt 41 - 42 độ C. Tuy vậy, với cô đó không gọi là vất vả, mà đó là những trải nghiệm đáng quý bởi không chỉ Phương Thảo mà gần 4.000 lực lượng đang chống dịch nơi đây cũng đang trong hoàn cảnh tương tự.

Trong thời gian “tác nghiệp” kỷ niệm khiến Phương Thảo xúc động nhất là hình ảnh hơn 100 em sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tập trung tại Nhà văn hóa thôn Núi Hiển, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Các chiến sĩ mặc bộ đồ PPE kín từ đầu đến chân, chẳng nhìn rõ mặt ai, chỉ nhận ra nhau qua số/ký hiệu/tên viết vội sau lưng áo. Khí thế của tuổi trẻ khi lâm trận, những cô cậu sinh viên ở nhà chắc vẫn được người thân lo cho miếng ăn, giấc ngủ nhưng khi ở trong trận chiến này, các em thể hiện như những chiến binh áo trắng thực thụ.

Trao đổi cùng GS.TS. Trần Như Dương về nội dung chiến lược điều tra dịch tễ và xét nghiệm áp dụng tại Bắc Giang.

Trao đổi cùng GS.TS. Trần Như Dương về nội dung chiến lược điều tra dịch tễ và xét nghiệm áp dụng tại Bắc Giang.

Chứng kiến và cảm nhận chân thực nhất sự vất vả của các y, bác sĩ, sinh viên tình nguyện khiến Phương Thảo bật khóc và mong rằng cuộc chiến với dịch sẽ sớm kết thúc bởi cuộc chiến này đã khiến bao đồng nghiệp, anh cô em, bao gia đình phải tạm thời xa cách nhau, có quá nhiều hi sinh, vất vả, cực khổ mà người dân và cả các cán bộ chống dịch phải đương đầu.

“Khi nối máy điện thoại trò chuyện với “tuyến đầu”, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng tiếng người đi như chạy, tiếng còi xe cứu thương, tiếng gọi nhau làm nhiệm vụ. Điều đó khiến chúng tôi có thể mường tượng được bên kia đầu dây là những cơ thể đang mệt rã rời”, Thảo nhớ lại.

Một địa điểm sản xuất các tài liệu truyền thông

Một địa điểm sản xuất các tài liệu truyền thông

Tuy vậy sâu thẳm trong từng nhịp thở, từng câu chuyện, nữ cán bộ truyền thông hiểu rằng những con người đang trên “mặt trận” tuyến đầu chống Covid-19 họ không chỉ đang điều trị cho cơn ho, sốt, khó thở của người bệnh, họ điều trị cho một con người có tình cảm, có gia đình, có quê hương. Chính vì lí do đó, những y bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch mới đủ sức mạnh và sự kiên cường để ngày đêm cố gắng.

Sau 1 tháng chống dịch, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại Bắc Giang, được lệnh điều động của tổ chức Phương Thảo quay trở lại với công việc thường nhật tại Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng. Tuy vậy cô luôn lưu luyến trước tình cảm chân thành của các cán bộ y tế và anh em đồng nghiệp tại tỉnh nhà và những người dân nơi đây.

Những cuộc gọi hỏi thăm tình hình cũng như trao đổi công việc với các cán bộ y tế tại Bắc Giang vẫn được Phương Thảo liên tục được cập nhật thông tin.

Chụp ảnh kỷ niệm hội ngộ của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang

Chụp ảnh kỷ niệm hội ngộ của Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang

Tạm gác lại ký ức về Bắc Giang, kể về những ngày đầu khi Covid-19 xâm nhập Việt Nam, Phương Thảo cười hiền nhớ lại không ngờ mình đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ đến vậy.

Nhiệm vụ đầu tiên cô được giao là xây dựng Bộ tài liệu truyền thông Hỏi - Đáp về dịch Covid-19. Do dịch này còn khá mới không chỉ ở nước ta mà ngay cả trên thế giới thông tin về nó còn rất hiếm hoi nên Phương Thảo cũng đã phải rất cố gắng tìm hiểu.

Tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của những chuyên gia đầu ngành, Bộ Tài liệu đã được hoàn thành kịp thời để giúp người dân có các kiến thức cần thiết về dịch.

Phương Thảo cũng được giao nhiệm vụ thiết lập bộ tài liệu nội dung về phòng, chống dịch để bộ phận trực đường dây nóng Bộ Y tế sử dụng khi người dân gọi điện cần tư vấn. Đây là điều đặc biệt quan trọng những ngày Covid-19 mới hoành hành bởi khi ấy người dân rất hoang mang, lo lắng, bất an.

Một tá các công việc khác như cập nhật nội dung trang tin điện tử chính thức về dịch Covid-19, sản xuất các sản phẩm truyền thông, khuyến cáo, thông điệp phòng, chống dịch; vận hành các kênh mạng xã hội của Bộ Y tế như nhắn tin gửi toàn quốc qua Zalo, Lotus, Tiktok, Gapo, Facebook,… cũng đều được Phương Thảo thực hiện với sự tận tâm, trách nhiệm cao nhất.

Năm nay là tết thứ 3 Phương Thảo và các đồng nghiệp tại Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng với bộn bề công việc, nhưng với cô, được làm việc là niềm vui, nhất là công việc Phương Thảo đã dành tâm huyết, gắn bó suốt những ngày tháng tuổi trẻ, từ khi ra trường với tấm bằng thủ khoa của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Quay trở lại với những kỷ niệm về Bắc Giang, Nguyễn Thị Phương Thảo tâm sự: “Nơi ấy không chỉ có nỗi âu lo, những giọt nước mắt, hoang mang, khó khăn chồng chất, mà ở đó còn có nhiều ân tình dành cho nhau trong khó khăn. Đi qua và nhìn lại những ngày tháng ấy chúng ta có quyền được mỉm cười vì lòng tử tế mà mọi người đã dành cho nhau, về sự đoàn kết của cả hậu phương và tiền tuyến. Để rồi chúng ta có niềm tin ngày chiến thắng dịch bệnh không còn xa khi cả dân tộc đồng lòng.

Từ trải nghiệm, được chứng kiến, cảm nhận những câu chuyện truyền cảm hứng, thể hiện tình cảm trân quý của người dân trong đại dịch, Phương Thảo luôn tự nhủ mình cần phải làm tốt công việc của mình. Bởi cô hiểu rằng bản thân vất vả một thì các anh cô em, nhân viên y tế khác đang vất vả mười. Cứ nghĩ thế để làm động lực cho mình không được nản lòng.

Tin bài liên quan