Phiên cuối tuần qua có tới 168 mã giảm điểm, mặc dù chỉ số vẫn tăng nhẹ, kịch bản này khiến nhiều NĐT lo ngại có sự đỡ giá cổ phiếu lớn và kéo chỉ số xanh để xả hàng

Phiên cuối tuần qua có tới 168 mã giảm điểm, mặc dù chỉ số vẫn tăng nhẹ, kịch bản này khiến nhiều NĐT lo ngại có sự đỡ giá cổ phiếu lớn và kéo chỉ số xanh để xả hàng

Nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng đề nghị xem xét lại Thông tư 36

(ĐTCK) Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên nhóm chuyên gia cố vấn cho Thủ tướng Chính phủ nói rằng, có một số điểm liên quan đến cho vay chứng khoán trong Thông tư 36 chưa hợp lý. Nhóm chuyên gia đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị xem xét giãn lộ trình thực hiện một số điểm trong Thông tư 36.

Bước tiến về ngân hàng, bước lùi cho chứng khoán

Ông Nghĩa nói: Mục tiêu lớn nhất khi ban hành Thông tư 36 là xử lý vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra những bất ổn trong hệ thống ngân hàng thời gian qua. Trong con mắt của giới chuyên gia kinh tế, đây là thông tư quyết liệt nhất để ngăn chặn vấn đề sở hữu chéo và các ông chủ ngân hàng dùng tiền nhà băng cho vay. Lần đầu tiên, chúng ta có văn bản pháp lý để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn ở các ngân hàng.

Thông tư cũng hỗ trợ thị trường bất động sản, cho phép các ngân hàng có điều kiện tái cấu trúc nợ trung, dài hạn, giảm tỷ lệ trích lập rủi ro tài sản từ bất động sản từ 250% xuống 150%.

Tuy nhiên, với chứng khoán, chúng tôi nhìn nhận rằng, có những điểm bất hợp lý và cần được xem xét lại.

Theo tính toán của chúng tôi, trong số 17.000 tỷ đồng vốn margin trên thị trường, các ngân hàng cho vay khoảng 12.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, hầu hết tiền sử dụng cho margin đều từ các ngân hàng ra. Cụ thể, nếu trừ đi 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh không cho vay chứng khoán, các ngân hàng nước ngoài không cho vay chứng khoán, khoảng 30.000 tỷ đồng vốn điều lệ của các ngân hàng không đủ điều kiện cho vay chứng khoán. Còn khoảng 160.000 tỷ đồng vốn điều lệ được tính toán để cho vay margin.

Hiện các quy định cho phép sử dụng 20% vốn điều lệ cho vay chứng khoán, nhưng hiện các ngân hàng cho vay chưa đến 10% (tạm tính là 12.000 tỷ đồng). Theo quy định mới, các ngân hàng cho vay chỉ còn khoảng 8.000 tỷ đồng.

Cần lưu ý thêm là, 8.000 tỷ đồng trên đã được quay vòng rất lớn trên thị trường nên đã góp phần tạo ra thanh khoản cho thị trường vượt trội (năm 2014 tăng 90% so với năm 2013). Hiển nhiên, nếu cho vay margin giảm từ 17.000 tỷ đồng xuống 13.000 tỷ đồng thì thanh khoản thị trường sẽ giảm mạnh.

Thị trường đảo chiều đang ảnh hưởng rất mạnh tới kế hoạch lên sàn của nhiều doanh nghiệp cũng như kế hoạch huy động vốn của các doanh nghiệp.

Một hệ quả nữa, chúng ta không thể phủ nhận, là sự thay đổi đột ngột này đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như quý I họ có xu hướng mua ròng nhẹ, quý II/2014 mua ròng thì quý III họ bán ròng 50 triệu USD, quý IV là khoảng 70 triệu USD. Diễn biến này ngược hẳn với năm trước. Nếu như năm ngoái nhà đầu tư nước ngoài mua ròng các quý cuối năm thì năm nay họ lại gia tăng bán ròng.

Có thể nói rằng, Thông tư 36 đã và sẽ tác động rất lớn tới TTCK. Trước tình hình đó, tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cẩn trọng riêng vấn đề này (cho vay chứng khoán). Chúng tôi đã làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước để trao đổi lại vấn đề này. Hiện các quy định khác trong Thông tư 36 tạo được sự đồng thuận cao, nhưng riêng vấn đề cho vay chứng khoán đang bỏ ngỏ, để tiếp tục được xem xét.

Thị trường đang lo đối phó

Trong khi đó, trên TTCK, không ít CTCK đã thông báo với các nhà đầu tư rằng, họ chỉ được ký vay margin đến 31/1/2015. Tuần qua, ACBS thông báo cắt giảm margin hàng loạt cổ phiếu. Tin này đã thổi bùng áp lực bán tại hầu hết các nhóm cổ phiếu.

Điều này được cho là nhằm chuẩn bị các điều kiện tuân thủ các quy định của Thông tư 36, bên cạnh việc thị trường giảm mạnh, cho vay có nhiều rủi ro. Với thông điệp như vậy, các nhà đầu tư chỉ có hai lựa chọn: tìm thêm các nguồn tiền bên ngoài để bổ sung vào tài khoản hoặc phải bán chứng khoán để sẵn sàng cho thời điểm trên. Với những nhà đầu tư sử dụng margin, phương án 1 hầu như không khả thi. Đó là với các khoản cho vay hiện hữu. Cho vay mới, chắc chắn các CTCK không thể có đủ nguồn để cung cấp cho nhà đầu tư.

Để chuẩn bị thêm nguồn lực cho vấn đề này, một số CTCK như SSI, VCBS, SHS… đã lên kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, theo tính toán của chính các CTCK, từ khi có kế hoạch đến khi có đồng vốn để hỗ trợ nhà đầu tư, thời gian nhanh nhất cần khoảng 4 - 6 tháng.

Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 3 tháng, Thông tư 36 sẽ có hiệu lực. Đó là chưa kể với sự bất ổn định của TTCK như thời gian qua, để thuyết phục được nhà đầu tư bỏ vốn vào các CTCK và chứng minh rằng, đồng vốn đó sẽ an toàn và sinh lời hiệu quả là không dễ. Một số CTCK lớn tính bài để lại lợi nhuận kiếm được trong năm nay dùng làm nguồn hỗ trợ dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư.

Phương án này nếu được thực hiện sẽ gây bức xúc lớn cho các cổ đông của CTCK vì họ đầu tư cả năm mà không được hưởng cổ tức. Đồng thời, chưa biết việc cho vay có sinh lời hay ẩn chứa nhiều rủi ro.

Tổng giám đốc một CTCK lớn nói rằng, nếu để các CTCK tự xoay xở nguồn vốn để làm dịch vụ margin cho nhà đầu tư, chi phí sẽ rất cao so với sử dụng nguồn từ ngân hàng. Đơn cử, huy động vốn từ trái phiếu, một mặt CTCK phải trả lãi suất cao (mới phát hành thành công), một mặt phải chịu cả tiền lãi trong những thời điểm vốn chết (thị trường biến động nhà đầu tư không sử dụng margin).

Trong khi đó, nếu hợp tác với ngân hàng, dòng vốn liên tục luân chuyển, thời gian vay - trả linh hoạt, CTCK không chịu lãi suất cho thời gian vốn chết. Về mặt bản chất, các CTCK cũng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ, chứ không phải các định chế tài chính chuyên nghiệp, quản trị dòng tiền, quản trị một lượng vốn lớn, không phải không có rủi ro.

Lo ngại xanh vỏ đỏ lòng

Diễn biến giao dịch trên thị trường tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, trong đó, lớn nhất là về tình trạng xanh vỏ đỏ lòng (đỡ chỉ số xanh để bán ra) và thanh khoản thị trường giảm mạnh. Cụ thể, VN-Index đã trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động. Lực cầu tăng mạnh từ phiên đầu tuần với dấu ấn là sự tăng điểm của nhóm các cổ phiếu dầu khí vốn hóa lớn và nhóm các cổ phiếu trụ cột khác.

Tuy nhiên, các phiên cuối tuần, đà điều chỉnh lan rộng tại nhiều nhóm cổ phiếu, mặc dù chỉ số có lực đỡ của nhóm các cổ phiếu trụ cột. Phiên cuối tuần có tới 168 mã giảm điểm, mặc dù chỉ số vẫn tăng nhẹ. Kịch bản này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại có sự đỡ giá cổ phiếu lớn và kéo chỉ số xanh để xả hàng.

Đây cũng là tuần giảm mạnh về thanh khoản khi tổng lượng giao dịch bình quân chỉ ở mức khoảng 71 triệu đơn vị, bằng một nửa so với tuần trước. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh giao dịch. Trên sàn Hà Nội, diễn biến tương tự khi các cổ phiếu lớn có xu hướng giảm giá liên tục, khối lượng giao dịch bình quân phiên chỉ đạt 42 triệu đơn vị, bằng 2/3 so với tuần trước.

Hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến TTCK là dòng tiền và niềm tin. Thời điểm này, cả hai yếu tố trên đều tiêu cực, vậy thì dù các thông tin khác có tích cực đến đâu chăng nữa như giá xăng dầu, cước vận tải giảm mạnh… cũng khó kỳ vọng về một kịch bản sáng sủa cho thị trường.

Tin bài liên quan