Ngoài chức năng bảo vệ, bảo hiểm nhân thọ còn có thể sinh lời. Ảnh: Sutterstock

Ngoài chức năng bảo vệ, bảo hiểm nhân thọ còn có thể sinh lời. Ảnh: Sutterstock

Những hiểu nhầm phổ biến về bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, lại có mức độ phức tạp cao, nên việc hiểu nhầm xảy ra là khó tránh với người tham gia bảo hiểm, song điều quan trọng là cần tránh những “hiểu nhầm” có thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi của chính bản thân mình.

Coi bảo hiểm thương mại với bảo hiểm xã hội là một

Anh Nguyễn Minh, một tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, tỷ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ cũng đã cải thiện đáng kể những năm gần đây, nhưng nếu so với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới vẫn ở mức thấp, một phần nguyên nhân là do nhận thức về bảo hiểm của người dân chưa cao.

Điều này lý giải vì sao một bộ phận người dân trong độ tuổi lao động vẫn nhầm tưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ) là một loại bảo hiểm, cứ mua bảo hiểm xã hội là khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn… thì nhà bảo hiểm lẽ lo hết, mà không hiểu rằng không phải trường hợp nào cũng được chi trả bảo hiểm, mức chi trả có hạn mức và không nhiều. Sự nhầm tưởng này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng tới người lao động khi không may rủi ro xảy đến, mà vô hình chung còn làm hạn chế sự phát triển của bảo hiểm thương mại nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng.

Thực tế, đây là 2 loại hình bảo hiểm hoàn toàn khác nhau , mỗi loại có một cơ quan chủ quan riêng. Cụ thể, bảo hiểm xã hội là hình thức bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc lẫn tự nguyện, do cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý cả về hành chính lẫn phát triển sản phẩm, còn bảo hiểm thương mại là hình thức bảo hiểm tự nguyện, sản phẩm do các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ triển khai, được quản lý hành chính bởi Bộ Tài chính.

Cả 2 loại bảo hiểm trên đều nhằm mục đích bù đắp tài chính cho các đối tượng tham gia bảo hiểm khi họ gặp phải rủi ro, dẫn đến bị thiệt hại, hoạt động dựa trên nguyên tắc “có đóng, có hưởng”, tức là mức bảo hiểm thụ hưởng được xác định trên cơ sở mức phí đóng, thời gian đóng và trong khuôn khổ bảo hiểm đang tham gia, có sự chia sẻ giữa những người tham gia mang tính chất “cộng đồng chia sẻ rủi ro”, “lấy số đông bù số ít”.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia. Mức đóng phí bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động Việt Nam bằng 8% tiền lương tháng/lương cơ sở, được nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng do Nhà nước tổ chức, nhưng người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại tuy khác nhau về bản chất, nhưng vẫn hỗ trợ lẫn nhau. Lấy ví dụ, với bảo hiểm xã hội, người tham gia chỉ được hưởng chế độ thai sản, nằm viện, chăm sóc sức khỏe… với chi phí dịch vụ vừa phải và chủ yếu tại các bệnh viện công, nếu muốn hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe cao hơn, ở bệnh viện cơ sở vật chất hiện đại hơn…, thì khách hàng cần phải tìm đến bảo hiểm thương mại và tất nhiên, mức chi phí cũng sẽ cao hơn.

Vẫn sẽ được tham gia bảo hiểm thương mại, cho dù trục lợi bảo hiểm xã hội

Thực tế, tại Việt Nam, tình trạng trục lợi bảo hiểm không phải hiếm. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ cho biết, không ít trường hợp người lao động trục lợi bảo hiểm xã hội bằng cách “nhờ” cơ sở y tế làm hộ giấy khám, giấy nhập viện - ra viện, giấy chứng nhận thanh toán viện phí…, nhưng không biết rằng hệ lụy đằng sau hành động trục lợi đó là khó đong đếm.

Lý do bởi, với cả đống bệnh “từ trên trời rơi xuống” đó, rất khó có thể tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu, vì nhà bảo hiểm thường thẩm định kỹ càng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nếu người mua bảo hiểm mắc nhiều bệnh thì sẽ không bán.

Chị Nguyễn Ngọc Mai, một tư vấn viên bảo hiểm kể, chị từng gặp trường hợp khách hàng khỏe mạnh, nhưng trước đó từng trục lợi bảo hiểm xã hội, cứ hễ cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi là đi khám và nhiều lần xin bác sỹ cho nằm viện, thậm chí có lần không ốm đau, cũng không hề nằm viện, nhưng vẫn xin giấy nằm viện. Đến khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ gần hoàn thiện thì lộ ra việc trục lợi bảo hiểm xã hội nên bị nhà bảo hiểm nhân thọ từ chối.

Bảo hiểm nhân thọ chỉ mang tính bảo vệ, không có chức năng đầu tư

Thực tế, bảo hiểm nhân thọ ngoài mang tính bảo vệ thì còn có thể đầu tư và sinh lời, thậm chí thu về lợi nhuận cao nếu chọn đúng sản sản phẩm và đón đúng xu thế. Ông Phan Lê Thanh Toàn, người có thâm niên 20 năm làm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, bảo hiểm nhân thọ có thể tạo ra lợi nhuận cao ngay cả trong thời điểm bệnh dịch như hiện nay.

Lấy ví dụ dẫn chứng, ông kể: “Tôi có một khách hàng đóng phí bảo hiểm 20 triệu đồng/năm cho sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư qua đơn vị quỹ (IL - Investment Link). Vào thời điểm cuối tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc và giá trị quỹ đầu tư cũng giảm theo. Lúc này, tôi tư vấn cho khách hàng đầu tư thêm 200 triệu đồng mua cổ phiếu của một quỹ đầu tư tăng trưởng với mức giá 12.425 đồng/chứng chỉ quỹ. Một năm sau, khi chứng chỉ quỹ đáo hạn, giá chứng chỉ quỹ đã tăng lên 21.808 đồng/chứng chỉ quỹ, tức tăng tới hơn 75%. Như vậy, từ số tiền 200 triệu đồng đầu tư ban đầu, khách hàng này đã thu về khoản lợi nhuận 140 triệu đồng (đã trừ các loại phí) chỉ sau 1 năm và với khoản lợi nhuận này, coi như khách hàng rút ngắn được 7 năm đóng phí bảo hiểm, từ 20 năm xuống còn 13 năm”.

Tất nhiên, không phải cứ đầu tư vào chứng chỉ quỹ là sẽ có lãi, mà lãi cao như vị khách hàng trên thì càng không phổ biến, hơn nữa để đầu tư chứng chỉ quỹ, bản thân khách hàng cũng phải là người có kiến thức về tài chính. Song, theo ông Toàn, đầu tư vào chứng chỉ quỹ ít rủi ro hơn do mức giảm của chứng chỉ quỹ thường thấp hơn so với mức giảm của thị trường chứng khoán.

“Nhìn lại các phiên giao dịch từ 19-25/1/2021, trong khi thị trường chứng khoán mất hơn 200 điểm thì thị giá chứng chỉ quỹ của quỹ tăng trưởng trên chỉ giảm từ 21.738 đồng xuống 20.225 đồng, trước khi tăng trở lại mức 21.808 đồng vào ngày 31/3/2021”, ông Toàn thông tin và nói vui rằng “trong thời hạn 20 năm hợp đồng bảo hiểm, chỉ cần vài lần lãi 75% như vậy là đủ”.

Khi sức khỏe có vấn đề mới mua bảo hiểm

Theo ông Nguyễn Trung, nhà sáng lập trang web Sự thật bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, nhiều người dân có tâm lý chỉ khi sức khỏe có vấn đề thì mới mua bảo hiểm nhân thọ, bởi đó là lúc cần sự hỗ trợ về tài chính nhất và đối tượng không thể phù hợp hơn là công ty bảo hiểm.

Tuy nhiên, họ không biết rằng, đây cũng là một trong những điểm loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm. Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là quỹ dự trữ tài chính dài hạn, được đóng góp bởi số đông người để chia sẻ rủi ro cho một số ít người, cho nên yếu tố tiên quyết là mọi khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ đều phải đủ điều kiện về mặt sức khỏe, bất kể đó là hợp đồng mệnh giá lớn hay nhỏ.

“Hãy thử tưởng tượng, nếu khách hàng đã có bệnh rồi mới mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để nhận về ngay hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để chữa bệnh thì công việc của các công ty bảo hiểm nhân thọ quá đơn giản: Chỉ cần có mặt tại bệnh viện, nơi bệnh nhân đang điều trị thì hỏi 10 người sẽ có cả 10 người đồng ý tham gia ngay lập tức. Thế nhưng thực tế đâu dễ dàng như vậy. Bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nên không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm, mà cả người tham gia cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm”, ông Trung nói và cho rằng, để phòng bị rủi ro, mua bảo hiểm không bao giờ là sớm.

“Ông bà ta có câu ‘sai 1 ly, đi 1 dặm’ và trong bảo hiểm cũng vậy. Người dân không nên có tâm lý chờ đợi rủi ro tới rồi mới nghĩ đến bảo hiểm, bởi sai lầm này sẽ có thể tước đi cơ hội được bảo vệ sức khỏe, an toàn tài chính tương lai của chính mình”, ông Trung nhấn mạnh.

Tin bài liên quan