Từ NDF…
Thời gian qua, cổ phiếu NDF của CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định gây chú ý khi lọt vào Top những cổ phiếu tăng giá kỷ lục. Chỉ trong vòng 2 tháng (tính từ đầu tháng 5/2017 đến cuối tháng 6/2017), cổ phiếu này đã tăng một mạch từ 3.400 đồng/cổ phiếu lên 18.900 đồng/cổ phiếu, tức tăng 456%.
Gây chú ý là bởi, đà tăng này không đi kèm với thông tin đột biến về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí, cổ phiếu này vẫn đang nằm trong diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2016 và lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán hợp nhất cuối năm 2016 là con số âm. 6 tháng đầu năm 2017, NDF cũng chỉ đạt hơn 1,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhìn vào lịch sử giao dịch của cổ phiếu NDF có thể thấy, giai đoạn cổ phiếu tăng trần liên tục cũng là thời điểm Công ty công bố thông tin lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu.
Cụ thể, trong giai đoạn tháng 5 - 6, ông Nguyễn Quang Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị NDF đã đăng ký mua 2 đợt với tổng khối lượng là 300.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 2,54% vốn điều lệ của Công ty (trước đó ông Thanh không nắm cổ phiếu của NDF).
Bước sang tháng 7/2017, thị giá và thanh khoản của cổ phiếu NDF bắt đầu xu hướng giảm và chốt phiên giao dịch cuối tháng chỉ còn 11.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng trước thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị và ủy viên Hội đồng quản trị tiếp tục “gom” 670.000 cổ phiếu, tương đương 8,53% cổ phần của Công ty, thị giá NDF bắt đầu hồi trở lại, về mức 14.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 16/8/2017).
Niêm yết trên sàn HNX, NDF chỉ có quy mô vốn điều lệ 78,538 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là: Chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống; buôn bán thực phẩm; chăn nuôi gia cầm, trâu bò và vật nuôi khác. Vốn nhỏ, thương hiệu khiêm tốn, lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro là nông nghiệp, hiệu quả kinh doanh của NDF yếu kém. Chỉ cần biến động về giá lợn sữa trong 6 tháng cuối năm 2016 đã dẫn tới kết quả thua lỗ của Công ty trong năm qua.
… tới HAR
Cổ phiếu HAR của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền đã tăng giá ngoạn mục từ đầu năm đến nay, từ mức 2.630 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 3/1/2017 lên mức 15.350 đồng/cổ phiếu trong phiên 16/7/2017.
Đặc biệt, cổ phiếu này đã có những phiên tăng trần liên tục từ cuối tháng 7 đến ngày 9/8/2017, ngay sau khi tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Gia Bảo đăng ký mua 5 triệu cổ phần. Sau giai đoạn này, cổ phiếu HAR đã có một số phiên đảo chiều, nhưng đà giảm lại được chặn đứng khi Chủ tịch HAR thông báo mua thêm 5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 15/8 đến 13/9.
Tăng giá mạnh là thế, nhưng kết quả hoạt động của Công ty trong nửa đầu năm nay chỉ đạt doanh thu trên 8,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4,66 tỷ đồng trên vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng. Trong quý I, Công ty lỗ 4,238 tỷ đồng.
Việc mua vào cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp thông thường có thể xuất phát từ việc họ nhìn thấy triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, nên muốn gia tăng sở hữu. Nhưng việc mua nhằm mục đích “đỡ giá” cũng không phải là chuyện hiếm trên sàn chứng khoán. Không ít lãnh đạo doanh nghiệp đã bày tỏ “lấy làm buồn, làm tiếc” khi cổ phiếu của doanh nghiệp mình bị định giá thấp hơn so với giá trị sổ sách và sẽ tranh thủ mua vào khi thị giá cổ phiếu giảm sâu để gia tăng tỷ lệ nắm giữ.
Có lãnh đạo doanh nghiệp còn mạnh miệng cam kết sẽ bỏ tiền túi mua vào nếu cổ phiếu rơi xuống mức nào đó, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, nhà đầu tư… Động thái công bố mua vào của lãnh đạo, cổ đông lớn thường khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu bởi họ cho rằng hơn ai hết, những cá nhân này nắm rõ nhất tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhà đầu tư có thể phải “ôm hận” nếu trót đu theo những động thái mua – bán của lãnh đạo, cổ đông lớn, gom vào ở đỉnh để rồi chứng kiến đà rơi của cổ phiếu sau đó khi hiệu ứng thông tin không còn.