Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt của Licogi rơi vào cảnh bê trễ, phơi nắng, phơi sương cả thập kỷ nay

Dự án Khu đô thị Thịnh Liệt của Licogi rơi vào cảnh bê trễ, phơi nắng, phơi sương cả thập kỷ nay

Những con tàu sắp đắm - Bài 3: Tìm bè cứu sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với thực trạng hoạt động bê bết sau cổ phần hóa, không chỉ cổ đông chiến lược hay bất kỳ ai có thể cứu được những con tàu sắp đắm này mà cần nhiều giải pháp quyết liệt rốt ráo.

Hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn nhà nước, hàng chục nghìn tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư tư nhân đang bị bào mòn, nằm lãng phí tại các doanh nghiệp cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi những giải pháp mạnh tay.

Bài 3: Tìm bè cứu sinh

Với thực trạng hoạt động bê bết sau cổ phần hóa, không chỉ cổ đông chiến lược hay bất kỳ ai có thể cứu được những con tàu sắp đắm này mà cần nhiều giải pháp quyết liệt rốt ráo.

Cổ phần hóa hình thức

Thực tế đáng quan ngại là doanh nghiệp nhà nước không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự, là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức vì tỷ lệ cổ phần nắm giữ cũng chưa quá được 35% để có tiếng nói trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Chuyên gia Võ Trí Thành khi trao đổi về vấn đề này đã đặt ra những câu hỏi như cổ phần hóa đã thực chất chưa? Bởi hiện nay rất nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng tỷ lệ rất nhỏ. Vì thế, không thể xoay chuyển được chất lượng quản trị.

Đơn cử như trường hợp của Vinafood 2, cổ đông lớn nhất và toàn quyền quyết định là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ đông chiến lược là T&T Group chỉ nắm hơn 25% cổ phần, nắm 2/5 ghế hội đồng quản trị nên hầu như không có vai trò và tiếng nói gì ở doanh nghiệp. Đó cũng là lý do mà sau 2 năm hậu IPO, tình hình kinh doanh tại Vinafood 2 vẫn rất bết bát.

Để tăng động lực cho các nhà đầu tư tư nhân và đem lại hiệu quả thật sự cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tại kỳ họp vào tháng 5 năm nay, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nên ‘lùi chân’ để doanh nghiệp tư nhân dần ‘thế chân”.

Các đại biểu cho rằng, chủ trương đúng đắn và cần phải được quán triệt xuyên suốt trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế là đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ, theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng.

Thiệt hại lớn cho cả 3 bên

Tại hội thảo Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sai lầm trong việc cổ phần hoá là khái niệm mong manh đến mức chỉ cần bán 1% cổ phần cũng được coi là cổ phần hoá. Trong khi việc cổ phần hoá tới 10% không liên quan gì đến phân bổ nguồn lực hay chuyển đổi sở hữu.

Ông Thiên cho rằng, nếu cổ phần hoá như thế thì chưa thể nói là thành công và việc này không đảm bảo cho Việt Nam cạnh tranh, không đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển.

Chuyên gia này nhấn mạnh thêm: "Đặt mục tiêu thì mục tiêu phải phản ánh tính thị trường rõ ràng. Nếu không đạt được thì thế nào, ai chịu trách nhiệm?".

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này. Thứ nhất là việc Nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn khiến doanh nghiệp nhà nước khó thay đổi về chất.

Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ vốn nhà nước thực bán qua cổ phần hóa và thoái vốn chỉ chiếm khoảng 7,5% của tổng số vốn Nhà nước nắm giữ. Trong giai đoạn 2011 – 2016, trong số 426 doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trong nhiều trường hợp, chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn.

“Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái vốn càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn nếu kéo dài thời gian thoái vốn”, ông Ngô Trí Long nói.

Một điểm đáng lo ngại hơn được vị chuyên gia này chỉ ra là sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến tâm lý hoạt động cầm chừng, chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Những lo ngại này đặt ra một yêu cầu bức thiết về việc phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới.

Cần cuộc cải tổ mạnh tay

Thực tế đã phân tích cho thấy, nếu Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, với cách làm cố hữu, thiếu quyết liệt thì việc vực dậy các doanh nghiệp cổ phần hóa nói chung, Vinafood 2, Licogi nói riêng sẽ đi vào ngõ cụt.

Với thực trạng hoạt động bê bết sau cổ phần hóa, không chỉ cổ đông chiến lược hay bất kỳ ai có thể cứu được những con tàu sắp đắm này mà cần nhiều giải pháp quyết liệt rốt ráo.

Ông Phạm Quang Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội, và cũng là một nhà đầu tư bỏ vốn vào nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần khẩn trương thúc đẩy và thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, càng kéo dài thì Nhà nước càng mất vốn và tiếp tục thua lỗ tại các doanh nghiệp.

Chuyên gia Ngô Văn Tuyển cũng đặt vấn đề: “Mục đích của Vinafood 2 là để làm gì? Nếu không phải để thực hiện các mục tiêu của Nhà nước thì thoái hết vốn đi”.

Ông phân tích, Licogi là một tổng công ty xây dựng và lắp máy lớn như thế mà vốn chủ sở hữu chỉ có 900 tỷ đồng nên buộc phải vay nợ lớn để thực hiện công trình. Vốn có vậy mà đầu tư vào công ty con hơn 1.400 tỷ đồng thì cũng phải dùng vốn vay để đầu tư. Đến lượt các công ty con lại phải vay vốn để hoạt động, nên đòn bẩy tài chính là rất lớn. Tốt nhất, Nhà nước nên thoái vốn ở Licogi để tư nhân làm.

Với bộ máy công ty liên kết và công ty con rất lớn như ở Vinafood 2 và Licogi, các chuyên gia cũng cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần thúc đẩy hội đồng quản trị các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện cấu trúc lại các khoản đầu tư ra ngoài, thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả.

Tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống quản lý, quản trị các công ty trực thuộc, giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động các đơn vị hoạt động không hiệu quả. Cấu trúc lại toàn bộ hệ thống quản trị, hệ thống quy định, quy trình, con người từ hội đồng quản trị, ban điều hành, lãnh đạo các đơn vị, người đại diện vốn.

Với những doanh nghiệp đang quản lý quỹ đất rất lớn, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên cùng các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương hoàn thiện phương án sử dụng đất, nhằm tránh xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước.

Nếu các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn như Vinafood 2, Licogi... tiếp tục được quản trị như hiện nay, trượt dài trong thua lỗ, dẫn tới không nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng, mất thanh khoản, có thể phải dừng hoạt động bất kỳ lúc nào. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm khi những lời cảnh báo về nguy cơ này đã được đưa ra?

Tin bài liên quan