Hộ chiếu phổ thông hiện nay công dân đang sử dụng.
Cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử
Ngày 1/7, Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp loại hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn.
Trẻ trẻ em dưới 14 tuổi không được cấp loại hộ chiếu này nhưng có thể được cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn với thời hạn là 5 năm - ít hơn 5 năm so với thời hạn hộ chiếu của công dân từ 14 tuổi trở lên.
Việc đưa vào sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử làm tăng tính xác thực cho hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả, tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu (được nhanh chóng, chính xác do áp dụng kiểm soát hộ chiếu điện tử bằng cổng kiểm soát tự động - autogate).
Cục xuất nhập cảnh, Bộ Công an khuyến cáo người dân nên đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử, vì hiện nay nhiều nước trên thế giới đã ưu tiên xem xét cấp thị thực thuận tiện cho những người sử dụng hộ chiếu điện tử. Ví dụ: Đối với nước Mỹ, hộ chiếu điện tử là một điều kiện quan trọng trong hàng loạt tiêu chuẩn khi xin thị thực.
Ba hình thức kỷ luật cán bộ về hưu bị phát hiện vi phạm
Cũng có hiệu lực từ 1/7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có nhiều điểm mới, như: Bổ sung các hình thức kỷ luật với cán bộ nghỉ hưu nếu bị phát hiện vi phạm trong thời gian công tác trước đó, tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc kỷ luật.
Ba mức kỷ luật cán bộ nghỉ hưu có vi phạm gồm: khiển trách, cảnh cáo, xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Mỗi hình thức kỷ luật được gắn với hệ quả pháp lý tương ứng. Chính phủ sẽ quy định chi tiết các hệ quả pháp lý này. Cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 cũng bị xử lý theo Luật này.
Với cán bộ đương chức, Luật vẫn giữ sáu mức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Ngoài ra, Luật cũng bổ sung thêm tiêu chuẩn có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam với đại biểu Hội đồng nhân dân; số lượng Phó chủ tịch UBND xã loại II không được quá hai người, tăng thêm một người so với quy định hiện hành; giảm số đại biểu HĐND TP Hà Nội, TP HCM từ 105 xuống còn 95 đại biểu.
Nâng chuẩn đầu vào với giáo viên
Luật giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Theo quy định hiện nay, giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, giáo viên THCS có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Với quy định này, Bộ Giáo dục và đào tạo ước tính, từ ngày 1/7/2020 đến hết năm 2030, hơn 250.000 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS phải được đào tạo để nâng cao trình độ.
Một điểm mới khác trong Luật này là sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí được hỗ trợ.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu/tháng
Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/7, quy định mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).
Như vậy, mức giảm trừ để nộp thuế thu nhập cá nhân của mỗi người đã tăng lên hai triệu đồng một tháng và giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 800.000 đồng mỗi tháng so với quy định cũ.
Với mức giảm trừ mới này, Chính phủ cho biết sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.