Thời đó, để sở hữu một chiếc radio, người mua phải bỏ ra cả cây vàng. Còn sở hữu một chiếc cassette như thế này, số tiền còn lớn hơn rất nhiều. Ông Tình cho biết, đài cassette là một trong những món "hàng hiệu", không phải gia đình nào cũng mua được.
Ảnh: Hoàng Phương - Nhật Quang.
So với radio và cassette, đầu băng cối được ít người dùng hơn, phải những người "siêu giàu" mới có thể sở hữu. Ông Văn Đức (66 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại Vũng Tàu) kể lại, đây là thiết bị du nhập vào từ thời Pháp.
"Thời đó, người ta gọi là đầu Akai, băng Akai vì thương hiệu này quá nổi tiếng lúc bấy giờ, như Honda - nhiều người vẫn có thói quen gọi xe máy là xe Honda", ông Đức nhớ lại.
Trong những bộ phim cổ về Hà Nội, nhiều người sẽ thấy chiếc đầu máy quay đĩa này. Ông Trần Vương (60 tuổi, Hà Nội) kể lại, chúng được du nhập vào từ Pháp.
"Đầu máy không dùng điện, mà chỉ cần quay tay bằng dây cót, một số có thể hát suốt ngày đêm mà chẳng tốn một chút pin hay điện nào", ông Vương kể. Và tất nhiên, giá của nó cũng rất lớn, không dành cho tầng lớp bình dân.
TV cũng là đồ xa xỉ thời đó. Tuy nhiên, chúng cũng xuất hiện nhiều ở làng quê. "Cả làng có khi có một chiếc, thậm chí 2 đến 3 làng mới có một chiếc. Thời đó, chúng tôi chỉ mới 6 đến 8 tuổi, thích nhất là chương trình 'Những bông hoa nhỏ' chiếu lúc 7h tối, sau đó là thời sự và chỉ đến tối thư tư và tối chủ nhật mới có phim", anh Duy Phong (40 tuổi, Nghệ An) chia sẻ.
Cũng theo anh Phong, thời đó, vô tuyến là thứ không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng rất thích. Cứ đến giờ phát sóng là nhà có TV luôn chật kín người. "Nhà nào mà thời đó có TV thì 'oai' lắm, vì nếu xích mích thì sẽ không cho xem đâu", anh Phong hài hước nói.
Trước những năm 1980, hầu hết máy ảnh đều là máy phim. Ông Trần Lân (50 tuổi, Quảng Bình) nhớ lại, khi đó cả xã nơi ông sống, chỉ duy nhất ông có máy ảnh. "Thời đó, tôi thường đi chụp ảnh thuê và kiếm được kha khá tiền, nhất là lúc Tết, hoặc khi có lễ hội.
Máy ảnh là vật dụng siêu hiếm, khi đó tôi chỉ có mỗi chiếc Kiev của Nga và Praktica của Đông Đức. Ông bạn ở huyện khác còn có con Leica (Tây Đức), và nó là ước mơ của tôi cũng như anh em chụp ảnh thời đó", ông Lân cho biết.
Điện thoại quay số cũng là thiết bị đã có mặt cách đây hàng chục năm, chủ yếu dạng để bàn hoặc treo tường. Bà Nguyễn Huề (65 tuổi, Thừa Thiên Huế), người từng trực điện thoại tại một ủy ban xã, tâm sự: "Những năm 80, điện thoại là thứ xa xỉ, chỉ có các cơ quan đoàn thể mới có.
Nếu trang bị tại nhà riêng, phải là những người giàu có. Các vùng quê hầu như không có luôn, nếu có việc gì từ phương xa, phải đến nơi có điện thoại, như ủy ban nhân dân xã".
"Thời đó khổ lắm, sau khi nhận tin, tôi lại phải tìm đến từng nhà để gọi người ra nghe điện thoại bằng chiếc xe đạp lọc cọc. Nhưng giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy vui vì kết nối được với rất nhiều người", bà Huề xúc động.