Cơ cấu bộ máy đã sẵn sàng
Theo Nghị định, bộ máy cơ cấu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bao gồm 9 đơn vị trực thuộc cấp vụ. Trong đó, 4 đơn vị thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành chia theo các lĩnh vực bao gồm Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng.
Cùng với các đơn vị còn lại, các vụ có nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các chức năng, nhiệm vụ khác được giao.
Với Ban lãnh đạo Ủy ban gồm Chủ tịch và tối đa 4 Phó chủ tịch, cùng gần 150 cán bộ nhân viên, chuyên viên, bộ máy này được kỳ vọng sẽ vận hành trơn tru để quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn và giá trị tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Điều này đồng nghĩa với việc Ủy ban gần như nắm giữ nguồn lực lớn nhất của Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư, sử dụng và quản lý vốn của nhà nước trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như đảm nhận việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch chiến lược tổng thể để đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Nghị định đã được 25/27 ý kiến thành viên chính phủ ghi phiếu biểu quyết thông qua và không có ý kiến khác. 1 thành viên chính phủ là Bộ trưởng Bộ Tài chính ghi phiếu biểu quyết thông qua Nghị định và có thêm ý kiến đề nghị chỉnh sửa kỹ thuật soạn thảo văn bản. Điều này cho thấy sự thống nhất cao của các thành viên chính phủ về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Ủy ban.
Cần kiểm chứng từ hiệu quả thực tế
Cho đến lúc này, dù Ủy ban đã chính thức được hoàn thiện khung khổ pháp lý, bộ máy để đi vào vận hành, nhưng vẫn còn những ý kiến e ngại về thành công của cơ quan này.
Đó là những hoài nghi ngay từ đầu về khả năng hiện thực hóa các mục tiêu và trách nhiệm lớn đã được đặt ra cho cơ quan siêu quản lý vốn, cũng như sự e dè về một mô hình mới lần đầu tiên áp dụng vào quản lý những nguồn lực tài sản khổng lồ của quốc gia.
Vì vậy, tâm lý chờ đợi, tìm kiếm một sự nghiệm chứng, khẳng định kết quả hoạt động của Ủy ban là điều dễ hiểu.
Đánh giá khá tích cực về sự ra đời của Ủy ban dù không còn sớm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, có thể kỳ vọng vào sự chuyển mình và khắc phục cơ bản những khiếm khuyết lớn trong vấn đề tách bạch giữa các chức năng quản lý, minh bạch thông tin và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước lớn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thẳng thắn chia sẻ, cần có kiểm chứng thực tế trong thời gian tới để có những uốn nắn, chỉnh đốn cho guồng máy vận hành của cơ quan này đi vào đúng quỹ đạo mục tiêu.
“Việc Nghị định quy định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể quyền và trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là điều đáng mừng. Uỷ ban này phải tập trung vào quản lý vốn, không “vừa đá bóng vừa thổi còi” như một số bộ ngành trước đây. Đây là vấn đề tốt, nhưng cần chờ đợi vận hành ra sao. Giao quyền là quan trọng nhưng khi có quyền phải thực hiện cho tốt, làm đúng, rõ ràng minh bạch thì mới có uy lực”, ông Hồ bày tỏ quan điểm.
Theo chuyên gia này, việc kém minh bạch, thông tin mập mờ, không làm đúng quy định vốn là căn bệnh cố hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Với sự ra đời của Ủy ban lần này, nếu không thực hiện quyết liệt việc tách bạch chức năng quản lý hành chính với quản lý vốn, minh bạch hóa thông tin và hoạt động thì mục tiêu cải cách quản trị của các doanh nghiệp nhà nước rút cục vẫn không thành công.
Bên cạnh đó, với tầm mức quản lý hơn 2 triệu tỷ đồng vốn và tài sản nhà nước, ngay trong giai đoạn đầu, cần đích thân lãnh đạo Chính phủ thông tuệ trong lĩnh vực này trực tiếp chỉ đạo và hỗ trợ sát sao để thực hiện đúng các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
“Sự e ngại là dễ hiểu, song vẫn cần mạnh dạn thực hiện. Tôi cho rằng, phải tiến hành mới có thể đạt được thành công như các quốc gia Singapore, Trung Quốc…
Hiện tại, chúng ta phải ủng hộ Uỷ ban, tôi tin nếu mạnh dạn làm thì 2 năm nữa có thể thực hiện tốt việc cổ phần hóa, nâng cao quản trị, phát huy vai trò quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp”, ông Hồ nhận xét.
Bên cạnh việc minh bạch hóa hoạt động và khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi của cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mục tiêu cốt lõi quan trọng khác là phải quản lý và sử dụng vốn nhà nước hiệu quả.
“Muốn vậy, cần bảo đảm tính chủ động của Uỷ ban. Điều này không chỉ cần được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban tại Nghị định, mà còn phải thể hiện trên thực tế thông qua việc giao quyền và tạo điều kiện, cơ chế chủ động cho cơ quan này trên một số lĩnh vực. Nếu không tạo cơ chế chủ động, chịu trách nhiệm cho Ủy ban thì khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, cần quy định trách nhiệm rõ ràng, giao quyền phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, các cơ chế chính sách ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, Uỷ ban có thể thực hiện quy định công khai thông tin.
Đồng thời, với vai trò là đại diện chủ sở hữu, cơ quan này hoàn toàn có thể yêu cầu doanh nghiệp xử lý, giải quyết vấn đề mà không cần phải có ý kiến từ các bộ ngành.
SCIC là “cánh tay nối dài”
Một câu chuyện được quan tâm đặc biệt khi Ủy ban đi vào vận hành là vai trò và sự đóng góp của SCIC trên cương vị “anh cả đỏ” quản lý, làm sinh sôi nảy nở giá trị tài sản và đồng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp không chuyển giao về Ủy ban.
Đánh giá tích cực sự hợp nhất của SCIC với Ủy ban Quản lý vốn, ông Hùng thể hiện sự ủng hộ và kỳ vọng việc “về chung một nhà” sẽ mang lại hiệu quả cao.
“Tôi mừng vì SCIC đã về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, vừa phát huy được những kinh nghiệm tốt trong quản lý vốn của một cơ quan đã rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, vừa có thể chuyển giao một lượng vốn rất lớn về Ủy ban và dùng vốn đó để sản xuất - kinh doanh, đầu tư hiệu quả, thay vì cho vào két sắt”, ông Hùng chia sẻ.
Dù vậy, điều cốt lõi là cần phát huy được vai trò của SCIC, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong Uỷ ban.
“Phải hiểu SCIC là công cụ và cánh tay nối dài giúp Uỷ ban trong việc đầu tư và kinh doanh vốn hiệu quả. Nghị định giao cho SCIC đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp chuyển giao từ các bộ ngành, uỷ ban đại diện cho các doanh nghiệp chủ sở hữu, trong uỷ ban có đại diện chủ sở hữu khác.
Ở đây, tôi băn khoăn liệu chúng ta có tạo nên nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn. Trách nhiệm của SCIC với công việc chung như thế nào? Vai trò của Uỷ ban với các doanh nghiệp mà SCIC đại diện chủ sở hữu ra sao? Đây là vấn đề cần rõ ràng, minh bạch để Uỷ ban hoạt động tốt, SCIC phát huy tác dụng hiệu quả”, ông Hùng nêu vấn đề.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Tiến nhìn nhận, việc SCIC tập trung về cùng 19 tập đoàn nhà nước có một số thuận lợi, khi vừa là công cụ giúp Ủy ban đầu tư và kinh doanh vốn, vừa thực hiện nhiệm vụ cung cấp vốn mồi trong trường hợp 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại thiếu nguồn lực.
“SCIC là người đưa ra vốn mồi, chịu trách nhiệm quản trị dự án, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban, đồng thời với kinh nghiệm trong việc thoái vốn, Tổng công ty hoàn toàn có thể giúp Ủy ban đảm nhận việc thoái vốn một cách hiệu quả tại các doanh nghiệp còn lại, Ủy ban không phải lo thêm việc thoái vốn ở doanh nghiệp nhỏ, có thể tập trung quản lý 18 tập đoàn lớn. Vấn đề là cần làm sao để Ủy ban vận hành phân bổ nguồn lực không chồng chéo và phát huy được SCIC như một cánh tay nối dài”, ông Tiến nhấn mạnh.