Trong “sóng” tăng luôn có những nhịp điều chỉnh, nhất là khi thị trường bước vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ. Ảnh: Dũng Minh.

Trong “sóng” tăng luôn có những nhịp điều chỉnh, nhất là khi thị trường bước vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ. Ảnh: Dũng Minh.

Nhịp điều chỉnh của thị trường tạo nền cho “sóng” cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau một thời gian tăng điểm, thị trường chứng khoán xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh, song thanh khoản duy trì ở mức cao. Nhịp điều chỉnh này được cho là cần thiết để tạo nền cho “sóng” cuối năm.

Kênh đầu tư cổ phiếu vẫn hấp dẫn

Trước khi VN-Index có diễn biến giảm trong tuần qua, chỉ số đã có 6 tuần tăng điểm liên tiếp, động lực chính giúp thị trường leo dốc đến từ dòng tiền nội. Thanh khoản thị trường tăng từ mức 3.700 tỷ đồng/phiên, tương ứng với thời điểm chỉ số ở vùng 850 điểm lên mức bình quân 7.200 tỷ đồng/phiên trong 2 tuần gần nhất.

Như vậy, chỉ số đã tăng 110 điểm lên 960 điểm vào ngày 23/10 và thanh khoản tăng gần gấp đôi.

Do vậy, nhu cầu bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận của không ít nhà đầu tư tăng lên, khiến chỉ số giảm tổng cộng hơn 40 điểm trong 4 phiên, xuống dưới 920 điểm ngày 29/10 (phiên cuối tuần, 30/10, chỉ số tăng hơn 6 điểm).

Nhịp điều chỉnh của thị trường là cần thiết, giúp loại bỏ lượng hàng “lỏng lẻo” trong quá trình đi lên trong trung và dài hạn của chỉ số.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn và trong sóng tăng luôn có những nhịp điều chỉnh, nhất là khi thị trường hiện bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III gần như đã kết thúc, trong khi thị trường thế giới có thể biến động mạnh gần thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cho biết, trong điều kiện bình thường, các phiên giao dịch với thanh khoản 8.000 - 10.000 tỷ đồng là dấu hiệu quan trọng để xác nhận thị trường đang “phân phối”.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay rất đặc biệt khi dòng tiền đổ vào thị trường mạnh mẽ, “tiền rẻ” tràn ngập từ động thái cắt giảm lãi suất và bơm tiền thông qua các gói kích cầu từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Tại Việt Nam, động thái tương tự của Ngân hàng Nhà nước khiến lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng giảm mạnh so với thời điểm trước dịch.

Ngoài ra, Nghị định 81/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 làm giảm độ “nóng” của kênh trái phiếu có nhiều rủi ro này và kênh cổ phiếu trở thành điểm đến tiềm năng cho dòng tiền.

Do đó, nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán trong tuần qua sẽ nhanh chóng kết thúc.

Có thể sau nhịp điều chỉnh trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ là nhịp tăng cuối năm khi nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong quý IV, GDP có thể tăng 4,5 - 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,62% trong quý III. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã kiểm soát thành công dịch Covid-19 và đang nỗ lực phục hồi kinh tế, kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn vào năm 2021.

Nhiều nhà đầu tư đang chờ Chính phủ mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian đóng cửa chống dịch, qua đó khơi thông dòng vốn, tạo sự dịch chuyển nguồn cung ứng và dây chuyển sản xuất của nhiều công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thị trường vẫn đang trong sóng tăng dài hạn nên những phiên điều chỉnh bởi áp lực chốt lời sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu tốt.

Bên cạnh đó, giới đầu tư kỳ vọng về vắc-xin Covid-19 sắp xuất hiện, việc xét nghiệm và điều trị bệnh được cải tiến triệt để. Các nhà đầu tư cũng tin rằng, lãi suất có thể tiếp tục giảm hoặc được giữ ở mức thấp ít nhất thêm 1 năm, điều này góp phần duy trì sức hấp dẫn của kênh đầu tư cổ phiếu.

Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng, sức nóng của dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán giúp không ít cổ phiếu phục hồi về mức giá trước khi bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, thậm chí có những mã lập kỷ lục mới.

Với những cổ phiếu tăng giá mạnh, đặc biệt là của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý III không được như kỳ vọng có thể sẽ là tâm điểm bị bán ra. Do đó, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ các mã mua vào, bán ra trong giai đoạn hiện nay và tránh sử dụng giao dịch ký quỹ (margin).

“Nhịp điều chỉnh sẽ giúp dòng tập trung hơn vào các cổ phiếu có triển vọng quý IV và năm sau khả quan. Các dòng cổ phiếu có thể hồi phục trong năm sau như bán lẻ, công nghệ, cá tra, xuất khẩu gỗ, đá..., hay nhóm vật liệu hưởng lợi từ đầu tư công. Ngoài ra, câu chuyện dòng vốn ngoại, tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên và khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam cần được chú ý”, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích AGR nói.

Tìm cổ phiếu có dư địa tăng

Thời điểm hiện tại, việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư là không dễ dàng sau chuỗi tăng điểm gần 3 tháng qua của thị trường.

VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, nhưng chỉ số sẽ đan xen các nhịp điều chỉnh để tìm điểm cân bằng trong từng giai đoạn.

Do vậy, theo Công ty Chứng khoán MB, nhịp điều chỉnh lần này tạo cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng.

Các cổ phiếu đầu ngành hoặc có câu chuyện riêng, hoặc được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế… sẽ là địa chỉ cho dòng tiền thu gom trong giai đoạn cuối năm như nhóm ngân hàng, chứng khoán, vật liệu xây dựng, bán lẻ, “họ” Vingroup, thực phẩm và đồ uống.

Nói về khả năng thị trường tạo sóng cuối năm, ông Trung nhận định, nhìn vào diễn biến vĩ mô, dư địa giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn khi mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có khả năng cao sẽ được hoàn thành.

Trong khi đó, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 như hàng không, dịch vụ, bán lẻ đang dần ghi nhận những dấu hiệu hồi phục.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm 2020 đạt 34.056 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới duy trì tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến nửa đầu tháng 10/2020, cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 17,32 tỷ USD, tăng gần 9,5 tỷ USD, tương đương tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Những yếu tố cơ bản này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán có chuyển biến tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm.

Vậy các nhóm cổ phiếu nào có dư địa tăng giá? Theo ông Trung, lãi suất thấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán bất động sản, kéo theo tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu nhóm bất động sản - xây dựng.

Với hệ số P/E dự phóng năm 2020 là 2,3 lần, thấp hơn trung bình ngành, cổ phiếu HTN của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons là một trong những mã đáng quan tâm khi doanh nghiệp gần như độc quyền triển khai các dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của HTN cho thấy, Công ty có khoản người mua trả tiền trước trị giá hơn 2.100 tỷ đồng từ dự án Richmond City. Theo tính toán của CTS, dự án này sẽ được bàn giao và ghi nhận lợi nhuận dự kiến 150 - 200 tỷ đồng trong quý III/2020.

Ngoài ra, với đặc thù ngành xây dựng, HTN sẽ ghi nhận lợi nhuận mảng xây dựng từ các dự án lớn như Lavita Charm, Cam Ranh Mystery, Q7 Boulevard, Q7 Riverside… trong quý IV, giúp lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 dự kiến đạt trên 370 tỷ đồng, duy trì đà tăng trưởng kể từ năm 2016.

Nhóm chứng khoán cũng đáng quan tâm khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, kết hợp với xu hướng dòng tiền đổ mạnh vào kênh chứng khoán, tạo tiềm năng tăng giá cho danh mục tự doanh. Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến danh mục cổ phiếu mà các công ty chứng khoán đang sở hữu.

Chẳng hạn, Chứng khoán SSI đang nắm giữ không ít cổ phiếu HPG, FPT, MWG…, hay Chứng khoán TP.HCM nắm giữ cổ phiếu VNM, TCB, FPT, MSN, MWG. Nhìn vào biến động giá cổ phiếu trong danh mục các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể lượng hóa mức lợi nhuận đạt được.

Một số cổ phiếu khác thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III tăng cao đến từ hoạt động bán đất, tài sản như Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Năm nay, doanh nghiệp này dự kiến đạt doanh thu 3.789 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.060 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cả trong ngắn và dài hạn. Với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, nhu cầu lương thực toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng cao.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) vừa công bố quý III/2020 lãi 21 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2019.

Với việc nâng công suất các nhà máy xay xát, kết hợp lợi thế về diện tích cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là phần diện tích 800 ha tại Kiên Giang chuyên canh tác lúa phục vụ các thị trường khó tính, TAR cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng lợi thế từ EVFTA, qua đó tiếp nối đà tăng trưởng năm 2015.

Tin bài liên quan