Ảnh minh họa. Nguồn: wortfm.org
Theo JODI, mức tiêu thụ dầu mỏ trung bình của thế giới trong sáu tháng đầu năm 2015 lên đến 71,4 triệu thùng/ngày, tăng 2,3 triệu thùng/ngày (3,3%) so với mức 69,1 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm trước.
JODI là đối tác giữa Diễn đàn Năng lượng quốc tế có trụ sở tại Riyadh, Saudi Arabia với sáu cơ quan thống kê quốc tế và khu vực gồm Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Năng lượng Mỹ Latinh (OLADE) và Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc (UNSD).
Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng mức tăng này, với mức tiêu thụ tăng 1,3 triệu thùng/ngày (hơn 13%). Một số nước khác có nhu cầu dầu mỏ tăng đáng kể như Mỹ (470.000 thùng/ngày), Ấn Độ (205.000 thùng/ngày), Thổ Nhĩ Kỳ (180.000 thùng/ngày), Saudi Arabia (115.000 thùng/ngày)...
Các nước có mức tiêu thụ dầu mỏ tăng thấp hơn bao gồm Đức (20.000 thùng/ngày), Pháp (18.000 thùng/ngày), Anh (29.000 thùng/ngày), Italy (74.000 thùng/ngày), Tây Ban Nha (26.000 thùng/ngày), Argentina (40.00 thùng/ngày) và Ba Lan (40.000 thùng/ngày).
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu rẻ cũng đang tác động tới ngườitiêu dùng với tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2015 đang hướng tới mức cao nhất trong 5 năm qua.
Trong khoảng 18 tháng qua, thị trường dầu mỏ đã chịu sự chi phối của chính sách ngày càng minh bạch hơn của Saudi Arabia - quốc gia thành viên chủ chốt của OPEC - nhằm bảo vệ vị thế trước sự nổi lên của các nhà sản xuất dầu đá phiến đang thay đổi cục diện thị trường dầu thế giới bằng cách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu.