Những con đại bàng cần bầu trời khoáng đạt chứ không phải những “túi thức ăn”

Những con đại bàng cần bầu trời khoáng đạt chứ không phải những “túi thức ăn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Đó là quan điểm của PGS.TS Trần Đình Thiên khi đề cập đến việc tạo lập cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn nội địa đến phát triển Phú Quốc - Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Tối ngày 8/1/2021 đã diễn ra lễ công bố quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Phú Quốc. Phát biểu tại Hội thảo "Phú Quốc: Đón vận hội – Dẫn lối thành công" do SunGoup tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là bước ngoặt trong quá trình phát triển đảo Ngọc, nhưng muốn thành công trong lộ trình phát triển này cần ứng xử với Phú Quốc một cách đặc biệt, vì “một mô hình đặc biệt không thể áp dụng những cơ chế, chính sách thông thường, cơ chế phát triển Phú Quốc không thể như với một đơn vị hành chính tương đương ở những tỉnh, huyện miền núi, vùng sâu…”.

Theo ông Thiên, Phú Quốc đặc biệt ngay từ cái tên đảo Ngọc, mà đã là viên ngọc thì làm gì, ứng xử điều gì với nó cũng cần sự trân trọng, nâng niu, thậm chí cần những bàn tay tài hoa để “ngọc càng mài càng sáng”.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

“Cơ chế chính sách nào phù hợp với Phú Quốc là điều không dễ dàng, nhưng cần xác định rằng tạo cơ chế đột phá cho hoạt động đầu tư, hoạt động quản lý, giao trách nhiệm, giao quyền lực cho chính quyền Thành phố đảo thế nào chứ không phải là các ưu đãi cụ thể”, ông Thiên nói.

Là một trong những người tham gia soạn thảo cơ chế chính sách về các đặc khu kinh tế, TS Trần Đình Thiên cho biết, Phú Quốc đã bị chậm một nhịp trong nỗ lực trở thành một Trung tâm phát triển khi không được chấp nhận hưởng quy chế Đặc khu Hành chính – Kinh tế cấp quốc gia. Tuy nhiên, trong cái rủi có khi lại có cái may, bởi đảo Ngọc lại có cơ hội trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, thay vì là một trong số các đặc khu.

Không giống bất cứ địa chỉ đô thị hóa nào, Phú Quốc không đi theo lộ trình đô thị hóa tuần tự mà được “đặc cách” vượt cấp – nhảy vọt: Từ huyện đảo với đô thị cấp thị trấn “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 (năm 2014), và vừa mới đây, tháng 12/2020, được công nhân là Thành phố trực thuộc tỉnh. Nhờ vào vị thế đặc biệt, Thành phố trẻ Phú Quốc có thêm danh hiệu - Thành phố đảo, khẳng định tính chức năng – đặc thù chưa từng có của một đô thị ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

"Thực ra, việc vượt qua logic tuần tự trong quy trình công nhận “chức danh đô thị hóa” đối với Phú Quốc – điều hình như chưa từng xẩy ra với bất kỳ đô thị nào ở Việt Nam – không phải là một sự kiện gây “sốc”. Nó không phải là kết quả của nỗ lực phấn đấu “cố lấy được” một danh hiệu đô thị theo cách “vay mượn” các chỉ tiêu bắt buộc phải có nhưng chưa có. Trên thực tế, Phú Quốc đã tạo đủ, thậm chí vượt trước về thời gian, các điều kiện để đạt chuẩn đô thị cấp 2", ông Thiên nói, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, dù đã hấp dẫn được một lượng đầu tư lớn và lôi kéo được nhiều tập đoàn và doanh nghiệp có tư chất “đại bàng”, Phú Quốc vẫn cần nhiều sự hỗ trợ để chuyển hóa được lợi thế tự nhiên và sức mạnh đầu tư thành lợi ích phát triển thực tế, thành sức cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ quốc tế.

Những nhà đầu tư lớn như Sungroup đã góp phần làm thay đổi đảo ngọc Phú Quốc.

Những nhà đầu tư lớn như Sungroup đã góp phần làm thay đổi đảo ngọc Phú Quốc.

Nhấn mạnh không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo hiện đại đã định hình và phát triển mạnh mẽ ở Phú Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ví dụ điển hình về cụm đô thị phía Nam đảo gắn với hàng loạt công trình lộng lẫy và bề thế của Sun Group. Sự có mặt của các “sếu đầu đàn” như Sun Group, Vingroup … với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, cộng với uy tín của mình, là điều kiện nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Phú Quốc tiếp tục phát triển vượt trội trong giai đoạn tới.

“Dịch bệnh Covid-19 cho thấy việc lôi kéo quá nhiều du khách chưa chắc đã “ăn to” mà cần lựa chọn phân khúc khách hàng đẳng cấp hạng sang, xứng với đẳng cấp của Phú Quốc vì bản thân Phú Quốc đã quá đẹp, giờ chỉ cần những công trình đúng tầm. Vần đề là ai sẽ làm các công trình này”, ông Thiên đặt câu hỏi và khẳng định, đó phải là những “con đại bàng” quốc tịch Việt.

“Đó là điều tôi đã hiểu ra gần đây và đã có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ với vai trò thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, rằng không có gì tốt cho kinh tế đất nước bằng việc có ngày càng nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân nội địa mạnh như Vingroup, Sun Group…”.

Theo ông Thiên, để đón những con đại bàng nội địa đến Phú Quốc làm tổ và sinh sôi nảy nở, cần một chính quyền thành phố đảo đủ mạnh và áp dụng những cơ chế thí điểm đột phá nhất chứ không phải là những ưu tiên, ưu đãi thông thường.

“Một con đại bàng cần nhất bầu trời trong lành và đủ rộng để sải cánh, tự nó sẽ biết tìm đến chuỗi thức ăn phù hợp với mình”, ông Thiên nói.

Tin bài liên quan