Cổ đông Tô Hồng Sơn (Hà Nội) - người thường xuyên có những đóng góp, chất vấn với Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, trong kỳ Đại hội năm nay đã có ý kiến, Công ty nên đặt lợi ích của cổ đông lên hàng đầu, nên cân đối lại nguồn lực cho các hoạt động vì cộng đồng, trách nhiệm xã hội.

Đáp từ ngay ý kiến của cổ đông “ruột”, ông Đặng Quốc Dũng đã thẳng thắn chia sẻ: “Nếu nói về lợi ích của cổ đông thì tôi là người phải quan tâm đầu tiên, vì cá nhân tôi đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của Công ty. Thậm chí, để có thể giữ lại Nhựa Tiền Phong là thương hiệu của người Việt, khi cổ đông nước ngoài thoái vốn, tôi và nhiều thành viên khác trong Ban lãnh đạo Công ty đã phải mua lại cổ phiếu với giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường”.

Theo ông Dũng, Nhựa Tiền Phong không phải là một thương hiệu kinh doanh bình thường. Nhựa Tiền Phong được sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt - Được Quốc hội đặt tên, lấy ngày sinh của Bác Hồ kính yêu là ngày thành lập và một phần vốn xây dựng nhà máy đầu tiên được trích từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi miền Bắc.

“Nhựa Tiền Phong được sinh ra từ nhân dân, do đó, thương hiệu của Nhựa Tiền Phong phải luôn hướng đến lợi ích cộng đồng. Chính điều đó đã, đang và sẽ ghi dấu ấn Nhựa Tiền Phong qua nhiều thế hệ người tiêu dùng; tạo nên giá trị thương hiệu, đảm bảo dư địa tăng trưởng và phát triển bền vững của Nhựa Tiền Phong. Từ đó, Công ty mới đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận tốt và mới đem lại lợi nhuận cổ đông và đảm bảo tốt đời sống cho người lao động”, ông Dũng nhấn mạnh.

Năm 2020, dù chịu sự tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid-19 và sức ép cạnh tranh từ đối thủ cùng ngành, Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì được thị phần ở mức xấp xỉ 60% toàn quốc, tổng sản lượng đạt trên 90.000 tấn; doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong là 4.630 tỷ đồng, lợi nhuận gộp trước thuế hơn 523 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 11% so với 2019. Nếu tính toàn bộ hệ thống Nhựa Tiền Phong trên toàn quốc thì doanh thu năm 2020 đạt gần 5.640 tỷ đồng.

Tình hình tài chính Công ty cũng có những chuyển biến tích cực, khi dư nợ vay giảm và quản lý tồn kho hiệu quả. Từ đó, HĐQT Công ty tăng mức chia cổ tức bằng tiền năm 2020 lên 25% (tăng 5% so với kế hoạch ban đầu).

Cũng dịp cuối năm 2020, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định thưởng 3 tháng lương thu nhập cho người lao động. Đó là nguồn cổ vũ lớn và thiết thực đối với những đóng góp của người lao động cho Công ty.

Ngay tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Ban lãnh đạo Công ty cũng đã thông báo tin mừng về kết quả kinh doanh quý I/2021 rất tốt, mặc dù giá nguyên liệu nhựa từ đầu năm đến nay tăng mạnh.

Cụ thể, doanh thuần là 1.061 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 153,35 tỷ, sau thuế là 130 tỷ đồng.

Trong hành trình 60 năm đã qua, dù ở bất kỳ thời điểm nào, Nhựa Tiền Phong vẫn phát huy tinh thần tương thân tương ái - một trong những truyền thống tốt đẹp của doanh nghiệp - để đóng góp cho sự phát triển cộng đồng.

Hành trình “Cầu nối yêu thương” của Nhựa Tiền Phong được triển khai từ năm 2017 cùng với hội Thiện nguyện Từ Tâm, các doanh nghiệp đồng hành đã mang những nhịp cầu nhân ái đến cho hàng chục ngàn em nhỏ tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Kết thúc năm 2020, chương trình “Cầu nối yêu thương” đã cán mốc con số 60 cây cầu sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng. Song hành với chương trình là hơn 1.000 suất học bổng được gửi trao, những hoạt động ngoại khoá được tổ chức như chương trình “Ngày vui của em”, “Xuân ấm áp hi vọng”... Theo kế hoạch, hết năm 2021, số cầu của chương trình “Cầu nối yêu thương” sẽ cán mốc con số 90.

Ngày 27/10/2020, Nhựa Tiền Phong và Deloitte Việt Nam cũng đã ký hợp tác thành lập Quỹ Cánh Diều xanh - Blue Kite Foundation (BKF) để hỗ trợ, đồng hành với Bộ đội Biên phòng trong chương trình “Nâng bước em đến trường và Con nuôi của Đồn” và hỗ trợ chương trình “Nâng cao chất lượng điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn 2020 - 2022”. Hàng chục bệnh nhi mắc tim bẩm sinh cũng đã được phẫu thuật từ nguồn đóng góp của Nhựa Tiền Phong cho chương trình “Trái tim cho em”...

Năm 2020, Nhựa Tiền Phong đã ủng hộ kinh phí chống dịch trên 3 tỷ đồng qua các quỹ của Trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể; chia sẻ nỗi đau và khó khăn với người dân miền Trung trong bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ khi trực tiếp đi cứu trợ tặng 1.200 suất quà kịp thời cho bà con tại Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh.

Phân tích báo cáo tài chính của Nhựa Tiền Phong năm 2020 và so sánh với các năm trước đó, dễ dàng nhận thấy “sức khoẻ” tài chính của công ty vẫn ngày càng tốt.

Năm 2020, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 3.895,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 684,4 tỷ đồng, tương đương 29% đến từ việc giảm mạnh hàng tồn kho ngắn hạn (giảm 429,6 tỷ đồng, tương đương 40%). Tài sản dài hạn tăng quy mô với mức tăng 27,5 tỷ đồng (tương đương 1,3%).

Cơ cấu nguồn vốn giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty trong giai đoạn 2017-2018 là cân đối. Đến năm 2019 - 2020, tỷ trọng vốn chủ sở hữu đã tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 2018, tỷ trọng này là 46,2% thì đến năm 2019 đã tăng thành 56,5% và 66,5% vào năm 2020. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu năm 2020 đã gấp đôi so với nợ phải trả, điều này phản ánh sự an toàn về mặt tài chính cũng như sự chủ động về vốn của Công ty.

Khả năng thanh khoản của Công ty tương đối tốt do cả Hệ số khả năng thanh toán tổng quát và khả năng thanh toán hiện thời đều ở mức cao, lần lượt là trên 2% và trên 1% giai đoạn 2019-2020.

Năng lực sản xuất của Nhựa Tiền Phong hiện có quy mô lớn nhất cả nước với hệ thống các kênh phân phối bao phủ các tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Nhựa Tiền Phong hiện nay sở hữu 03 nhà máy hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn/năm.

Công ty tập trung xây dựng mạng lưới phân phối rộng và phủ khắp cả nước với tổng 09 Trung tâm phân phối, hơn 300 đơn vị bán hàng và gần 16.000 điểm bán hàng. Đây là một lợi thế vô cùng lớn của Nhựa Tiền Phong, đồng thời cũng là điểm tựa vững chắc cho việc phát triển mạng lưới tiêu thụ của công ty ngày một hoàn thiện và mở rộng. Sản phẩm của Nhựa Tiền Phong ngày càng được đa dạng hóa với các tính năng vượt trội, luôn đi tiên phong về chất lượng.

Nếu năm 2004, ống chịu nhiệt PP-R được ra đời theo tiêu chuẩn DIN 8077:2008-09 & DIN 8078:2008-09 và là đơn vị đầu tiên sản xuất ống uPVC đến cỡ 800; thì đến năm 2016, với mức đầu tư 150 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE DN2000 và ống PE/PP gân sóng 2 lớp đến DN800 được đưa vào hoạt động theo công nghệ châu Âu. Nhờ đó, Nhựa Tiền Phong trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam và châu Á làm chủ dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE đường kính lớn đến 2000mm. Đến năm 2017 - 2018, Nhựa Tiền Phong tiếp tục mạnh dạn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho các dây chuyền sản xuất ống HDPE và PP-R; ống PVC; sản xuất ống phụ tùng PVC và PP-R; dây chuyền sản xuất ống PP-R DN20 - DN63; ...

Năm 2019, doanh nghiệp tiếp tục phát triển dòng sản phẩm ống và phụ tùng thoát nước uPVC tiêu chuẩn quốc tế ISO 3633, tạo giải pháp tổng thể cho hệ thống thoát nước dân dụng. Ngoài ra, các sản phẩm sử dụng cho hệ thống cấp nước cũng được ra mắt đến người tiêu dùng như ông gân sóng PE/PP 2 lớp; Phụ tùng hàn điện trở HDPE; van cầu lắp ghép; ống nhựa xoắn HDPE 1 lớp ...

Năm 2020, Nhựa Tiền Phong tiên phong trong việc nghiên cứu giải pháp mới cho thoát nước trục đứng nhà cao tầng và cho ra mắt sản phẩm ống uPVC lõi xoắn trên dây chuyền công nghệ của tập đoàn Sekisui với nhiều tính năng vượt trội so với sản phẩm uPVC thông thường. Thêm vào đó, Công ty còn sản xuất thành công Vách PE để đáp ứng được nhu cầu lắp dựng thành các hồ chứa dự trữ nước ngọt tại các khu vực hạn hán, ngập mặn, phục vụ nuôi trồng thủy, hải sản. Điều này đã mở ra một thị trường mới rộng lớn cho Nhựa Tiền Phong.

Định hình Nhựa Tiền Phong trong chiến lược phát triển dài hạn, ông Dũng cho biết: “Nhựa Tiền Phong sẽ luôn là nhà sản xuất các sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, chiếm lĩnh ít nhất 60% thị phần cả nước”. Công ty sẽ tiếp tục cải thiện các chỉ số tài chính tăng ít nhất 10% so với các chỉ số hiện tại, trở thành doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ USD (23.000 tỷ VNĐ) vào năm 2040.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất kinh doanh ống và phụ tùng nhựa xây dựng, Nhựa Tiền Phong hiểu rõ sản phẩm của mình có tác động tới sức khoẻ của người tiêu dùng. Do đó, từ nhiều năm nay, sản phẩm của Nhựa Tiền Phong đều được sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh và loại bỏ chất phụ gia chì thay bằng kẽm, thiếc không độc hại, trong các sản phẩm uPVC của công ty; sản phẩm ống HDPE không có chất phụ gia.

Ngoài ra, việc Công ty nghiên cứu và đưa vào sản xuất chất ổn định thiếc từ nhiều năm đối với ống và phụ tùng nối ống uPVC nhằm đảm bảo sức khỏe đối với người tiêu dùng cũng là một hành động có ý nghĩa lớn. Bên cạnh đó, để sản xuất bền vững và thân thiện môi trường, Nhựa Tiền Phong đã áp dụng nhiều hệ thống quản lý tiên tiến, như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, hệ thống quản lý môi trường 14001:2015, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018, hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp 45001:2018...

Công ty cũng lựa chọn các nhà cung cấp hàng đầu về trang thiết bị hiện đại như Battenfield Cincinatti, Corma,... để xây dựng quy trình tự động hoá khép kín, giảm thiểu tối đa sự phát thải ra ngoài môi trường. Ngoài ra, Nhựa Tiền Phong còn áp dụng phần mềm Bravo trong việc quản lý đơn hàng và sản xuất để có kế hoạch phù hợp, tránh lãng phí nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và tận dụng vận chuyển bằng phương tiện một cách hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong luôn hướng tới việc thúc đẩy các sáng kiến và hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia như Iplex, Sekisui,... trong việc phát triển công nghệ để cung cấp ra thị trường những vật liệu xanh, gia tăng chất lượng cho các công trình, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Trước khi được tiêu thụ, các sản phẩm đều được kiểm tra và phải đạt chất lượng khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO, QUACERT...

“Với việc luôn tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm xanh, “Tiên phong xanh” đã chính thức trở thành chủ đề hoạt động của năm 2021 - năm đầu tiên trong hành trình 60 năm tiếp theo của Nhựa Tiền Phong và sẽ gắn bó với Nhựa Tiền Phong nhiều năm sau nữa ”, ông Dũng khẳng định.