Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Những cổ phiếu có dấu hiệu sáng hơn

(ĐTCK) Thị trường ghi nhận một số doanh nghiệp có sự cải thiện về kết quả kinh doanh, hoặc các chỉ số tài chính trong báo cáo quý III/2019. Câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp có thể thu hút dòng tiền vào cổ phiếu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) sau thời gian tập trung quản lý hàng tồn kho, giảm công nợ, siết chi phí do thị trường gặp khó khăn và sau giai đoạn tăng trưởng nóng, đã có sự cải thiện ở không ít chỉ số tài chính, dù kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch.

Trong năm tài chính 2019 kết thúc ngày 30/9/2019, HSG ghi nhận 28.035 tỷ đồng doanh thu và 361,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 18,6% và 11% so với năm tài chính trước; hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 72,3% kế hoạch lợi nhuận.

Ðầu năm tài chính, HSG có 470 chi nhánh phụ thuộc, nhưng sau 1 năm chỉ còn 190 chi nhánh. Theo đó, Công ty giảm được các khoản phải thu ngắn hạn từ 2.118,7 tỷ đồng về 1.327,7 tỷ đồng; tồn kho giảm từ 6.607 tỷ đồng về 4.414,5 tỷ đồng; đồng thời giảm nợ vay ngắn hạn từ 10.879,9 tỷ đồng về 6.706,5 tỷ đồng, giảm nợ vay dài hạn từ 3.462 tỷ đồng về 2.989,7 tỷ đồng.

Nhờ đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của HSG tăng mạnh, nếu như năm tài chính 2018 chỉ là 500 tỷ đồng thì năm tài chính 2019 là 5.056 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 18,4%, 17,3%, 3,7% và 47,4%.

Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cũng có sự cải thiện về dòng tiền hoạt động kinh doanh. Sau năm 2017 và 2018, dòng tiền âm lần lượt là 232,4 tỷ đồng và 125,6 tỷ đồng, thì báo cáo tài chính quý III/2019 cho thấy, dòng tiền dương 249,1 tỷ đồng.

DGW liên tục tăng vay nợ ngắn hạn để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Năm 2016, vay nợ ngắn hạn là 342,6 tỷ đồng, năm 2017 là 620,9 tỷ đồng, năm 2018 là 836,9 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng nguồn vốn, nhưng dư nợ tới cuối quý III/2019 giảm còn 594,2 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn.

Ðặc biệt, năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 55,4%, 34,3% và 39,6% thì trong 9 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 36,7%, 50,4% và 42,5%.

Có thể thấy, trong vài năm qua, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của DGW không tăng tương xứng với tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận, nhưng dòng tiền đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm nay.

Trong ngành săm lốp, Công ty cổ phần Cao su Ðà Nẵng (DRC) ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 2.890,6 tỷ đồng, tăng 13,2%; lợi nhuận sau thuế đạt 169,7 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 35% kế hoạch cả năm.

Kết quả này là nhờ DRC vận hành nhà máy lốp radical giai đoạn 1 hiệu quả, giúp giảm nợ vay từ 1.038 tỷ đồng năm 2015 xuống 667,5 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2019. Từ năm 2020, khi nhà máy lốp radical giai đoạn 1 hết khấu hao, áp lực chi phí tài chính và khấu hao của DRC sẽ giảm mạnh.

Với Công ty cổ phần Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận (PNJ), 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng so với cùng kỳ năm 2018; hoàn thành 64% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Những cổ phiếu có dấu hiệu sáng hơn ảnh 1

Ðáng chú ý, biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính và biên lợi nhuận ròng đều được cải thiện (xem đồ thị), phần lớn đến từ việc PNJ trữ tồn kho chủ yếu là vàng, trong khi giá vàng tăng đáng kể so với cuối năm 2018.

Cuối quý III/2019, lượng hàng tồn kho của PNJ trị giá 5.892,5 tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng tài sản.

Công ty cổ phần Ðạt Phương (DPG) đang gây chú ý khi công bố phát hành trái phiếu với lãi suất 11,5%/năm, trong khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm sụt giảm.

Trong 9 tháng, DPG đạt 764,2 tỷ đồng doanh thu, 11,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 27,18% kế hoạch doanh thu và 0,21% kế hoạch lợi nhuận năm, vì hoạt động của các nhà máy thủy điện gặp khó khăn do điều kiện thủy văn bất lợi.

Tuy nhiên, khoản mục người mua trả tiền trước tăng từ 493,3 tỷ đồng lên 968,2 tỷ đồng, trong đó có 667 tỷ đồng là các khách hàng trả trước tiền mua căn hộ. Ðối ứng là chi phí xây dựng cơ bản các khu đô thị 502,2 tỷ đồng.

Theo tài liệu Ðại hội đồng cổ đông năm 2019, năm nay, DPG bắt đầu ghi nhận doanh thu bất động sản Khu đô thị Võng Nhi, với tổng diện tích 16,6 ha sẽ bàn giao.

DPG còn sở hữu một số dự án khu đô thị khác. Quỹ đất được phát triển nhờ thực hiện các dự án BT đổi đất, nên biên lợi nhuận tương đối cao khi phát triển dự án. Nhiều khả năng, doanh nghiệp này sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ dự án Võng Nhi trong quý IV/2019.

Tin bài liên quan