10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,13 tỷ chiếc khẩu trang y tế. Ảnh: Dũng Minh

10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,13 tỷ chiếc khẩu trang y tế. Ảnh: Dũng Minh

Những cổ phiếu hưởng lợi từ đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Một số sản phẩm có nhu cầu tăng vọt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, giúp các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này “ăn nên làm ra”.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái. Việt Nam sớm khống chế được dịch và kinh tế duy trì tăng trưởng dương, nhưng tác động của Covid-19 là không nhỏ. Dịch bệnh gây gián đoạn các chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn đạt kết quả hoạt động khả quan, nhất là các doanh nghiệp ngay từ đầu đã nỗ lực thay đổi để thích nghi với môi trường kinh doanh biến động mạnh bởi đại dịch.

Doanh nghiệp dược, vật tư y tế bội thu

Nhu cầu về sản phẩm khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh đã giúp không ít doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này “làm không kịp bán”. Trong đó, mặt hàng khẩu trang được đẩy mạnh xuất khẩu từ cuối tháng 4/2020, sau khi Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 29/4/2020 của Chính phủ cho phép xuất khẩu không giới hạn số lượng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10 vừa qua, Việt Nam có hơn 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng 143,33 triệu chiếc, tăng 0,3% so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 1,13 tỷ chiếc khẩu trang y tế, tập trung vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc, điển hình là Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (Danameco). Nếu như các năm trước, doanh thu của Danameco chỉ quanh mức 200 tỷ đồng, riêng năm 2019 đạt 356 tỷ đồng do mở rộng mảng thiết bị y tế, thì trong quý II và III/2020, doanh thu lần lượt đạt 239 tỷ đồng và 208 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này thu về 573 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 3,8 lần và 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nhu cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco”, bà Huỳnh Thị Li Li, Tổng giám đốc Danameco cho biết.

Không ít doanh nghiệp khác như Traphaco, Imexpharm cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Riêng quý III/2020, Traphaco ghi nhận doanh thu 459 tỷ đồng, tăng 22%; lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng, tăng 35% so với quý III/2019. Trong khi đó, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận 51 tỷ đồng, tăng gần 23%.

Dệt may tận dụng thị trường ngách

Sản xuất khẩu trang đã trở thành “cứu cánh” để các doanh nghiệp dệt may duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng đơn hàng tại các thị trường trọng điểm.

Những doanh nghiệp dệt may chớp thời cơ chốt đơn hàng và xuất khẩu được một lượng đáng kể khẩu trang vải có thể kể đến như Tổng công ty May 10 - CTCP (M10), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), Công ty Dệt kim Đông Xuân...

Ban lãnh đạo M10 chia sẻ, nhờ việc chuyển đổi sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế mà Công ty có thể bảo toàn lực lượng lao động, việc làm và thu nhập trong bối doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn từ đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang y tế là hướng dịch chuyển kịp thời của các doanh nghiệp trong đại dịch. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu lớn bị sụt giảm đơn hàng đã “bẻ lái” thành công nhờ may khẩu trang xuất khẩu.

Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered đã cung cấp cho Công ty cổ phần Tổng công ty May Đồng Nai (MDN) khoản tín dụng có hạn mức 70 tỷ đồng làm vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải và áo bảo hộ y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các thiết bị bảo hộ cá nhân trên toàn cầu, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát lần hai, lần 3 tại một số quốc gia.

Thực phẩm “ăn nên làm ra”

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mì gói, dầu ăn ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số.

Quý III vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) có doanh thu, lợi nhuận tăng vọt. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt 55.618 tỷ đồng, tăng 111% so cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng trên tất cả các ngành hàng của công ty con là Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH).

Theo MSN, xu hướng tiêu dùng thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thay vì ăn tại hàng quán, nhiều người quyết định nấu ăn tại nhà, thể hiện qua sự tăng trưởng đáng kể của các loại thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến.

Với Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (VOC), doanh nghiệp này ghi nhận 650 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2020, lần lượt tăng 25,6% và gần 43% so với quý III/2019.

Tại Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC), doanh thu quý III đạt 1.404 tỷ đồng, tăng 38%; lãi ròng 79 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, các doanh nghiệp ngành thực phẩm nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp đã nhận ra những khó khăn mà ngành phải đối mặt và tiến hành điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng cũng như mạng lưới phân phối để có thể thích nghi với khủng hoảng. Dịch Covid-19 đang thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và chiến lược hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, thực phẩm - đồ uống là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển, dự kiến có tốc độ tăng trưởng từ 5 - 6% trong giai đoạn 2020 - 2025.

Không nên kỳ vọng quá nhiều

Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào những doanh nghiệp chớp thời cơ từ dịch bệnh Covid-19 và đạt lợi nhuận chớp nhoáng.

“Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp tham gia sản xuất khẩu trang, cồn rửa tay, hôm nay có thể tận dụng để sản xuất các sản phẩm này, nhưng nếu ngày mai thế giới có vắc-xin phòng Covid-19, họ không thể chạy theo để sản xuất vắc-xin. Đó chỉ là hoạt động kinh doanh mang tính thời vụ. Trừ những doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ sản xuất khẩu trang y tế, vật tư y tế thì có thể sẽ có những cơ hội để xuất sang các nước khác nhiều hơn”, bà Dương nói.

Tin bài liên quan