Những đơn vị chuyên gánh nợ cho công ty mẹ

Những đơn vị chuyên gánh nợ cho công ty mẹ

Mục đích ra đời của Công ty đầu tư Sài Gòn Exim, đầu tư Sài Gòn Á Châu... có thể chỉ để làm sạch báo cáo tài chính, xử lý nợ xấu, gánh lỗ thay công ty mẹ.

Sau vụ Sacombank bị thâu tóm, thị trường mới biết ngân hàng vẫn có cách lách quy định sở hữu tối đa 15% cổ phần ở ngân hàng khác, bằng cách đồng sở hữu với các công ty liên quan.

 

Những cái tên như đầu tư Sài Gòn Exim, đầu tư Sài Gòn Á Châu chỉ mới xuất hiện trong đợt thâu tóm này và khiến người ta liên tưởng đến các công ty SPV (Special Purpose Vehicle) trên thế giới. SPV là những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thường là giúp làm sạch báo cáo tài chính của công ty mẹ. Hình thức này đã có từ lâu trên thế giới nhưng có vẻ còn lạ với nhiều nhà đầu tư Việt Nam .

 

Khái niệm công ty SPV được nhắc đến ở Mỹ từ lâu, nhưng đến khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra giới tài chính mới chú ý nhiều hơn đến loại hình công ty này.

 

Cuộc khủng hoảng hình thành ở Mỹ và lan nhanh ra toàn thế giới bắt nguồn từ tình trạng bong bóng giá bất động sản. Nguyên nhân sâu xa của nó chính là tình trạng cho vay dưới chuẩn tràn lan của các ngân hàng ở nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

 

Các thống kê kinh tế cho thấy, các ngân hàng Mỹ đã duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian dài. Cá biệt, từ giữa năm 2003 đến giữa năm 2004, lãi suất cho vay chỉ 1% một năm. Lãi suất thấp tạo điều kiện cho người dân đổ xô vay tiền mua nhà, đất. Tham lợi nhuận, các ngân hàng sẵn sàng cho vay cả những đối tượng không đủ tiêu chuẩn vay. Hệ quả là nguồn tiền dồi dào này đã khiến giá bất động sản bị đẩy cao hơn giá trị thực một cách nhanh chóng.

 

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các ngân hàng không muốn một mình gánh chịu rủi ro từ các khoản nợ khổng lồ này. Họ đã gom các khoản nợ lại thành một gói, rồi chia nhỏ ra thành các cổ phần và bán cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ được hưởng phần lớn lãi suất của người vay trả định kỳ; ngân hàng nhận phần nhỏ xem như phí quản lý.

 

Sau khi bán nợ, các ngân hàng đã lập ra những công ty SPV chỉ để quản lý các khoản nợ này. Vậy là báo cáo tài chính của ngân hàng đã sạch. Thậm chí, các ngân hàng còn được lợi nhờ có thêm nguồn tiền mới để cho vay. Trong trường hợp người vay không trả được nợ, các công ty SPV và nhà đầu tư phải chịu. Nói cách khác, các công ty SPV lúc này được lập ra để xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

 

Về hình thức, ngân hàng chỉ sở hữu dưới 51% cổ phần ở các công ty này để không phải giải thích thêm trong báo cáo tài chính. Vì vậy, dù về thực chất ngân hàng có khả năng chi phối mọi hoạt động của SPV, nhưng về mặt luật pháp mối liên hệ với SPV chỉ là khoản đầu tư dài hạn. Rất nhiều công ty SPV tồn tại được nhờ sự xếp hạng hời hợt và đáng ngờ của các công ty đánh giá tín nhiệm của Mỹ thời đó.

 

Chuyện lập ra các công ty SPV ở Việt Nam còn khá mới và những công ty như đầu tư Sài Gòn Exim, đầu tư Sài Gòn Á Châu... có thể được xem là những ví dụ đầu tiên của mô hình này.

 

Những đơn vị chuyên gánh nợ cho công ty mẹ ảnh 1SPV là những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thường là giúp làm sạch báo cáo tài chính của công ty mẹ. Ảnh minh họa.

 

Theo chuyên viên nghiên cứu của một quỹ đầu tư tại TP HCM (không muốn nêu tên), hình thức này đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2006, 2007. “Một tập đoàn nọ có trụ sở ở TP HCM đã nhờ nhân viên đứng tên lập ra hàng trăm công ty kiểu này nhằm xử lý các khoản nợ xấu của công ty mẹ trong nhiều năm qua. Nói không ngoa, có lẽ chính vị chủ tịch đó bây giờ cũng không nhớ tập đoàn mình có bao nhiêu công ty con”, ông này nói.

 

Các SPV ở Việt Nam cũng tồn tại với hình thức tương tự như ở Mỹ. Chẳng hạn, Eximbank chỉ sở hữu 11% cổ phần của Công ty đầu tư Sài Gòn Exim dưới dạng đầu tư. Vị chuyên viên trên đánh giá, để nắm được quyền chi phối, số cổ phần còn lại có thể từ nguồn tiền cá nhân của những người thuộc nhóm đi thâu tóm. Vì thế, thị trường không dễ nhận biết và cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát.

 

Ngoài 2 công ty vừa nêu, thời gian gần đây thị trường còn chứng kiến một số giao dịch đáng ngờ có nguồn gốc từ các công ty kiểu này.

 

Trường hợp của Chứng khoán Sacombank (SBS) là một ví dụ. Vào quý II/2011, SBS báo lỗ 163 tỷ đồng. Cuối năm, con số được nâng lên 610 tỷ đồng và sau kiểm toán, Công ty báo lỗ 788 tỷ đồng. Đến quý I, SBS báo lỗ thêm 660 tỷ đồng. Nhà đầu tư khi đó đã đặt nghi vấn phải chăng SBS đang gánh trách nhiệm chịu lỗ thay công ty mẹ là Ngân hàng Sacombank.

 

Ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa, cho biết chuyện lập công ty SPV ở Mỹ là hợp pháp. Bởi lẽ, khi công ty có hoạt động gì mọi cổ đông đều được biết. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ hoàn toàn có thể kiểm tra dòng tiền ở các công ty này. Tuy nhiên, nếu lập ra với mục đích giấu nợ thì lại là phạm pháp.

 

Ở Việt Nam thì khác. Dòng tiền chảy đi từ một công ty khó phân biệt rõ ràng do có nhiều nguồn gốc khác nhau và không thể hiện rõ trên báo cáo tài chính. Đó có thể là khoản cho vay, khoản cầm cố chứng khoán hoặc ủy thác đầu tư..., nhưng khi thể hiện trên báo cáo tài chính đều chỉ được ghi vào các khoản “khác” như khoản phải thu khác, tài sản có khác.