Nhọc nhằn xây dựng dữ liệu chủ xe cơ giới

Nhọc nhằn xây dựng dữ liệu chủ xe cơ giới

(ĐTCK) Ở một thị trường mà bảo hiểm xe cơ giới chiếm tới hơn 30%/tổng doanh thu phí bảo hiểm hàng năm như tại Việt Nam thì việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chủ xe cơ giới là vấn đề quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng hợp đồng, cũng như góp phần làm lành mạnh thị trường. Tuy nhiên, dù khởi động đã lâu, nhưng đến nay hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện.

Hiện chưa có số liệu cả năm, nhưng thống kê chính thức của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, xét theo nghiệp vụ, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 10.487 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,8% - lớn nhất trong tổng doanh thu.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm xe cơ giới sẽ vẫn là nghiệp vụ “hái ra tiền” trong vài năm tới. Chính vì thế, hầu hết công ty bảo hiểm trên thị trường đều tập trung xây dựng và phát triển mảng nghiệp vụ này.

Tuy là nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn, nhưng bảo hiểm xe cơ giới cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường rất cao, trung bình khoảng 50% doanh thu, thậm chí ở một số doanh nghiệp, tỷ lệ này có thể lên tới 70-100% doanh thu.

Thực tế, do thiếu thông tin về lịch sử bồi thường của khách hàng, chạy theo doanh thu... nên khách hàng có lịch sử bồi thường xấu của công ty bảo hiểm này có thể trở thành khách hàng tiềm năng, được công ty bảo hiểm khác săn đón là chuyện không lạ ở thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ bồi thường ở mảng nghiệp vụ này dễ khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lỗ vốn. Bởi vậy, theo giới chuyên gia, việc lưu trữ và minh bạch hóa lịch sử bồi thường của khách hàng để lành mạnh hóa thị trường là rất quan trọng.

“Khi doanh nghiệp minh bạch các thông tin hay lịch sử bồi thường, khách hàng không thể chạy lòng vòng để hưởng phí thấp và cũng sẽ hạn chế yêu cầu đòi bồi thường lặt vặt. Mặt khác, các công ty sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn để giành được khách hàng có lịch sử tốt”, một chuyên gia nhìn nhận.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để buộc các công ty bảo hiểm thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về khách hàng và lịch sử bồi thường. Theo vị này, các thị trường phát triển đều có cơ sở dữ liệu chung về chủ xe cơ giới nhằm kiểm soát chất lượng hợp đồng, nhất là các khách hàng lái xe ẩu.

Tại Việt Nam, vấn đề này đã được các doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan chức năng đưa ra bàn thảo nhiều lần. Được biết, cách đây khoảng 5 năm, dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” đã được triển khai.

Hệ thống cơ sở dữ liệu này được kỳ vọng sẽ đưa ra cảnh báo về nguyên nhân, mức độ tai nạn trên từng xe, lái xe, độ tuổi người bị tai nạn, thời gian địa điểm hay xảy ra tai nạn... để phòng ngừa. Đặc biệt, hệ thống còn cung cấp kết quả kinh doanh bảo hiểm (lãi/lỗ), dữ liệu tính phí bảo hiểm, phòng chống trục lợi bảo hiểm... một cách thuận tiện và chính xác.

“Để tạo lập một cơ sở dữ liệu chung, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cần đưa thông tin các khách hàng xấu lên hệ thống để thống nhất mức phí chung cho tất cả các doanh nghiệp đối với khách hàng này, trong khi các khách hàng tốt vẫn là bí mật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc kết nối với toàn thị trường đến nay vẫn chưa hoàn thiện như kỳ vọng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Để phân khúc bảo hiểm xe cơ giới phát triển lành mạnh và bền vững hơn, việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng nhất về bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện) là rất cần thiết. Bởi nếu mỗi công ty bảo hiểm tự xây dựng cho mình một hệ thống dữ liệu riêng thì khó giải quyết tận gốc vấn đề.

“Mỗi nhà bảo hiểm không nên làm riêng rẽ, vì khi muốn tăng phí hay quản lý đối với khách hàng xấu, nhà bảo hiểm không có thông tin sẽ vẫn sẵn sàng bán với mức phí thấp như với các khách hàng thông thường.

Đó là chưa kể với 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động trên thị trường, khách hàng chưa đi hết vòng thì đã có thể thay được vài chiếc xe. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn tác động tiêu cực lên thị trường...”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Tin bài liên quan