Những cổ phiếu ngược đà bán ròng của khối ngoại

Những cổ phiếu ngược đà bán ròng của khối ngoại

(ĐTCK) Trong xu hướng rút ròng của khối ngoại, thị trường vẫn ghi nhận những cổ phiếu được khối này miệt mài mua vào trong suốt tháng 3 vừa qua.

HOSE: 6 cổ phiếu được mua ròng trên 1 triệu đơn vị

Sau 2 tháng nằm trong xu hướng bán ròng, tháng 3/2020, cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 119,2 tỷ đồng.

Ðộng thái này diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu PHR đã giảm 50% so với mức đỉnh hồi tháng 8/2019, cũng là vùng giá thấp nhất trong 1 năm trở lại đây, bên cạnh kỳ vọng về tăng trưởng kinh doanh.

Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020, Công ty mẹ PHR đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu 2.460 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.148 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 115% so với thực hiện 2019.

Dù nhận định dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng lên ngành cao su thế giới, khiến giá và nhu cầu mủ cao su tự nhiên cùng giảm, nhưng kết quả kinh doanh của PHR vẫn được kỳ vọng sẽ tích cực nhờ mảng kinh doanh khu công nghiệp, cụ thể là việc bàn giao đất cho dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng.

Kỳ vọng này có cơ sở hơn sau khi PHR nhận được quyết định bàn giao 345 ha đất cho dự án (giai đoạn II) vào cuối tháng 2/2020 từ UBND tỉnh Bình Dương. Ước tính, năm nay PHR có thể ghi nhận 860 tỷ đồng từ việc bàn giao đất và hơn 100 tỷ đồng từ thanh lý vườn cây.

PHR hiện sở hữu hơn 14.000 ha diện tích rừng cao su, chủ yếu tại Bình Dương. Ðây được xem là điểm hấp dẫn trong dài hạn khi Công ty có định hướng từng bước giảm diện tích cao su xuống 5.000 - 6.000 ha đến năm 2030 và phần đáng kể trong diện tích đất còn lại sẽ được chuyển đổi để phát triển các khu công nghiệp. 

Cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng là cái tên nằm trong danh sách được mua ròng mạnh trong tháng 3, đạt 2,4 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 52 tỷ đồng.

Là một trong những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, nhưng hoạt động của khối ngoại tại CTG chỉ thực sự sôi động từ giữa tháng 11/2019 đến nay.

Nguyên nhân là bởi các cổ đông ngoại hạn chế giao dịch, khiến room ngoại tại đây hầu như luôn ở mức tối đa 30% (trong đó Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu 19,73%, nhóm IFC - International Finance Corporation và Quỹ IFC L.P sở hữu hơn 8%).

Tình hình chỉ thay đổi khi IFC bán ra hơn 57,37 triệu cổ phiếu CTG vào ngày 13/11/2019 và đến ngày 8/1/2019 tiếp tục bán  ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống dưới 5%.

Sau khi đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý IV/2018 khiến lợi nhuận cả năm này sụt giảm, CTG đã lấy lại tăng trưởng trong năm 2019 với lợi nhuận trước thuế tăng 79,6% so với 2018 và vượt 24% kế hoạch.

Tuy vậy, bước sang năm 2020, triển vọng kinh doanh của CTG nói riêng và ngành ngân hàng nói chung đang đối mặt với không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Tính chung trong quý I/2020, cổ phiếu CTG đã được khối ngoại mua ròng 8 triệu đơn vị, tương đương 180 tỷ đồng. Tính đến hết phiên 6/4/2020, room còn lại cho khối ngoại tại CTG đã giảm xuống 0,3%, tương đương khoảng 11 triệu cổ phiếu.

Ngoài CTG, khối ngoại còn mua ròng 3 mã vốn hóa lớn khác, nhưng chỉ VNM được mua đáng kể nhất với 1,17 triệu đơn vị, tương đương 117,6 tỷ đồng, còn SAB và EIB được mua không nhiều.

Những cổ phiếu ngược đà bán ròng của khối ngoại ảnh 1

Tại nhóm cổ phiếu quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA của CTCP Tập đoàn Tân Tạo được mua ròng 3,7 triệu đơn vị, cổ phiếu  LDG của CTCP Ðầu tư LDG là 2 triệu đơn vị và cổ phiếu ASM của CTCP tập đoàn Sao Mai là 1,4 triệu đơn vị. Các cổ phiếu này đều trong xu hướng giảm giá về mức thấp nhất kể khi niêm yết tới nay.

Sàn HNX: mã ART được mua mạnh

Cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS dẫn đầu danh sách được khối ngoại mua ròng (về khối lượng) trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 3/2020 với 1,77 triệu đơn vị, qua đó ghi nhận 3 tháng mua ròng liên tiếp, khối lượng mua ròng tăng dần.

Tính chung trong quý đầu năm, khối ngoại mua ròng tổng cộng 3,23 triệu cổ phiếu ART, tương đương 3,3% lượng cổ phiếu lưu hành.

Tháng 3/2020 cũng là tháng ghi nhận chuỗi biến động bất thường tại cổ phiếu ART. Nếu như nửa đầu tháng là giai đoạn liên tục tăng giá, đạt 3.400 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/3, tăng 48% so với đầu tháng thì chỉ trong 2 tuần cuối tháng, thị giá ART giảm về 1.900 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả mức đầu tháng.

Thành lập tháng 3/2008 với vốn điều lệ 135 tỷ đồng, những năm đầu hoạt động, tên tuổi của ART chưa được nhiều nhà đầu tư biết tới.

Tuy nhiên, 3 năm qua, ART dần chuyển mình. Sau khi liên tục tăng vốn trong giai đoạn 2017-2018, đến quý III/2019, ART đã lọt vào Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm lớn nhất trên HOSE với tỷ lệ 3,67%. Mức thị phần tiếp tục tăng hơn 1% và đạt 4,69% trong quý IV/2019. Theo đó, lãi trước thuế đã cả năm 2019 của ART đạt 133,8 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2018.

Tăng trưởng cả về lợi nhuận và thị phần, nhưng quy mô nguồn vốn của ART lại khá hạn chế nếu so với các công ty khác trong Top 10. Tính đến 31/12/2019, quy mô vốn điều lệ của ART là 969 tỷ đồng, tổng nguồn vốn 1.160,8 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư các tài sản tài chính (FVTPL) của ART đến cuối năm 2019 có giá trị khoảng 297,8 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng tài sản với tỷ trọng lớn là khoản đầu tư vào cổ phiếu ROS của CTCP FLC Faros với giá trị hợp lý còn lại là 77 tỷ đồng, giảm gần 50% so với giá gốc. Với việc thị giá ROS giảm 81,1% trong quý I/2020, nếu chưa kịp thoái vốn, trích lập dự phòng sẽ tạo áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của quý này.

Ngoài mã ROS, ART còn 2 khoản đầu tư lớn khác vào cổ phiếu BAV của CTCP Hàng không Tre Việt (100 tỷ đồng) và FHH của CTCP Ðầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES (117,6 tỷ đồng), nhưng đây là 2 doanh nghiệp chưa niêm yết và chưa có nhiều thông tin để đánh giá về tình hình hoạt động.

UPCoM: Dấu hỏi triển vọng KSH

Cổ phiếu KSH của CTCP Damac GLS là một trong những cổ phiếu được mua ròng đáng kể nhất trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) trong tháng 3/2020.

Damac GLS tiền thân là CTCP Ðầu tư Phát triển KSH niêm yết trên HOSE, nhưng bị hủy niêm yết bắt buộc từ tháng 9/2019 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Cũng vì lý do này mà sau khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, KSH bị hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Nhà đầu tư mua vào KSH là một trong những tên tuổi khá quen thuộc trên thị trường - America LLC - quỹ đầu tư dài hạn chuyên nhắm đến các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Sau khi trở thành cổ đông lớn thông qua mua vào 1,345 triệu cổ phiếu KSH vào cuối tháng 2/2019, chỉ sau 4 phiên giao dịch trong tháng 3, America LLC đã mua thêm 2,19 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 10,2% (tính đến đến 27/3) và trở thành cổ đông lớn nhất tại đây.

Với giá trị sổ sách 10.500 đồng/cổ phiếu tính đến cuối năm 2019, trong khi thị giá trên thị trường đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4/2020 chỉ 500 đồng/cổ phiếu, động thái liên tục mua vào phần nào cho thấy kỳ vọng của America LLC đối với KSH, nhưng cũng đặt ra dấu hỏi về sự chênh lệch quá lớn giữa giá trị sổ sách và thị giá doanh nghiệp này.

Kết thúc năm 2019, báo cáo tài chính tự lập của KSH cho biết, Công ty đạt 60,5 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 374 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí, kết quả ghi nhận lỗ 1,8 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của KSH, chiếm 3/4 là các khoản phải thu ngắn hạn, lên đến 559 tỷ đồng, trong khi nguồn tiền gần như không đáng kể. Phần tài sản còn lại chủ yếu là khoản đầu tư vào Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Ðại Việt với giá vốn 196 tỷ đồng.

Không có nhiều thông tin để đánh giá, chỉ biết rằng đến cuối năm 2019, KSH đã trích lập dự phòng 2,2 tỷ đồng cho khoản đầu tư. Công ty lên kế hoạch chuyển nhượng phần vốn này trong quý IV/2019, nhưng đến cuối năm vẫn chưa được thực hiện.

Chờ tín hiệu tích cực hơn từ dòng vốn ngoại

Tính chung cả quý I/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong tháng 3/2020.

Áp lực bán ròng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu, kéo VN-Index giảm đến 31,06% khi kết thúc quý đầu năm (riêng tháng 3 giảm 24,9%), qua đó ghi nhận quý tiêu cực nhất trong nhiều năm trở lại đây. HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 9,32% và 14,8%.

Hiện tại, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại được cho là còn có thể tiếp diễn, nhưng điểm tích cực là khối lượng và giá trị bán ròng đã giảm dần, thậm chí mua ròng trở lại trong phiên 27/3.

Trong bối cảnh dòng tiền trong nước còn dè dặt, động thái này giúp giảm bớt phần nào áp lực mất cân đối cung cầu, mang đến kỳ vọng phục hồi cho thị giá cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây.   

Tin bài liên quan