Thêm nhiều doanh nghiệp lên niêm yết
Trong 2 tuần đầu tháng 1/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ký quyết định chấp thuận niêm yết cho 4 doanh nghiệp (hiện HNX có 376 thành viên niêm yết, với tổng cộng hơn 12,7 tỷ cổ phiếu).
Trong đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, dự kiến niêm yết 35 triệu cổ phiếu trong tháng 1/2019, với mã chứng khoán TAR. Hoạt động chính của Công ty là kinh doanh, xay xát gạo và xuất khẩu gạo, sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại thị trường châu Á.
TAR hiện là đối tác chiến lược của Công ty VinEco thuộc Vingroup trong việc sản xuất sản phẩm gạo sạch. Doanh nghiệp đang sở hữu 6 nhà máy tại Cần Thơ. Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2018, Công ty đạt doanh thu 1.134,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 114% và 394% so với cùng kỳ năm 2017.
Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà được chấp thuận niêm yết 5 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán SHE, dự kiến sẽ lên sàn trong quý I/2019. Cũng trong quý I, Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam sẽ niêm yết 8,8 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán VHE và Công ty cổ phần Pin Hà Nội sẽ niêm yết hơn 7,25 triệu cổ phiếu, với mã chứng khoán PHN.
Lãnh đạo HNX chia sẻ, số lượng doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết thường gia tăng ở giai đoạn cuối năm, nên số doanh nghiệp chào sàn trong giai đoạn đầu nằm sẽ tăng tương tự. Hiện nay, các doanh nghiệp sau khi IPO đã tuân thủ tốt hơn quy định đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ và được chấp thuận, chỉ quan sát thêm diễn biến của thị trường để đưa cổ phiếu lên sàn.
Ðộng thái chuyển sàn của doanh nghiệp lớn
Theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), số lượng cổ phần niêm yết mới dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2019, trong đó có nhiều doanh nghiệp chuyển từ UPCoM sang.
Ngày 14/1, hơn 2,34 tỷ cổ phiếu POW của Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP chào sàn HOSE, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.900 đồng/cổ phiếu.
Việc niêm yết trên HOSE được dự báo sẽ hỗ trợ POW trong công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước sẽ thoái vốn tại POW xuống 51% trong năm 2018 và từ năm 2019 sẽ thoái xuống dưới mức chi phối, tùy theo tình hình tái cấu trúc các khoản tín dụng liên quan đến Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Năm 2019 được nhìn nhận là một năm có nhiều triển vọng với tổng công ty này, khi tỷ giá sẽ dự báo ổn định, nhu cầu điện gia tăng (nhu cầu phụ tải điện dự báo tăng từ 8 - 12% đến năm 2025), bên cạnh đó là việc cải cách và mở cửa thị trường điện cạnh tranh.
Lợi nhuận của POW có khả năng tăng trưởng, nhất là khi một số nhà máy hết khấu hao như Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 hết khấu hao trong năm 2019, Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 hết khấu hao lần lượt trong năm 2019 và 2020.
Trước đó, ngày 2/1, HOSE đã chấp thuận cho Tổng công ty Viglacera - CTCP (VCG) niêm yết tại Sở. VCG có vốn điều lệ hơn 4.483 tỷ đồng, đang niêm yết trên HNX, dự kiến chào sàn HOSE trong quý I/2019.
HOSE cũng đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) từ cuối năm 2018, hiện HVN đang hoàn tất các thủ tục để chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang giao dịch trên HOSE. Tổng công ty có vốn điều lệ 14.183 tỷ đồng, tương ứng gần 1,42 tỷ cổ phiếu.
Ở khối tài chính, một số ngân hàng trên UPCoM đang khởi động lại kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE như Ngân hàng Quốc tế (VIB), Ngân hàng Kiên Long (KLB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB)… Ngoài ra, Ðại hội đồng cổ đông năm 2018 của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) có đề cập đến kế hoạch niêm yết trên HOSE trong quý I/2019.
Năm ngoái, các cổ phiếu niêm yết mới hoặc chuyển sàn hầu hết đều nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, khi thị giá có diễn biến tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện nay được nhìn nhận có cái nhìn sát với thực tế hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, chứ thông tin lên sàn không còn hỗ trợ nhiều cho giá cổ phiếu.