Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden (Ảnh: Getty).
Quy trình cuối cùng trong bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào lúc 13h ngày 6/1 (theo giờ địa phương).
Theo Tu chính án 12 của Hiến pháp Mỹ, quốc hội Mỹ sẽ họp lưỡng viện vào lúc 13h chiều ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả và chính thức công bố tổng thống đắc cử.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, với vai trò Chủ tịch Thượng viện, sẽ chủ trì cuộc họp này. Trong một số trường hợp, ông Pence có thể ủy quyền lại cho chủ tịch Thượng viện tạm quyền là thượng nghị sĩ Chuck Grassley.
Tu chính án 12 nêu rõ, phó tổng thống sẽ "mở các giấy chứng nhận bỏ phiếu" sau đó các phiếu đại cử tri sẽ được kiểm ngay tại phiên họp. Ứng viên nào nhận được nhiều hơn 270 phiếu sẽ trở thành tổng thống.
Trong bối cảnh ứng viên đảng Cộng hòa, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, và các đồng minh đến nay chưa công nhận kết quả bầu cử, vai trò của phó tổng thống trong cuộc họp quốc hội này bất ngờ trở thành chủ đề được quan tâm và gây tranh cãi.
Một số người tin rằng, vai trò này chỉ mang tính thủ tục, hình thức. Trong khi đó, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Louie Gohmert mới đây đã đâm đơn lên tòa án liên bang đề nghị xác nhận Phó tổng thống Pence có thẩm quyền chấp nhận hay không chấp nhận phiếu đại cử tri từ các bang.
Phiếu "đại cử tri thay thế"
Đại cử tri mỗi bang của Mỹ là người trực tiếp bỏ phiếu bầu ra tổng thống dựa trên ý nguyện cử cử tri. (Ảnh minh họa: Getty). |
Tháng trước khi đại cử tri đoàn ở các bang bỏ phiếu, đảng Cộng hòa ở một số bang đã tự bỏ phiếu chọn ra các "đại cử tri thay thế" và tuyên bố gửi kết quả này lên quốc hội. Điều này làm dấy lên kịch bản rằng, Phó tổng thống Pence thay vì mở các giấy chứng nhận bỏ phiếu đại cử tri do các bang gửi lên, có thể lựa chọn mở các giấy chứng nhận "đại cử tri thay thế" do đảng Cộng hòa ở một số bang gửi.
Tuy nhiên, theo Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri ra đời năm 1877, phó tổng thống và quốc hội chỉ quan tâm đến giấy chứng nhận có chữ ký của thống đốc bang.Trong cuộc bầu cử năm 1960 giữa ông Richard Nixon và ông John F.Kennedy, ông Nixon thắng tại Hawaii với kết quả sít sao và bị khiếu nại.
Ông Nixon giành 3 phiếu đại cử tri của Hawaii, nhưng phe Dân chủ cũng thực hiện cuộc bỏ phiếu tương tự của "đại cử tri thay thế" cho ông Kennedy.
Do đến thời hạn gửi kết quả nhưng tranh chấp vẫn chưa giải quyết, thống đốc bang ký vào cả hai biên bản xác nhận gửi đến quốc hội. Khi quốc hội kiểm phiếu lại cho thấy ông Kennedy thắng, quốc hội chính thức chấp nhận 3 phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ.
Khiếu nại kết quả
Theo hiến pháp Mỹ, nếu quốc hội nhận được khiếu nại bằng văn bản có chữ ký của ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ về kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở một bang hay vài bang nào đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ phải tiến hành tranh luận riêng khoảng 2 giờ đồng hồ trước khi biểu quyết tán thành hay không tán thành khiếu nại. Khiếu nại chỉ có giá trị khi lưỡng viện tán thành.
Tuần trước, ông Josh Hawley trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên chính thức cam kết tham gia vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử tại quốc hội do hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks khởi xướng.
Trong khi ông Hawley có ý định thách thức kết quả ở bang Pennsylvania, thì hôm 2/1, nhóm 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử của đảng Cộng hòa do ông Ted Cruz dẫn đầu cho biết, họ có kế hoạch thách thức kết quả bầu cử ở "các bang đang tranh chấp".
Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1876 giữa ứng viên Cộng hòa Rutherford B. Hayes và ứng viên Dân chủ Samuel Tilden, ông Tilden đã giành được 184 phiếu đại cử tri, thiếu đúng một phiếu để giành chiến thắng theo quy định thời đó.
Ông Hayes chỉ giành được 165 phiếu, nhưng vẫn còn 20 phiếu đại cử tri nữa vẫn đang tranh chấp.
Đảng Cộng hòa phản đối kết quả từ Florida, Louisiana và Nam Carolina, vì cả hai đảng đều tuyên bố ứng cử viên của họ đã thắng ở các bang này. Do vậy, quốc hội đã lập ra một ủy ban bầu cử gồm nghị sĩ hai đảng và thẩm phán Tòa án Tối cao.
Cuối cùng, ủy ban này đã bỏ phiếu vào trao toàn bộ 20 phiếu đại cử tri tranh chấp cho ông Hayes, giúp ông Hayes trở thành tổng thống. Đây là một trong những chiến thắng gây tranh cãi trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ.
Hiện nay, nhóm nghị sĩ do ông Ted Cruz dẫn đầu cũng đang kêu gọi thành lập một ủy ban kiểu này.
Khó thay đổi kết quả bầu cử
Quốc hội Mỹ sẽ mở thư đảm bảo và kiểm đếm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1/2021. (Ảnh minh họa: AFP). |
Các chuyên gia tin rằng, đảng Dân chủ - hiện kiểm soát Hạ viện - sẽ bỏ phiếu bác bỏ bất cứ đề nghị nào của đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng sẽ đứng về phía đảng Dân chủ ở Thượng viện, phản đối thách thức kết quả bầu cử.
Trong khi đó, Fox News dẫn ra một kịch bản, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc nghị sĩ vắng mặt (do mắc Covid-19 hoặc bị cách ly) trong phiên họp ngày 6/1 hoàn toàn có thể xảy ra.
Hạ viện được cho là có thể kích hoạt cơ chế "bỏ phiếu từ xa". Thượng viện đến nay chưa từng sử dụng phương án đó. Tuy nhiên, Hạ viện bị cấm sử dụng cơ chế bỏ phiếu từ xa trong quá trình xác nhận bỏ phiếu đại cử tri.
Đó là lý do tại sao Fox News cho rằng, cuộc tranh luận độc lập giữa hai viện có thể kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, phiên họp xác nhận kết quả có thể kéo sang ngày 7/1 hoặc lâu hơn nếu có khiếu nại kết quả ở nhiều bang.
Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri nêu rõ, Hạ viện và Thượng viện không được phép giải tán cuộc họp lưỡng viện cho đến khi hoàn tất xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri, nhưng theo Fox News, quy trình này cũng phải hoàn tất trong vòng 5 ngày. Theo kế hoạch, tổng thống đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.