Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận cả năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù một số nhà băng báo lỗ trong quý IV/2021, nhưng nhìn chung lợi nhuận ngân hàng cả năm 2021 đều đạt mức khả quan, dù phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4. 
Những ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận cả năm 2021

Khối nhà nước vượt kế hoạch

Mặc dù phải hy sinh một phần lợi nhuận khá lớn để giảm lãi hỗ trợ khách hàng, tái cơ cấu nợ, song lợi nhuận các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn đạt mức cao năm qua.

Cho đến hiện tại, cả 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021.

Trong đó, "quán quân" lợi nhuận ngân hàng vẫn thuộc về Vietcombank với hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đạt và vượt kế hoạch ĐHĐCĐ và HĐQT giao. Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận 25.200 tỷ đồng trước thuế.

Lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết năm 2021, Ngân hàng đã trích 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, gấp hai lần quy mô hỗ trợ năm 2020. Quy mô dư nợ cho vay bị ảnh hưởng được giữ nguyên nhóm là 10.537 tỷ đồng (nợ gốc hơn 9.000 tỷ đồng).

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của ngân hàng đạt 11,8% với 1,33 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng.

Cũng theo Chủ tịch BIDV, Ngân hàng đã hoàn thành được các kế hoạch đặt ra, như vậy con số lợi nhuận của BIDV sẽ đạt hoặc vượt mốc 13.000 tỷ đồng như kế hoạch ĐHCĐ giao trước đó.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của BIDV đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với cuối năm 2020. Tổng nguồn vốn huy động tính đến cuối năm đạt 1,61 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tương tự, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Ngân hàng vượt kế hoạch ĐHCĐ giao (16.800 tỷ đồng trước thuế). Con số kế hoạch đầu năm được đưa ra dựa trên tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm đạt từ 6% đến 12%.

Tính đến cuối năm 2021, VietinBank đã tăng trưởng tín dụng 12,3% so với năm 2020; tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với năm 2020; thu ngoài lãi tăng trên 20%.

Trong khi đó, Agribank công bố con số lợi nhuận trong năm vừa qua đạt hơn 14.000 tỷ đồng trước thuế. Cùng với lợi nhuận, tổng tài sản của Agribank tính đến cuối năm 2021 đạt 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3%; huy động vốn đạt 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước đó.

Nhưng nhìn chung, năm nay các ngân hàng có phần quốc doanh dè dặt hơn trong việc công bố con số lãi cụ thể, vì e ngại trước những thông tin trái chiều về việc "ngân hàng lãi lớn trong đại dịch".

Khối tư nhân bứt phá

Tuy chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, song ACB, OCB... cho biết, vượt chỉ tiêu lợi nhuận ĐHCĐ giao năm 2021. Cụ thể, ACB cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 vọt lên gần 12.000 tỷ đồng (so mục tiêu 10.602 tỷ đồng), tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ ROE đạt 24% - tiếp tục ở Top đầu toàn ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của ACB được kiểm soát ở mức 0,7%.

Còn OCB cho hay, kết thúc năm 2021, Ngân hàng đạt 5.523 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu ĐHCĐ giao 5.500 tỷ đồng.

Trong năm 2021, bất chấp khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Sacombank dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2020. Chi phí hoạt động ngân hàng đang giảm đáng kể, CIR năm 2021 khoảng 36,2% và dự kiến năm 2022 giảm xuống còn 34,2%.

VIB vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế vượt 8.000 tỷ đồng (mục tiêu ĐHCĐ giao 7.500 tỷ đồng), tăng 38% so với năm 2020.

Thông tin từ VIB cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 31%, riêng trong quý IV/2021, VIB ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với mức lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ đồng.

Với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 5.168 tỷ đồng theo số liệu của riêng mảng ngân hàng, MSB đã vượt gần 58% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng mà ĐHCĐ thông qua từ đầu năm.

Một số chỉ tiêu khác của MSB cũng đã hoàn thành ở mức cao như tổng tài sản đạt 203,7 nghìn tỷ, tăng hơn 15% so với đầu năm, vượt con số kế hoạch là 190 nghìn tỷ, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng.

Đồng thời, tín dụng tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.112 tỷ đồng tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng.

Trong đó, nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng trong đó Casa chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của LienVietPostBank đạt hơn 3.639 tỷ đồng, tăng 50% cùng kỳ năm 2020. Nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn đến từ thu nhập lãi thuần khi mang về hơn 9.017 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 36,9% mang về gần 858 tỷ đồng cho ngân hàng; thu nhập từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 125% so với cùng kỳ năm trước với gần 140 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động của LienVietPostBank đạt hơn 4.961 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng 19,3% so với đầu năm đạt 289.194 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 18,3% lên 208.954 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của khách hàng tại LienVietPostBank tăng 3,3% lên hơn 180.200 tỷ đồng.

TPBank báo lãi trước và sau thuế năm 2021 cùng tăng 38%, đạt lần lượt 6.038 tỷ đồng và 4.830 tỷ đồng chủ yếu nhờ tăng các nguồn thu nhập phi tín dụng.

Năm 2021, TPBank có một năm hoạt động kinh doanh tăng trưởng khi hầu hết các con số báo về đều khả quan hơn năm trước. Nguồn thu chính đem về hơn 9.946 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 31% so với năm trước.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận. Lãi từ dịch vụ tăng 65%, đạt hơn 1.542 tỷ đồng chủ yếu nhờ phí từ hoạt động thanh toán và dịch vụ bảo hiểm. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 98%, ghi nhận gần 1.410 tỷ đồng.

Kế hoạch 2022

Với kết quả kinh doanh bứt phá, MSB được giới đầu tư giá trị chú ý và dự tính còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Về hoạt động kinh doanh, MSB đặt mục tiêu 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng- tương đương 30%, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của NHNN, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.

Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi cao nhất hệ thống trong năm 2022.

Năm 2022, VietinBank dự kiến lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng 10% - 20%. Tổng tài sản dự kiến tăng trưởng khoảng 5% - 10%; nguồn vốn huy động tăng 10% - 12%; Tín dụng tăng khoảng 10% - 14% với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Vietcombank cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng ít nhất 12%. Ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tín dụng dự kiến tăng 12% và nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

VIB và VPBank, COB cũng kỳ vọng, mảng bán lẻ, vay tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại từ quý IV/2021 khi các quy định về giãn cách được nới lỏng.

Kết quả điều tra được Ngân hàng Nhà nước thực hiện vừa công bố cho thấy, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 tăng trưởng so với quý IV/2021. Trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng "không đổi" và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận "giảm".

Ngoài ra, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021 so với năm 2020.

Tin bài liên quan