Nhớ Trung thu

Nhớ Trung thu

(ĐTCK) Nhớ đèn ông sao, nhớ những đêm trăng sáng, nhớ con đê làng và đám bạn…

“Thằng cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”

(Đồng dao)

Mỗi mùa trăng sáng, lại nhớ đến những câu đồng dao nọ. Nhớ đèn ông sao, nhớ những đêm trăng sáng, nhớ con đê làng và đám bạn…

Chẳng mùa nào đám trẻ vô tâm với thời tiết và khí hậu lại có niềm quan hoài như vậy với ông trăng tròn. Ngày bé, ngây ngô có thừa chứ lãng mạn thì chưa biết. Ấy mà trăng tháng 8 cũng ít nhiều mang đến niềm hứng khởi cho đám trẻ.

Tháng 8 (Âm lịch) cũng là mùa gặt và trong trí nhớ vốn lủng củng của người viết, ở quê, từ trước những ngày rằm, tức là vào độ mồng 5, mồng 6 gì đó, khắp đường làng, ngõ xóm đã phủ đầy rơm, rạ.

Tháng tám, trời chiều lòng người đến lạ, ít những trận nắng to vỡ đầu mà cũng chẳng thấy đâu những cơn mưa xối xả. Cái gì cũng cứ nhẹ nhàng, tình tứ. 

Chiều quê. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Tôi đã đi nhiều nơi ở cái dải đất hình chữ S, mà vẫn ít thấy nơi nao đẹp giống quê mình. Một bầu trời xanh vắt vẻo cánh diều, đâu đó là thanh âm trong trẻo của lũ bò gọi bạn, một con sông mát lạnh phù xa,…

Trong những đêm trăng sáng vằng vặc, trên con đê ngoằn ngoèo bên khúc sông Hồng, cả lũ trẻ lại thủy chung với trò toét bắn. Ngày ấy, lô-cốt cũng chính là tụ điểm tập kết của bọn nhóc quần đùi, nơi bao câu chuyện tào lao được mang ra kể.

Cái thú là đôi khi thằng kể còn chưa lường hết mình đang kể chuyện gì (vì vừa kể vừa nghĩ, vừa bịa), còn thằng nghe thì đứa há hốc mồm, đứa tròn vo mắt, lắm đứa thi thoảng lại tóp tép thêm được vào đó vài tình tiết thú vị. Cả lũ chẳng khác gì các ông cụ non.

Triền đê là nơi trẻ quê chơi đùa. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Lại nhớ có bận, thằng bạn thân phát lộ cái tính ranh mãnh từ hồi lớp 4, lớp 5. Vào ván cuối của đợt trốn tìm, nó bỏ về nhà ngủ một mạch làm cả lũ cứ dáo dác tìm kiếm khắp nơi, chỉ sợ thằng bạn bị ngã xuống sông hay nhỡ đâu bị con Nam Nam (một loại ma mà người quê hay đem ra dọa trẻ con) nó bắt. 

Lại nhớ, sau những trận nô, cả lũ nằm dài trên triền đê đầy cỏ may, tận hưởng cái đặc ân mát lành của những cơn gió cổ tích len vào trong hồn còn bỏ ngỏ. Đứa thì nhễ nhại mồ hôi, mồ kê, buông thả trong cái bóng vàng của ánh trăng, để rồi lại mất cả nửa buổi sáng hôm sau ngồi nhặt cỏ may.

Lại nhớ, những lần như thế, mẹ lại bảo: “Ném quần vào gầm giường, cho cóc nó nhặt hộ”…

Trẻ con quê đứa nào cũng có thời ăn cắp vặt. Lúc thì quả cam, quả bưởi, khi thì chùm nhãn, cây mía. Cũng chẳng ngoa lắm khi nói rằng, đó chính là những kỷ niệm ngọt ngào nhất, như tấm mía ăn trộm thuở nào. Ăn trộm vốn là hành động xấu, nhưng với lứa tuổi ấy, nó được mọi người chấp nhận và có lẽ, cũng chẳng ai buồn phê phán làm gì.

Tôi còn nhớ mãi, ngày đó cổng nhà có cây bưởi. Quả sai lúc lỉu, lại ngọt. Và y như rằng, nếu cứ nghe tiếng động, sáng hôm sau ra đếm thì thể nào cũng mất đâu vài quả. Có bận, đám thanh niên còn quấn đầy vỏ bưởi quanh gốc cây như chế diễu cái tội: nhà không nuôi chó.

Đám bạn chị tôi mãi sau này, khi đã lớn tướng mới khai thật: “Ngày ấy, bọn anh chia thành hai tốp. Một tốp vào nhà mày uống nước chè, tán phét, một tốp cứ thoải mái lên cây lấy bưởi. Xong xuôi thì bắn tín hiệu để cả lũ cùng rút lên lô-cốt thưởng thức chiến lợi phẩm”.

Chợt nhớ đến những nụ cười ranh mãnh ngày nào, những lời khen đầy ẩn ý mà các ông anh, bà chị đi trước tấm tắc khi mời bọn nhãi chúng tôi ăn bưởi. Quả là bưởi ăn trộm ngon thật, nhất là với những thằng ngố như tôi, ăn bưởi người ta trộm của nhà mình...

Xa quê lâu, thói quen ngắm trăng cũng dần mai một. Và mỗi độ Trung thu về, lại thấy nhớ ánh trăng xưa.

Tin bài liên quan