Những doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ

Những doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ

(ĐTCK) Không riêng những DN yếu kém mới thua lỗ, những DN từng đứng vững trước khó khăn cũng đã trải qua một năm 2012 không vui.

Thua lỗ bất ngờ

Trong rất nhiều DN đã công bố kết quả kinh doanh năm 2012, thị trường đặc biệt chú ý đến những cái tên lần đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm “vượt bão” trót lọt. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) qua các năm 2006 - 2011 đều có lãi. Thậm chí, trong năm 2011, lãi sau thuế của TSC còn tăng gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2012 thì TSC đã lỗ ròng 56 tỷ đồng dù doanh thu cùng thời kỳ của đơn vị này đạt hơn 2.468 tỷ đồng, tức chỉ giảm khoảng 9% so với năm 2011. Năm 2012 là năm đầu tiên TSC thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Giải trình nguyên nhân lỗ khủng, lãnh đạo TSC cho biết, dù Công ty đã tiết kiệm tối đa chi phí kinh doanh, nhưng do giá cả phân bón nhập khẩu trong năm 2012 biến động theo xu hướng giảm, cộng với nạn làm giả Kali CIS nhập khẩu mang thương hiệu TSC xảy ra liên tục, khiến lãi gộp của TSC giảm mạnh 59%. Ngoài ra, môi trường kinh tế vĩ mô diễn biến bất lợi và lãi suất ngân hàng cao cũng đã tác động tiêu cực, khiến kinh doanh năm 2012 của TSC sụt giảm.

Những doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ ảnh 1

CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) mới đây cũng cho biết, STT bị lỗ 12,54 tỷ đồng trong năm 2012 dù doanh thu cả năm của Công ty đạt 82,35 tỷ đồng, tăng 8,31% so với năm 2011. Năm 2012 là năm đầu tiên STT bị lỗ kể từ năm 2008.

Nhìn trên BCTC hợp nhất quý IV/2012 của STT thì Công ty thua lỗ chủ yếu do chi phí quản lý DN tăng quá cao, hơn 114%. Thuyết minh BCTC của STT chỉ ra, chi phí dự phòng khoản phải thu khó đòi hơn 11,3 tỷ đồng, tặng mạnh so với mức trích chưa tới 300 triệu đồng trong năm 2011 đã khiến kinh doanh của STT bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng vì chi phí quản lý DN tăng mạnh 129%, từ mức 62,2 tỷ đồng năm 2011 lên 143 tỷ đồng trong năm 2012 mà CTCP Đầu tư Alphanam (ALP) lỗ ròng sau hợp nhất 139,4 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2005, ALP thua lỗ.

CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng đã báo lỗ 125 tỷ đồng sau 8 năm có lãi. Giải thích điều này, Công ty cho biết là do chỉ số giá cước giảm mạnh. Thêm vào đó, VST cũng không bán được tàu nên kết quả kinh doanh không khả quan.

 

Có phải chỉ nhất thời?

Từ những khó khăn ở TSC, STT, VST, ALP, nhà đầu tư không thể không lo ngại. Bởi khó khăn mà các DN gặp phải không phải là những yếu tố mới xuất hiện, mà sẽ còn đeo đẳng trong thời gian tới. Trong công văn giải trình cũng như nêu một số giải pháp vượt qua khó khăn, lãnh đạo TSC đã gián tiếp cho biết, Công ty gần như bất lực trước biến động giá phân bón nhập khẩu và nạn làm giả Kali CIS nhập khẩu mang thương hiệu TSC. Bằng chứng là với nạn làm giả Kali CIS, “Công ty đã làm hết sức nhưng vẫn không khắc phục được”. Hay trước biến động khó lường của giá nhập khẩu phân bón, từ đầu năm 2012, TSC đã quyết định thu hẹp kinh doanh phân bón. Công ty sẽ tiếp tục bán bớt những tài sản đã đầu tư trong mảng hoạt động này. Mục tiêu lợi nhuận của TSC trong năm 2013 sẽ tập trung vào khai thác tối đa lợi thế kinh doanh tại CTCP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây mà TSC nắm giữ 97,27% vốn điều lệ; đẩy mạnh gia công, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại CTCP Nông dược TSC, đơn vị TSC nắm giữ 57,31% vốn. Nghĩa là sẽ có những thay đổi đáng kể trong bức tranh kinh doanh của TSC trong năm 2013.

Với STT, khó khăn nằm ở khâu quản lý các khoản cho vay và đầu tư. Tính ra, Công ty đã chi hơn 11,3 tỷ đồng, tức bằng 90% tổng lỗ cho riêng trích dự phòng khoản phải thu khó đòi. Trong đó, có những khoản phải thu đã không còn hy vọng đòi được như công nợ ở Công ty Việt Tiệp, Việt Nhật, Ngọc Linh, buộc STT phải trích dự phòng toàn bộ.

Trường hợp không phải trích dự phòng 100% thì chỉ riêng khoản trích ở An Thiện Nhân, An Nghiệp Phát đã lên đến hơn 9 tỷ đồng. STT đã quyết định cắt hợp đồng khai thác taxi ở TP. HCM đối với Công ty An Thiện Nhân từ 25/1/2013 như một cách cứu vãn tình thế.

BCTC của ALP vẫn chưa cho thấy được vì sao chi phí quản lý ở Công ty lại đội lên gấp 2,3 lần. Tuy nhiên, nhìn con số này, cộng với chi phí tài chính vượt hơn 85,9 tỷ đồng, cho thấy ALP đã để chi phí vượt ngoài tầm kiểm soát. 

Rõ ràng, khó khăn đang buộc DN phải tái cơ cấu, phải nghĩ ra những đường hướng mới, có tính bước ngoặt. Tuy nhiên, đường hướng hoạt động mới có giúp DN thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn thua lỗ hay không thì vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.