Xây dựng cơ chế Sandbox giúp hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, thúc đẩy kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock

Xây dựng cơ chế Sandbox giúp hoàn thiện hệ sinh thái Fintech, thúc đẩy kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock

Nhọc nhằn xây dựng Sandbox

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 10 này, Ngân hàng Nhà nước phải trình lại Chính phủ đề án Sandbox và đây sẽ là lần trình thứ tư.

Trông người…

Singapore được biết đến là nước có Internet băng thông rộng nhanh nhất thế giới, hay đất nước có tốc độ phát triển kỹ thuật số hàng đầu thế giới, đặc biệt đã và đang tăng cường vai trò trung tâm ngân hàng - tài chính trong khu vực châu Á và toàn cầu.

Với sứ mệnh phát triển công nghệ tài chính (Fintech), tháng 5/2016, Văn phòng Quỹ Nghiên cứu quốc gia về Fintech được thành lập để phục vụ toàn diện cho mọi vấn đề liên quan đến Fintech, thúc đẩy Singapore trở thành trung tâm Fintech của khu vực và thế giới. Theo đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã cam kết đầu tư 225 triệu SGD (164 triệu USD) trong khoảng thời gian 5 năm để hỗ trợ đổi mới.

Tháng 8 cùng năm, MAS xây dựng phòng thí nghiệm sáng tạo Fintech (Fintech Innovation Lab) và tới tháng 12/2016 ban hành Khung pháp lý thử nghiệm cho phép các tổ chức tài chính cũng như phi tài chính được trải nghiệm các giải pháp Fintech trong môi trường thực tiễn có kiểm soát.

“Sẽ không có hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh nếu thiếu không gian vật lý để tạo điều kiện thử nghiệm và hợp tác. Do vậy, năm 2016, chúng tôi cho ra mắt LATTICE80 - Trung tâm Sáng tạo Fintech đầu tiên của Singapore”, ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành MAS nói.

Ảnh tác giả

Để có sự chuyển mình mạnh mẽ, chúng ta phải dám chấp nhận rủi ro và phải có ứng xử phù hợp với những điều mới mẻ

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng

Số liệu mới nhất theo báo cáo chung của PricewaterhouseCoopers (PwC), United Overseas Bank (UOB) và Hiệp hội Fintech Singapore cho biết, tính đến 30/9/2019, Singapore đã có 1.157 công ty Fintech được thành lập (trong khi tại Việt Nam là 136 công ty).

Điểm đáng chú ý là tháng 8/2020, MAS thông báo sẽ bơm 250 triệu SGD (182 triệu USD) vào đề án Đổi mới và công nghệ lĩnh vực tài chính (FSTI 2.0) trong 3 năm tới để “tăng tốc công nghệ và tăng trưởng dựa trên đổi mới trong lĩnh vực tài chính”. Mức cam kết này cao hơn 11% so với mức 225 triệu SGD (164 triệu USD) trong chương trình FSTI trước đó.

… và nghĩ đến ta

Ngày 16/3/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của Ngân hàng Nhà nước (Ban Chỉ đạo). Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh là Trưởng ban; Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Nghiêm Thanh Sơn là Phó Trưởng ban. Nhiệm vụ của cơ quan này là hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, bao gồm cả khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Tại tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech” tại Hà Nội ngày 20/8/2019, ông Sơn thông tin, Ban Chỉ đạo đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án Sandbox vào tháng 5/2019 nhằm hiện thực hóa các giải pháp tại đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng, cũng là nhiệm vụ được nêu tại Quyết định 999/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

“Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức”, ông Sơn chia sẻ tại tọa đàm.

Ngày 19/2/2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó đề ra các nhiệm vụ chủ yếu đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng với những nội dung cụ thể về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra cơ chế quản lý thử nghiệm đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời xây dựng Sandbox cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên Internet…

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 nhấn mạnh: “Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trong tháng 10/2020”.

Quá tam… còn mấy bận?

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong lĩnh vực Fintech thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần trình Chính phủ đề án Sandbox nhưng đều bị trả lại với yêu cầu lấy thêm ý kiến của các bộ, ban, ngành.

Về vấn đề này, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đề án. Tuy nhiên, có những ý kiến đóng góp không biết nên xử lý như thế nào, chẳng hạn Bộ Tư pháp cho rằng cần phải tính toán chi phí và rủi ro khi tiến hành Sandbox, hay như căn cứ pháp lý nào cho việc triển khai Sandbox...

Theo vị chuyên gia trên, hiện khó có câu trả lời thỏa mãn do điểm mấu chốt của đề án là đưa ra những “cái mới”, trong khi chưa ai biết đó là cái gì.

“Sandbox ở các quốc gia khác là cách thức một đất nước ứng xử với ‘cái mới’, là tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng (nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại) để tiến hành thử nghiệm những dự án khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. ‘Cái mới’ này sau khi đưa vào hoạt động thử nghiệm rồi mới có thể đưa ra được khung pháp lý”, vị này phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, sẽ là bất hợp lý nếu yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về một thứ chưa rõ ràng. Theo TS. Hiếu, vấn đề quan trọng ở đây là cần gỡ được nút thắt về mặt tư duy giữa các bộ, ban, ngành trong việc xây dựng Sandbox

“Nếu thiếu sự nhất quán, khi trình tiếp đề án lên, ai sẽ người dám quyết thông qua và như vậy làm sao có thể ban hành được Sandbox? Trong trường hợp ban hành được, liệu có dám quyết cho doanh nghiệp tham gia nếu chỉ nhìn vào việc quy trách nhiệm khi xảy ra rủi ro? Để có sự chuyển mình mạnh mẽ, chúng ta phải dám chấp nhận rủi ro và phải có ứng xử phù hợp với những điều mới mẻ”, TS. Hiếu nói.

TS. Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhìn nhận, Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế Sandbox (bằng việc xây dựng và ban hành Nghị định về Sandbox) theo mô hình của Singapore với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới (ví dụ kinh tế chia sẻ) thì sẽ hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển các start-up công nghệ của Việt Nam.

Cũng theo bà Hoa, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo” với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình của một số quốc gia đi trước. Sandbox phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, khung pháp lý Sandbox phải có “không gian, thời gian và cơ chế được xác định rõ ràng” vì “thử nghiệm thất bại” có thể xảy ra.

“Để phát triển Fintech tại Việt Nam, chúng ta hãy thông thoáng hơn”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Tin bài liên quan