Sau khi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN được ban hành và có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng hiệu lực từ ngày 19/11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 21/11, lãi suất giao dịch VND bình quân liên ngân hàng tăng 0,43-0,76 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, đưa lãi suất cho vay qua đêm bình quân tăng lên 3,34%/năm; lãi suất 1 tuần là 3,46%/năm và 2 tuần là 3,10%/năm.
Đây là mức tăng mạnh nhất trong một phiên được ghi nhận từ đầu năm tới nay khi thông thường chỉ dao động từ 0,1-0,2 điểm phần trăm mỗi phiên, đồng thời là một trong những chỉ dấu quan trọng cho biết, thanh khoản của các ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ.
Tuy nhiên, không chỉ lãi suất liên ngân hàng tăng, động thái NHNN liên tục bơm ròng tiền vào hệ thống cũng cho thấy sự nóng lên của thanh khoản.
Ngay trong tuần ra quyết định hạ lãi suất, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh tiền vào hệ thống sau khi đã bơm ròng 8.000 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Cụ thể, tuần từ 18/11 đến 22/11, NHNN phát hành 13.000 tỷ đồng tín phiếu, trong khi có 38.000 tỷ đồng tín phiếu đến hạn, tương đương bơm ròng 25.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Tuần từ 25/11 đến 29/11, có 13.000 tỷ đồng tín phiếu đến hạn và NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu mới, đồng thời chuyển sang mua kỳ hạn (kênh OMO) sau gần 3 tháng kênh này không hoạt động.
Cụ thể, NHNN mua kỳ hạn 49.200 tỷ đồng, lãi suất OMO theo đó giảm từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - là bước giảm lớn nhất (50 điểm phần trăm) trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ 2 trong năm nay.
Tổng cộng, NHNN đã bơm ròng tới 62.200 tỷ đồng trên thị trường mở, lượng tín phiếu lưu hành ở mức 0, trong khi lượng OMO lưu hành là 49.200 tỷ đồng - đánh dấu bước chuyển từ hút ròng 8 tháng liên tục sang bơm ròng.
Nhận định về diễn biến trên, một lãnh đạo NHTM cổ phần cho biết: “Thực tế thị trường đang phản ánh thanh khoản chưa dồi dào và có sự khát vốn trong giai đoạn cuối năm cho những công việc mùa vụ như nguồn vốn của doanh nghiệp giai đoạn cuối năm, tất toán sổ sách và đặc biệt năm nay tết sớm hơn mọi năm nên nhu cầu tiền mặt cho lương, thưởng đã xuất hiện từ bây giờ”.
Lý giải cho hiện tượng trên, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, có thể là do nguồn cung của các ngân hàng lớn thu hẹp, nhu cầu tăng dự trữ thanh khoản vào cuối tháng và dự phòng huy động kỳ hạn ngắn sụt giảm do giảm lãi suất trên thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức).
Bởi vậy, động thái mạnh tay bơm tiền của NHNN những tuần qua đã giải tỏa bớt căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng, lãi suất trên liên ngân hàng được giữ ở mức 3,93%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,99%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Thông thường, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO, hiện tại là 2,25-4%/năm.
“Trong tháng cao điểm cuối năm, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ dao động ở mức cao 4%/năm”, vị tổng giám đốc này dự báo.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, về tổng thể, tác động trực tiếp của quyết định giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn đến các ngân hàng là không nhiều do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và đang duy trì tương đối cao để có thể đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và lộ trình áp dụng Basel II.
“Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến hết 9/2019 mới đạt 9,4% so với mức của cuối năm 2018 và thấp hơn so với cùng kỳ 2018 là 10,33%, nhưng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) đã đạt 10,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,47% so với cuối năm 2018 và cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 2018 (đạt 9,04%).
Với định hướng giảm lãi suất và cung tiền vẫn dồi dào từ việc mua dự trữ ngoại hối của NHNN, lãi suất trên thị trường 1 dù khó có thể giảm vào thời điểm cuối năm 2019 do yếu tố mùa vụ, nhưng cả lãi suất huy động lẫn cho vay khả năng sẽ giảm sau Tết Nguyên đán”, TS. Hiếu nhận định.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, trên thị trường 1, sau bước giảm mạnh ở các kỳ hạn dưới 6 tháng từ mức trần lãi suất huy động cũ là 5,5%/năm xuống mức trần mới là 5%/năm vào tuần trước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn, trong đó giảm nhiều nhất là nhóm ngân hàng có thị phần nhỏ (giảm 20-30 điểm phần trăm), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm ngân hàng có thị phần lớn.
Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1-5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.
Điểm đáng chú ý là NHNN đã giảm tỷ giá mua vào 25 VND/USD, xuống 23.175 VND/USD trong ngày 29/11, sau 11 tháng liên tiếp giữ ở mức 23.200 VND/USD. Ngoại trừ 2 tháng (5 và 6/2019) bật tăng do thương chiến Mỹ - Trung leo thang, hầu như tỷ giá mua vào của các ngân hàng luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN.
Nhờ vậy, NHNN đã mua vào được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 73 tỷ USD, tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu.
Thông thường, áp lực tỷ giá sẽ tăng về cuối năm, NHNN hạ tỷ giá mua vào USD sẽ giảm lực hút ngoại tệ, giúp nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường nhiều hơn.
Trong tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND vẫn giữ nguyên ở mức 23.110/23.260 trên thị trường liên ngân hàng, nhưng tăng thêm 30 VND/USD trên thị trường tự do, lên mức 23.240/23.260.
Tỷ giá trung tâm tăng thêm 11 VND/USD, lên mức 23.162 VND/USD - tăng 1,48% so với cuối năm 2018 và vẫn cách khá xa mục tiêu 2% trong năm 2019.
Chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng ở mức cao (hơn 2%/năm với kỳ hạn qua đêm) và diễn biến quốc tế chưa có nhiều đột biến, nên tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ vẫn ổn định trong vùng 23.100-23.200 VND/USD.