Nhọc nhằn thoái vốn trên sàn

Nhọc nhằn thoái vốn trên sàn

(ĐTCK) Sự thoái lui của TTCK gần đây không làm ngưng trệ các cuộc chuyển nhượng cổ phần lô lớn. Tuy nhiên, thành công đôi khi lại... đến từ yếu tố kỹ thuật.

Bán lẻ đến bán buôn

Bất chấp thời hạn đăng ký kéo dài 1 tháng và khối lượng đăng ký giao dịch khiêm tốn nhưng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thất bại trong việc thoái gần 160.000 cổ phần GMD của CTCP Gemadept. Theo ông  Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Vinalines, việc thoái vốn tại Gemadept bất thành do TTCK diễn biến xấu, cổ phiếu GMD kém thanh khoản và mức giá chưa đạt được kỳ vọng. Theo Vinalines, động cơ giảm tỷ lệ sở hữu tại Gemadept nhằm tái cơ cấu tình hình tài chính của Tổng công ty. Cũng trong động thái tương đồng, Vinalines đang nỗ lực thoái hết vốn tại một DN hàng hải khác là CTCP Container Phía Nam (VSG). Nhưng 400.000 cổ phiếu VSG đăng ký bán ra của Vinalines cũng giao dịch bất thành với lý do tương tự.

Nhọc nhằn thoái vốn trên sàn ảnh 1

Vinaconex đã và đang thoái vốn tại hàng loạt công ty con

Với các CTCP niêm yết mà Nhà nước đang giữ vai trò chi phối, cụm từ “tái cơ cấu” đang được nhắc đến trên diện rộng. Các khoản thoái vốn của các DN như Vinalines chỉ được coi như “bán lẻ”.

Ông Vũ Quý Hà, Tổng giám đốc Tổng CTCP Vinaconex cho biết, Vinaconex vừa ra quyết định thoái tiếp lần lượt 51% và 24% vốn tại CTCP Vinaconex 3 (VC3) và CTCP Vinaconex VCN. Song song, Vinaconex cũng dự định giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Vinaconex 6 từ 51% xuống mức 36%. Cần nhắc lại là suốt từ đầu năm tới nay, Vinaconex đã tuyên bố thoái vốn ồ ạt tại một loạt công ty cùng “họ”: CTCP Vinaconex Dung Quất; CTCP Phát triển thương mại Vinaconex; CTCP Vinaconex Hoàng Thành…, chưa kể đến việc bán Dự án Nhà máy Xi măng Cẩm Phả đã xúc tiến vài năm nay.

Những giao dịch sang nhượng lô lớn cũng diễn ra mạnh mẽ ở khối CTCP xuất phát điểm là tư nhân. Sau khi thoái 20% vốn tại CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), doanh nhân Đặng Thành Tâm lại gây chú ý khi người thân đăng ký bán 15 triệu cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Nam Việt. Một giao dịch tầm cỡ khác cũng thu hút sự chú ý là ông Lê Tự Minh đăng ký bán hết 31,56% vốn cổ phần tại CTCP MT Gas (MTG), nơi ông Minh đang ngồi ghế Chủ tịch HĐQT.

 

Thoái thật và thoái kỹ thuật

Cần nhắc lại, từ tháng 10/2009 tới nay, Vinalines đã đăng ký bán ra cổ phiếu GMD cả chục lần và khá nhỏ giọt. Qua 3 năm kiên nhẫn thoái từng phần một, Vinalines đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Gemadept từ mức 16,9% năm 2009 xuống còn 0,18% như hiện nay. Sự chậm rãi này cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước muốn thoái vốn thực sự không hề đơn giản. Vinalines may mắn có thể thoái vốn tại Gemadept vì đây là một DN kinh doanh có lãi.

Mới đây, trong động thái tái cấu trúc vốn đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang muốn thoái toàn bộ 51% vốn tại CTCK Cao su. Tuy nhiên, bản thân lãnh đạo Tập đoàn cũng khẳng định, chưa có phương án chi tiết cho việc thoái vốn do bức tranh tài chính của CTCK này đang ở trong tình trạng rất u ám.

Trái ngược với hành trình thoái vốn gian nan của các CTCP mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối, con đường các “đại gia” tư nhân “bán buôn” cổ phiếu có vẻ dễ dàng hơn nhiều. Chỉ cần một nửa thời gian đăng ký, doanh nhân Đặng Thành Tâm đã thoái một lượt 22 triệu cổ phiếu SQC thành  công. Hay mới đây, ông Lê Tự Minh “tự tin” đăng ký thoái hết vốn tại MTG chỉ trong vòng 1 tháng, dù thanh khoản của cổ phiếu MTG khá thất thường. Hiện tượng này chỉ được giải mã khi đầu tháng 9, tại MTG xuất hiện cái tên của một cổ đông lớn là Công ty Đầu tư IMG. Hiện tại, ông Minh đang là Tổng giám đốc của IMG. Số liệu giao dịch cho thấy, khi ông Minh giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 11,85% tại MTG thì IMG cũng nâng tỷ lệ sở hữu tại chính MTG lên 19,67%.

Cần phải nhắc lại là việc thoái vốn kỹ thuật - chuyển nhượng sở hữu trên danh nghĩa nhưng không mất quyền kiểm soát doanh nghiệp không phải mới xuất hiện. Vào cuối năm ngoái, theo con đường này, một ngân hàng niêm yết “mẹ” đã thoái vốn như vậy tại một CTCK “con”. Giao dịch lô lớn được thực hiện bằng mệnh giá, cao hơn vài chục phần trăm so với thị giá cổ phiếu CTCK này trên sàn. Giao dịch này được đặc cách thực hiện nằm ngoài hệ thống của HOSE. Động thái này vừa giúp ngân hàng mẹ không phải ghi nhận một khoản lỗ trong hoạt động đầu tư, vừa tránh phải hợp nhất kết quả thua lỗ của CTCK “con”. Bên trung gian thứ 3 được ngân hàng mẹ rót tín dụng để nhận chuyển nhượng cổ phiếu.

Với cơ chế khác biệt, khối CTCP tư nhân hiện nay có thể chuyển nhượng vốn kỹ thuật dễ dàng, trong khi điều này ở khối CTCP có vốn nhà nước lại rất khó khăn. Tuy nhiên, trên cuộc trường chinh thoái vốn ngoài ngành của các CTCP nhà nước, sẽ không loại trừ khả năng kịch bản thoái vốn kỹ thuật sẽ được áp dụng. Các khoản đầu tư sẽ tìm về địa chỉ một công ty con khác hoặc bên liên minh thứ 3. Việc chuyển nhượng cổ phần vì thế sẽ giải quyết được yếu tố bề nổi, phần chìm của quá trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể chỉ mang màu sắc “xanh vỏ, đỏ lòng” khi các vấn đề thực sự vẫn nằm ở đâu đó.