Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc giảm 20% do sự lây lan của virus corona, OPEC+ chuẩn bị họp khẩn

(ĐTCK) Theo Bloomberg, nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc đã giảm ba triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% tổng lượng tiêu thụ, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang rơi vào khủng hoảng do sự lây lan của virus corona.

Bloomberg cho biết, đây là mức giảm nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trên thị trường dầu mỏ toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 và cũng là sự suy giảm đột ngột nhất sau cuộc suy thoái do vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.

Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới kể từ năm 2016, do đó, bất kỳ thay đổi nào đối với tiêu dùng của Trung Quốc đều có tác động rất lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu.

Quốc gia này tiêu thụ khoảng 14 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương với tổng nhu cầu tiêu thụ của Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Theo truyền thống, trong kỳ nghỉ lễ năm mới, nhu cầu nhiên liệu cho ô tô và máy bay tăng lên khi hàng trăm triệu người Trung Quốc trở về nhà hoặc đi du lịch, nhưng hiện tại, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đang bị tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh

Tuần trước, việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ vào Trung Quốc từ Mỹ Latinh đã dừng lại, nguồn cung từ Tây Phi cũng giảm. Sản lượng lọc hóa dầu tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cũng có thể giảm 15-20% trong tương lai gần, các nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Theo lãnh đạo của các công ty dầu khí ở Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu của họ đang phải lưu trữ xăng và nhiên liệu cho động cơ phản lực do không thể bán được và có thể sớm đạt đến giới hạn lưu trữ trong bối cảnh hiện tại.

Tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc Sinopec đã cắt giảm 13-15% sản lượng tinh chế tại các nhà máy của tập đoàn và có kế hoạch cắt giảm thêm vào ngày 9/2 tới.

Trước đó ít ngày, OPEC và Ủy ban kỹ thuật chung không phải OPEC (JTC) đã chốt lịch họp vào ngày 4 - 5/2, thay cho lịch định kỳ vốn sẽ diễn ra vào 5 - 6/3 tại Vienna, để đánh giá tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Các quốc gia OPEC lo ngại, tình trạng lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, bắt nguồn Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong bối cảnh các hãng hàng không tạm dừng khai thác các chuyến bay đến Trung Quốc.

Cuối tuần trước, lần đầu tiên giá dầu thô Brent sàn giao dịch ICE ở London giao dịch với với giá 55,93 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 7/8/2019. Giá dầu thô WTI cũng giảm xuống còn 51,14 USD/thùng.

Tính chung trong tháng 1, giá dầu thô WTI giảm 15,56%, còn giá dầu thô Brent cũng mất tới 14,95%, chấm dứt chuỗi 2 tháng tăng liên tiếp. Đây cũng là tháng giảm tồi tệ nhất của giá dầu thô Mỹ trong 8 tháng, còn đối với giá dầu thô Brent là 15 tháng.

Theo Bloomberg, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 10%, dầu thô WTI giảm 12% kể từ ngày 20/1, khi thị trường bắt đầu phản ứng với cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lây lan.

Nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc giảm 20% do sự lây lan của virus corona, OPEC+ chuẩn bị họp khẩn ảnh 1

Giá dầu thô WTI lao dốc trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus corona hoành hành tại Trung Quốc. Nguồn: TradingView.

So với mức đỉnh hồi đầu tháng 1/2019 là 65,65 USD/thùng, khi Iran phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, thì giá dầu WTI đã giảm 21,4%.

"Rõ ràng, tình hình ở Trung Quốc đã trở thành “sự kiện thiên nga đen” trên thị trường dầu mỏ. Trước khi bùng phát dịch bệnh viêm phổi, vẫn còn một số hy vọng cho sự gia tăng nhu cầu dầu, nhưng hiện tại, tất cả đã trở nên vô vọng. OPEC+ cần phải hành động. Nếu không tiếp tục giảm sản lượng, giá dầu vẫn sẽ lao dốc", John Kilduff, chuyên gia Again Capital LLC New York nhận định.

Tin bài liên quan