Nhóm lợi ích: Rào cản cải cách kinh tế Trung Quốc

Nhóm lợi ích: Rào cản cải cách kinh tế Trung Quốc

(ĐTCK) Các lãnh đạo đảng tại Trung Quốc đã mất nhiều tháng để viết ra kế hoạch cải cách kinh tế. Nhưng việc đưa chúng vào cuộc sống, thông qua hệ thống thừa hành rộng lớn, từ Bắc Kinh đến khắp các vùng miền trên cả nước, sẽ tốn thời gian hơn nhiều.

Dưới hệ mô thức Đảng thiết lập định hướng chính sách chung, còn cơ quan chính phủ các cấp có trách nhiệm đưa những định hướng đó vào thực tiễn.

Nhưng trong một bộ máy hành chính khổng lồ, với đầy rẫy xung đột lợi ích và đố kỵ, nhiều bộ, ngành của Trung Quốc thường không muốn thay đổi hiện trạng, vốn đang mang lại bổng lộc cho họ.

“Thực thi cải cách là một công việc gian truân”, Stephen Green, nhà kinh tế của Standard Chartered nói. “Ở đâu cũng vậy, các nhà cải cách luôn có ý tưởng rõ ràng, nhưng cái khó là mang nó vượt qua các nhóm lợi ích”.

Tờ báo uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, từng viết, việc thực thi quá trình tự do hóa chính sách một con (cho phép mỗi cặp vợ chồng giờ đây có thể có 2 con), sẽ phụ thuộc vào các tỉnh hơn là chính quyền trung ương. Chính quyền các địa phương lớn có lẽ không ưa chính sách mới này, vì họ vẫn đang thu được hàng tỷ đô la từ tiền phạt các cặp vợ chồng “chót” sinh con thứ.

“Trong khi mất đi một khoản thu tương đối, họ giờ đây sẽ phải có trách nhiệm xây thêm nhiều trường học và bệnh viện để thích ứng với điều kiện tăng sinh”, tờ Nhân dân Nhật báo nói.

Bản kế hoạch chi tiết dài 20 trang phác thảo những thay đổi toàn diện trong nền kinh tế, đưa Trung Quốc phát triển dựa trên các lực lượng thị trường nhiều hơn và mở cửa các lĩnh vực đã đóng trước đây cho khu vực tư nhân và nước ngoài. Mặc dù vậy, có rất ít nhà phân tích thị trường thay đổi dự đoán của mình về tăng trưởng năm 2014.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi thông điệp rằng, họ sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng chậm hơn để đổi lấy tăng trưởng bền vững hơn khi các cải cách được thực hiện, và một số nhà kinh tế đã tính đến điều này trong các mô hình dự báo, với kết quả là tăng trưởng có thể bắt đầu giảm từ năm nay.

Nhóm lợi ích: Rào cản cải cách kinh tế Trung Quốc ảnh 1

Các lãnh đạo đảng tại Trung Quốc đã mất nhiều tháng để viết ra kế hoạch cải cách kinh tế.

Tính đến hết quý III/2013, tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quá khứ, khi các lãnh đạo Đảng sử dụng Hội nghị Trung ương 3 để thiết lập các cải cách kinh tế quan trọng, như các năm 1978 và 1993, tăng trưởng đều chậm lại một thời gian sau đó.

Qu Hongbin, nhà kinh tế của HSBC Trung Quốc dự đoán, quá trình triển khai các cải cách kinh tế “sẽ mất từ 1 đến 3 năm, chứ không thể chỉ 1 đến 3 tháng”.

Trên thực tế, những nỗ lực trong những năm gần đây nhằm thực hiện các điều chỉnh lớn về cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đã thất bại. Năm 2007, Thủ tướng đương thời Ôn Gia Bảo đã gán cho nền kinh tế Trung Quốc 4 đặc điểm là “bất ổn định, bất cân đối, bất đồng bộ và bất khả kháng” - thường được gọi là “tứ bất” - và kế hoạch 5 năm 2006 - 2011 đặt tham vọng xử lý 4 vấn đề này.

Nhưng Trung Quốc hầu như không đạt được tiến triển gì trong việc lập lại cân bằng cho nền kinh tế - theo hướng ít phục thuộc hơn vào đầu tư và xuất khẩu và phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa - trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 đã thúc giục ông Ôn Gia Bảo đưa ra một gói kích thích quy mô lớn để vực dậy tăng trưởng dựa trên đầu tư mạnh vào bất động sản và kết cấu hạ tầng, điều đã khiến nền kinh tế càng lún sâu vào “tứ bất”.

Một số lĩnh vực có thể sẽ được ưu tiên cải cách, trong đó phải kể đến lĩnh vực tài chính. Kế hoạch cải cách kêu gọi thiết lập nên một hệ thống bảo hiểm tiền gửi ngân hàng, hiện đang được xem xét bởi Hội đồng quốc gia, cơ quan quyết sách hàng đầu của Chính phủ. Bảo hiểm tiền gửi được biết đến như một bước khởi đầu để các ngân hàng được cạnh tranh về lãi suất huy động và cho phép các dòng vốn được tự do ra - vào Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu lĩnh vực tài chính được cải cách sớm hơn các lĩnh vực khác, nó có thể tạo nên một sự bùng nổ về tín dụng, mà rốt cuộc sẽ trở thành mối nguy hại đối với nền kinh tế, điều mà Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nền kinh tế khác từng trải qua.

Trong những nội dung cải cách khác, có việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Kế hoạch của lãnh đạo Trung Quốc là nâng tỷ lệ chia cổ tức của các doanh nghiệp nhà nước, với mục tiêu 30% vào năm 2020. Tỷ lệ này hiện dao động trong khoảng 5 - 15% và nhìn chung, Chính phủ không lấy về khoản đó, mà dùng để xử lý các doanh nghiệp có vấn đề.

Một số doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nằm trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới. Các tập đoàn này, cùng các công chức giám sát chúng, hiện đang phản đối kịch liệt kế hoạch cải cách của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.   

>>Trung Quốc bắt đầu cải cách từ khối DNNN

>>Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro trung hạn

>>Trung Quốc mở thêm ngân hàng tư nhân