Đó là nguyên cớ cho bao nhiêu kỷ niệm thốc về, vẹn nguyên, rộn rã như những chuyến sơn trình ngày trước.
Ngày thanh niên sôi nổi, đã bao lần tôi khoác chiếc ba lô con cóc lên vai, độc hành trên chuyến xe khách vạn dặm, hay lang thang bằng xe máy với những thằng bạn vàng ở vùng đất đỏ Bazan này.
Dễ có đến gần hai chục bận, tôi lang thang ở Tây Nguyên. Với Tây Nguyên, chỉ có thể gói gọn trong một câu: Đi hoài không chán.
Giờ đây, việc di chuyển đến Tây Nguyên đã rất dễ dàng nhờ những đường bay thẳng. Tây Nguyên giờ có đến 3 sân bay (trong ảnh: Sân bay Pleiku). Ảnh: Thành Nguyễn.
Lần đầu tôi gặp Tây Nguyên là phần thưởng kỷ nghỉ Hè cuối bậc phổ thông trung học, lần đầu biết đến phố núi mộng mơ, được ngắm Biển Hồ - “đôi mắt Pleiku”, một tuyệt tác được tạo nên từ miệng núi lửa cả ngàn năm trước, được vào tận bản Pleiku Ngó học cách làm rượu cần của người Gia Rai, được chui vào lòng thủy điện Yaly và được uống cà phê ở những “Đùng Đình”, “Hình như là” trên đường Wừu.
Lần ấy, tôi đã tự nhủ rằng, mình sẽ phải quay lại đây nhiều lần. Và may thay, điều này đúng thật.
Nụ cười em bé Ba Na. Ảnh: Thành Nguyễn.
Rồi sau này là rất nhiều những chuyến lại qua không dứt. Mà ngày đó, những chuyến ngang dọc vùng đất đỏ này thường kéo dài cả tuần, vắt từ Gia Lai sang Đắk Lắk, Đắk Nông, mà điểm dừng chân nào cũng quay quắt với rượu, cà phê và bạn hữu.
Dã quỳ, một "nhan sắc" khác của Tây Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi nhớ có bận, mấy thằng bạn học dắt díu nhau vào Buôn Đôn, rồi say với lẩu cá Mõm trâu, rượu cần, rượu Amacong. Tả phí lù hết cả. Nhưng thú nhất đó là cưỡi voi ngắm hoàng hôn trên sông Sê-rê-pốc.
Dòng Sê-rê-pốc vốn nổi tiếng và được coi là “dòng sông thiêng” vì được hợp thành từ hai dòng sông là sông Krôngnô (sông bố) và sông Krôngna (sông mẹ), gắn với nó là biết bao huyền tích về tình yêu, lòng chung thủy.
Bình minh ở nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh: Thành Nguyễn.
Nếu cưỡi trên lưng những chú voi hiền lành đã được thuần dưỡng, cho bạn cảm giác được khám phá đại ngàn và cuộc sống hoang dã, thì con người và men rượu cần nơi đây, lại mang đến bạn cảm giác lâng lâng cho cả cuộc hành trình của bạn.
Tôi từng được dạy cách uống rượu cần đúng điệu, đúng tục là: tay phải cầm cần, tay trái đặt lên đùi, mắt nhìn thẳng người đối diện và uống. Có vậy mới tỏ hết lòng thành với người bản xứ (vì uống thật). Từng trâu, từng trâu nước (tiếp nước bằng sừng trâu) cứ được rót mãi, rót đến khi thấy rượu nhạt thì thôi.
Chuẩn viện Kon Tum. Ảnh: Thành Nguyễn.
Rồi có bận, trong chuyến đi dài tìm hiểu về chính sách người có công, hiệu quả các chương trình 135 và 30a, tôi lại được một cô em ở Phòng Dân tộc tỉnh Kon Tum nhiệt tình làm hướng dẫn viên tới những huyện, những xã xa xôi nhất của Kon Tum. Những Tu Mơ Rông, Konplong, vùng đất còn nghèo khó mà nếu chỉ là khách du lịch đơn thuần, chắc chẳng mấy người đặt chân đến.
Chuẩn viện Kon Tum là công trình gỗ rất đặc sắc, là địa danh nổi tiếng mà du khách thường lui tới. Ảnh: Thành Nguyễn.
Chuyến đi này lại tiếp tục làm dày thêm hành trang kỷ niệm với những địa danh mà chỉ nhắc thôi, hình ảnh chuyến đi lại như những thước phim quay chậm tua ngược, mới tinh và rõ ràng như có thể chạm vào. Đó là Nhà thờ gỗ Kon Tum, Chuẩn viện Kon Tum, Cầu treo Kon Tum, những Măng Đen, Đăk Rơ Ông, làng Kon Tum,… những đồng bào người Xê Đăng, Ba Na hiền lành, dễ mến.
Một thoáng Tây Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.
Lần khác, trong một chiều mưa phùn hiếm hoi của Tây Nguyên, tôi và bạn chạy xe máy từ Ban Mê về Buôn Jun, huyện Lắk để được ngắm nhà nghỉ của vua Bảo Đại, đi thuyền trên mặt hồ Lắk, say với sự nhiệt thành, bộc trực của người dân bàn địa trong một đêm mưa, bên xiên cá hồ nướng mọi.
Cuộc sống đồng bào ở đây vẫn còn vất vả. Thành Nguyễn.
Tây Nguyên đẹp không chỉ bởi sự hùng vĩ của đại ngàn, sự bình yên của những phun, sóc, sự thân thiện của con người. Tây Nguyên còn đẹp bởi những thứ rất riêng.
Tôi đã từng chạy xe qua bao cung đường có hoa Dã quỳ (nở rộ vào dịp cuối năm) để chụp ảnh, xuyên qua bao rẫy cà phê để hít hà mùi hương mùa đơm trái, hay xuyên đêm, qua bạt ngàn cao su với trăng sơn cước là bạn đồng hành…
Tuổi thơ em bé Tây Nguyên. Thành Nguyễn.
Còn bao nhiêu địa danh, con người, nét văn hóa Tây Nguyên, hàng tá kỷ niệm của vùng đất này nữa chứ. Thật nhớ để gọi tên. Tây Nguyên hấp dẫn bởi dù bạn đến bao lần, lần nào cũng mới, lần nào cũng thấy được những điều thú vị mà cảm xúc lưu luyến lại như buổi ban đầu.
Mùa cà phê. Thành Nguyễn.
Và trong rất nhiều trang viết của tôi sau này, luôn chập chờn hình ảnh, kỷ niệm và hành trang của những chuyến đi như thế. Thích thú hơn, nó không chỉ mang lại cho bao nhiêu tri thức, vốn sống mà còn giúp tôi kết giao thêm những người bạn mới, hun đúc thêm cả cái tình bằng hữu, tình yêu với con người và đại ngàn lộng gió.
Giờ, chỉ ước được rảnh rang, để lại lang thang cùng Tây Nguyên, cùng xuyên đêm với ánh trăng sơn cước, với hương cà phê. Và say cùng bạn bè lần nữa.