Những cổ phiếu chiến thắng thị trường

(ĐTCK-online) Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt (DVSC), thành viên Hội đồng Chỉ số VIR 50 Index của Báo ĐTCK viết bài này nhằm chứng minh rằng, thị trường đã bắt đầu phân hóa. Đã xuất hiện những cổ phiếu thắng thị trường và có những cổ phiếu thua thị trường. Tác giả cũng cung cấp cho NĐT cá nhân cách tính đơn giản để xác định cổ phiếu có thể thắng thị trường.

Quan niệm các cổ phiếu cùng lên, cùng xuống với thị trường không còn đúng

Có một quan niệm tồn tại trên TTCK Việt Nam trong một thời gian dài, đó là khi thị trường xuống thì tất cả cổ phiếu cùng xuống, khi thị trường lên các cổ phiếu cùng lên. Quan điểm này chỉ còn đúng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn trong ngày 22/8/2008, thông tin tăng giá xăng đã ảnh hưởng đến hầu hết các cổ phiếu trên thị trường. Còn trong những giai đoạn biến động ở mức bình thường, khi thị trường lên, có những cổ phiếu xuống hoặc đi lên ít hơn so với thị trường và ngược lại, khi thị trường xuống, có những cổ phiếu đi lên hoặc xuống ít hơn thị trường. Nghĩa là, thị trường đã có sự phân hóa cổ phiếu "xấu" và cổ phiếu "tốt". Một quan niệm nữa cũng không còn đúng là blue-chip thường là cổ phiếu tốt hơn cổ phiếu trung và nhỏ. Những phân tích dưới đây sẽ cho thấy, 50 cổ phiếu blue-chip hàng đầu không "tốt" bằng thị trường và số cổ phiếu còn lại. Chỉ có 7 trong số 35 cổ phiếu blue-chip là chiến thắng thị trường trong mọi giai đoạn, trong khi đó có đến 37 cổ phiếu trung và nhỏ thắng thị trường.

Nguyên tắc tính

Chúng tôi sử dụng giá đóng cửa do Vietstock cung cấp qua chương trình Metastock và thông tin về việc chia cổ tức (bằng tiền hoặc cổ phiếu), tách cổ phiếu do DVSC thống kê để tính giá đóng cửa điều chỉnh hàng ngày của các cổ phiếu. Sau đó tính tỷ suất lợi nhuận ngày theo công thức: Tỷ suất lợi nhuận (TSLN) = (giá đóng cửa điều chỉnh ngày sau - giá đóng cửa điều chỉnh ngày trước)/Giá đóng cửa điều chỉnh ngày trước*100%; độ rủi ro tính bằng công thức độ lệch chuẩn (công thức trong Excel là STDEVP).

Những cổ phiếu chiến thắng thị trường ảnh 2

Danh mục 50 blue-chip hàng đầu không thắng được thị trường

So sánh 100 đồng đầu tư vào các cổ phiếu tính trong VN-Index và 50 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường tính trong VIR 50 Index trong cùng thời gian, chúng ta thấy 50 blue-chip không thắng được VN-Index.

- Trong giai đoạn 1: từ ngày 2/1/2008 đến ngày 20/6/2008, đây là giai đoạn thị trường đi xuống. Đầu tư 100 đồng vào VN-Index, chúng ta còn 39,6 đồng, tỷ suất lợi nhuận -15,25%/tháng, độ rủi ro 9,25%. Đầu tư 100 đồng vào 50 blue-chip hàng đầu, chúng ta còn 37,17 đồng, tỷ suất lợi nhuận -16,2%/tháng, độ rủi ro 9,96% (xem đồ thị 1).

- Trong giai đoạn từ ngày 20/6/2008 đến ngày 18/7/2008, đây là giai đoạn "bật dậy" của thị trường. Đầu tư 100 đồng vào VN-Index, chúng ta đạt 131,97 đồng, tỷ suất lợi nhuận 30,37%/tháng, độ rủi ro 5,8%. Đầu tư 100 đồng vào 50 blue-chip hàng đầu, chúng ta đạt 124,06 đồng, tỷ suất lợi nhuận 22,85%/tháng, độ rủi ro 6,19% (xem đồ thị 2).

Rõ ràng, nếu đầu tư dàn trải vào hết 50 blue-chip, chúng ta sẽ lỗ nhiều hơn khi đầu tư vào VN-Index khi thị trường xuống và chúng ta lời (lãi) ít hơn VN-Index khi thị trường lên. Điều đó có nghĩa là thị trường và những cổ phiếu còn lại đã thắng 50 cổ phiếu hàng đầu.

Những cổ phiếu chiến thắng thị trường ảnh 3

15 cổ phiếu blue-chip thắng thị trường trong giai đoạn 1

- Nếu đưa tỷ suất lợi nhuận và độ rủi ro của VN-Index, VIR 50 Index và 50 cổ phiếu blue-chip trong thời gian thị trường đi xuống (2/1/2008 đến 20/6/2008), chúng ta sẽ được đồ thị 3.

Trên đồ thị, có 4 nhóm cổ phiếu được đặt tên A1, B1, C1, D1. Trong đó, nhóm A1 là những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn VN-Index và độ rủi ro gần bằng VN-Index; nhóm B1 là những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn VN-Index, nhưng độ rủi ro cao hơn nhiều so với VN-Index; nhóm C1 là những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn VN-Index và độ rủi ro gần bằng với VN-Index; nhóm D1 là những cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn VN-Index và độ rủi ro cao hơn nhiều so với VN-Index. Có thể nói, 15 cổ phiếu nằm trong nhóm A1 là những cổ phiếu chiến thắng thị trường trong giai đoạn từ ngày 2/1/2006 đến ngày 20/6/2008. Đầu tư vào những cổ phiếu này sẽ ít bị lỗ hơn khi đầu tư vào VN-Index hay VIR 50 Index. Đặc biệt, có 2 cổ phiếu ngoại lệ, hầu như lỗ rất ít.

Những cổ phiếu chiến thắng thị trường ảnh 4

11 cổ phiếu blue-chip thắng thị trường trong giai đoạn 2

Nếu đưa tỷ suất lợi nhuận và độ rủi ro của VN-Index, VIR 50 Index và 50 cổ phiếu blue-chip trong thời gian thị trường "bật dậy" (ngày 20/6/2008 đến ngày 18/7/2008), chúng ta sẽ được đồ thị 4.

Nhóm A2 gồm 11 cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao hơn VN-Index và độ rủi ro không cao hơn quá nhiều so với VN-Index. Có thể nói, 11 cổ phiếu nằm trong nhóm A2 là những cổ phiếu chiến thắng thị trường trong giai đoạn từ ngày 2/1/2006 đến ngày 20/6/2008. Đầu tư vào những cổ phiếu này sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn nhiều so với đầu tư vào VN-Index hay VIR 50 Index. Đặc biệt, có 2 cổ phiếu ngoại lệ, có tỷ suất lợi nhuận cao gần gấp đôi VN-Index.

Những cổ phiếu chiến thắng thị trường ảnh 5

7 cổ phiếu blue-chip thắng thị trường trong cả hai giai đoạn

So sánh 2 danh sách 15 cổ phiếu thuộc nhóm A1 và 11 cổ phiếu thuộc nhóm A2, chúng ta thấy 7 cổ phiếu nằm trong cả 2 danh sách này. Đây là 7 cổ phiếu chiến thắng thị trường trong cả 2 giai đoạn xuống và lên của thị trường. Nếu không có thông tin quan trọng, bất ngờ liên quan đến 5 cổ phiếu này thì nhiều khả năng chúng sẽ tiếp tục thắng thị trường trong tương lai. Những nhà quản lý danh mục đầu tư sẽ tiếp tục xem xét các thông số cơ bản khác để loại bớt một vài cổ phiếu, đồng thời đưa một số cổ phiếu khác vào danh mục. Sau đó, dùng các phương pháp thiết lập danh mục đầu tư, chẳng hạn như Markowitz, để tìm ra tỷ lệ đầu tư trên từng cổ phiếu nhằm tạo ra danh mục đầu tư hiệu quả. Đối với NĐT cá nhân, để đơn giản hóa, chỉ cần đầu tư theo tỷ lệ đồng đều giữa các cổ phiếu cũng sở hữu một danh mục có thể thắng thị trường. Đồ thị 5, 6 cho thấy sự chiến thắng áp đảo của danh mục 7 cổ phiếu winners.

Những cổ phiếu chiến thắng thị trường ảnh 6

Kết luận

TTCK hiện nay đã phân hóa, NĐT cần phải tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn danh mục để đầu tư. Ngoài việc nhận định xu hướng/thời điểm đúng của thị trường, NĐT nên tìm cho mình một danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu chiến thắng thị trường trong quá khứ. Sau đó, dựa vào phân tích cơ bản, những thông tin mới xuất hiện để loại bớt một số cổ phiếu không "tốt". Đối với NĐT cá nhân, danh mục đầu tư chỉ nên ở con số từ 5 - 12 cổ phiếu. Danh mục đầu tư kiểu này sẽ giúp NĐT bớt lỗ hơn thị trường khi thị trường đi xuống và lời nhiều hơn thị trường khi thị trường đi lên.