Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn

Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được dự báo còn nhiều dư địa phát triển và sẽ ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, an toàn, bền vững.

Từ năm 2021, các Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020/NĐ-CP liên quan đến thị trường trái phiếu tiếp tục tạo khung pháp lý thống nhất về TPDN chính thức có hiệu lực, tập trung phát triển thị trường TPDN theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia...

Đặc biệt, phân biệt giữa trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch, được đánh giá là bước chuẩn hóa thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú (SSI Research), Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã gỡ bỏ các điều kiện đối với tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ vốn gây cản trở nhiều nhất tại quy định cũ (dư nợ TPDN không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, các đợt phát hành cách nhau tối thiểu 6 tháng).

Yếu tố bất lợi đối với phát hành TPDN riêng lẻ là quy định sân chơi cho TPDN phát hành riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngoài các tổ chức còn bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhưng phải có giá trị danh mục chứng khoán trên 2 tỷ đồng hoặc điều kiện khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường TPDN sẽ kém sôi động, trong đó, hình thức phát hành công chúng được cải thiện, còn phát hành riêng lẻ dù chiếm tỷ trọng chủ yếu nhưng khả năng sẽ chững lại do các quy định về phát hành có phần chặt chẽ hơn.

Ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm Cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, các quy định về phát hành và đầu tư/mua TPDN được thắt chặt hơn, các doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn qua các kênh khác. Việc này sẽ tác động đến số lượng phát hành trái phiếu trong năm 2021.

“Tuy nhiên, ghi nhận tại SSI, nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn rất lớn, tại hầu hết lĩnh vực, ngành nghề. Đây đều là những doanh nghiệp có chất lượng tốt nên nhu cầu đầu tư cho những trái phiếu này vẫn rất cao”, ông Lâm cho biết.

Bà Tú nhận định, kênh tín dụng ngân hàng hiện vẫn là kênh cung ứng vốn chính cho các doanh nghiệp nên luôn được các doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, thị trường tài chính càng phát triển, nhu cầu huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng do vốn trái phiếu có tính dài hạn, ổn định hơn vốn vay ngân hàng. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hiện nay, nhu cầu đầu tư TPDN vẫn còn rất lớn.

Thực tế, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, 2 - 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3 - 4%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng… Dù dư địa giảm lãi suất được đánh giá không còn nhiều, nhưng sẽ được duy trì nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Chính điều này khiến các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm thêm kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, trong đó có TPDN, với mức lãi suất phổ biến 10 - 12%/năm như năm 2020.

Theo bà Tú, có khả năng một bộ phận doanh nghiệp sẽ chuyển sang phát hành trái phiếu ra công chúng để tiếp cận các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng phát hành riêng lẻ sẽ vẫn chiếm tỷ trọng cao.

Các doanh nghiệp tốt sẽ hấp dẫn và có thể huy động được vốn trái phiếu với lãi suất tốt hơn những năm 2019, 2020 do không phải chạy đua lãi suất với các tổ chức phát hành kém chất lượng, bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp được đánh giá là có đủ khả năng đánh giá rủi ro và mức sinh lời.

Về tính thanh khoản, hiện nay, một số công ty chứng khoán đang thực hiện việc tạo lập thị trường cho trái phiếu do chính công ty phân phối, thậm chí tạo được sàn giao dịch trái phiếu có thanh khoản tốt. Đơn cử, sản phẩm S-BOND của SSI được tổ chức mua bán hàng ngày, tạo thanh khoản và nhà đầu tư giao dịch trực tuyến dễ dàng qua nền tảng SSI iBoard.

Được biết, S-BOND là dòng trái phiếu được SSI xây dựng nhằm chia sẻ cơ hội đầu tư với các nhà đầu tư cá nhân với các tiêu chí đánh giá, thẩm định trái phiếu, từ tổ chức phát hành đến tài sản đảm bảo... khá khắt khe.

Danh mục S-BOND vừa được bổ sung 330 tỷ đồng trái phiếu TNH - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng, sở hữu thương hiệu chuỗi khách sạn SOJO.

Theo SSI, dù đây là lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định và có tham vọng mở rộng chuỗi khách sạn trong thời gian tới. Để tăng tính an toàn cho nhà đầu tư, trái phiếu có thêm cam kết mua lại từ bên thứ ba và cam kết này được bảo đảm bởi cổ phiếu Ngân hàng Hàng hải (MSB).

Tin bài liên quan