“Share the Load” không chỉ là một ý tưởng mới cho thương hiệu mà còn là một phong trào xã hội trên toàn Ấn Độ

“Share the Load” không chỉ là một ý tưởng mới cho thương hiệu mà còn là một phong trào xã hội trên toàn Ấn Độ

Những chiến dịch truyền thông vang dội

(ĐTCK) Chiến dịch truyền thông hiệu quả không chỉ hình thành bản sắc thương hiệu, mà còn tạo ra hiệu quả kinh doanh vượt trội, thậm chí, tạo ra bước ngoặt đẳng cấp cho doanh nghiệp. Do vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến khía cạnh này và đầu tư mạnh nguồn lực cho việc xây dựng, triển khai các chiến dịch truyền thông.

Nói đến các giải thưởng lớn trong lĩnh vực truyền thông, không thể không kể đến Asian Marketing Effectiveness and Strategy Awards (AMES Awards). Đây là giải thưởng uy tín và quan trọng bậc nhất của khu vực châu Á -Thái Bình Dương tôn vinh các doanh nghiệp và các đại lý có chiến lược truyền thông hiệu quả, tạo “diện mạo” mới cho doanh nghiệp và thương hiệu.

Dưới đây là những chiến lược truyền thông đã dành được giải thưởng trong hạng mục Chiến lược tiếp thị tích hợp tại lễ trao giải AMES 2016 được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua tại Singapore. 

1. Chiến dịch “The Voice” của VISA

Hơn 130 triệu người Trung Quốc sẽ du lịch ở nước ngoài trong năm tới. Số tiền họ dự kiến chi tiêu lên tới 229 tỷ USD. Trong chuyến đi, họ sẽ sử dụng thẻ tín dụng được phát hành bởi China Union Pay thay vì VISA hay các loại thẻ khác.

Thực tế, các hành vi tiêu cực của nhiều khách du lịch Trung Quốc tại nước ngoài (thô lỗ, không tuân thủ quy định tại khu vực lịch sử, phá hoại tài sản công cộng…), đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng bởi các thông tin được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội trên toàn cầu. Điều này đã tạo nên hiệu ứng không hài lòng, thậm chí kỳ thị khách du lịch Trung Quốc. Tình trạng này tệ tới nỗi, giới chức Trung Quốc đã phải xuất bản một quyển sách hướng dẫn du lịch dành cho công dân dài 63 trang.

Trong bối cảnh đó, chiến dịch “The Voice” của VISA không chỉ nhằm mục tiêu cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng tốt hơn. Thay vào đó, VISA trao cho giới trẻ Trung Quốc một diễn đàn để cùng chấp nhận thách thức: thay đổi các thói quen xấu. Bên cạnh đó, chiến dịch đã truyền cảm hứng về việc sử dụng công nghệ di động và các mối quan hệ thương mại để du lịch theo một cách mới tốt đẹp hơn, phản ánh sự giáo dục và tri thức mà thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay nhận được.

Chiến dịch này ngay lập tức biến thành “gương mặt đại diện” cho niềm tự hào quốc gia. “The Voice” đã thành công khi có 100 triệu công dân trẻ Trung Quốc tham gia chỉ trong 2 tuần. Mặc dù, VISA dành chi phí truyền thông tại Trung Quốc ít hơn 34% so với China Union Pay, VISA vẫn tăng trưởng nhanh hơn 63% đối với doanh thu chi tiêu tại nước ngoài. Đây là chiến dịch giúp VISA giành được thị phần lớn hơn so với hãng tín dụng khổng lồ nội địa Trung Quốc. 

2. Chiến dịch Tiger Air – Infrequent Flyers

Từ khi ra mắt vào năm 2007, Tiger Airways đã giúp hàng triệu người Úc trải nghiệm dịch vụ hàng không giá rẻ, nhưng suy nghĩ của khách hàng lại định hình dịch vụ của họ ở mức “cao cấp”.

Để thay đổi suy nghĩ “chệch hướng” đó của khách hàng, Tiger Airways đã thực hiện chiến dịch Infrequent Flyers với việc khởi động chương trình khách hàng trung thành mang tên The Infrequent Flyers Club. Chương trình cung cấp những thẻ thành viên tích điểm với mẫu mã đa dạng cho những khách hàng bay không thường xuyên. Điểm thú vị là khách hàng có thể tự mình in những chiếc thẻ thành viên này. Chương trình còn thực hiện khuyến mãi, triển khai rộng rãi trên mạng xã hội, website và dựng poster tại sân bay.

Chi phí cho chiến dịch này không lớn nhưng hiệu quả mà nó đem lại không hề nhỏ, khi gần 500.000 thành viên đã đăng ký trong cơ sở dữ liệu bay không thường xuyên của hãng, nâng 5% doanh thu và đạt được tỷ lệ lợi nhuận ròng (ROI) 363 % (Dữ liệu khách hàng nội bộ 2015). 

3. Chiến dịch Ariel: Share The Load

Trong nhiều năm, Ariel luôn dẫn đầu trong danh mục các loại chất tẩy rửa cao cấp tại Ấn Độ với sự tập trung vào khả năng loại bỏ vết bẩn của sản phẩm. Nhưng khi đối thủ cạnh tranh chính, Surf, trở nên quen thuộc và dần chiếm được cảm tình với đối tượng khách hàng nữ tại các thành phố ở Ấn Độ sau chiến dịch “Dirt is Good”, Ariel cần có động thái để duy trì ngôi vị của mình.Tuy nhiên, thay vì đối đầu với địch thủ Surf, Procter & Gamble cùng Công ty agency BBDO India đã thiết lập chiến dịch “chiến đấu” với vấn đề văn hóa cấp bách hơn.

“Share the Load” không chỉ là một ý tưởng mới cho thương hiệu mà còn là một phong trào xã hội trên toàn Ấn Độ. Chiến dịch khai thác khía cạnh “phụ nữ Ấn Độ phải được đối xử tôn trọng và bình đẳng với nam giới” một cách ẩn ý qua việc kêu gọi người đàn ông “giải phóng” người phụ nữ khỏi các nghĩa vụ giặt giũ. Điều này dấy lên một cuộc tranh luận quy mô quốc gia về bất bình đẳng giới trong gia đình.

Chiến dịch này đem đến kết quả tích cực khi có 1,57 triệu người đàn ông cam kết chia sẻ công việc gia đình. Ariel cũng hưởng lợi 10 triệu USD từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Cổ phiếu của Ariel cũng tăng 60% giá trị.               

Tin bài liên quan