Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Sau chuỗi ngày tăng điểm, hầu như các công ty chứng khoán cũng đã thận trọng và nhận định khá đúng về xu hướng khi dự báo thị trường sẽ điều chỉnh. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 27/2: VN-Index tiếp tục điều chỉnh và chủ yếu dao động trong sắc đỏ trong suốt phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, về cuối phiên, tâm lý nhà đầu tư đã chấn tĩnh dần và dòng tiền chảy mạnh trở lại, giúp VN-Index đảo chiều có được sắc xanh nhạt trong những phút cuối phiên.

Trong phiên giao dịch chiều, sau ít phút lình xình, lực cầu gia tăng trên diện rộng, giúp nhiều mã đảo chiều tăng giá, nhiều mã khác nới rộng đà tăng, giúp VN-Index bứt phá mạnh lên trên ngưỡng 718 điểm, trước khi bị đẩy nhẹ trở lại khi chốt phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,97 điểm (+0,42%), lên 717,44 điểm, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,63%), kết thúc phiên ở mức 86,86 điểm, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,83%), lên 56,38 điểm.

Về phần các Dự, SHS đã đưa ra nhận định khá đúng khi dự báo VN-Index sẽ tăng điểm trở lại, với kháng cự tại 720 điểm và hỗ trợ gần nhất tại 712 điểm trong phiên 27/2.

Trong khi đó, BSC nhận định Thị trường có thể sẽ phải kiểm tra những ngưỡng hỗ trợ thấp hơn vùng 710 điểm nếu áp lực bán vẫn duy trì đối với nhóm cổ phiếu trụ, nhịp điều chỉnh là cần thiết sau chuỗi tăng liên tục từ 2 tuần trước đó, trước khi có cơ hội chinh phục lại ngưỡng kháng cự 720 điểm.

* Sang phiên giao dịch ngày 28/2: Những tưởng nhịp hồi nhẹ vào cuối phiên sáng sẽ khiến nhà đầu tư an tâm hơn và sẽ giao dịch tích cực hơn sau giờ nghỉ trưa, song mọi việc diễn ra hoàn toàn không như kỳ vọng. Ngay khi bước vào phiên chiều, áp lực bán đã gia tăng mạnh và trên diện rộng, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như các bluechips. VN-Index theo đó lao dốc về thẳng mốc 710 điểm, cũng là mốc thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,65 điểm (-0,93%) về 710,79 điểm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%) về 86,83 điểm, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,58%) lên 56,74 điểm.

Về phần các Dự, lần lượt các công ty chứng khoán gồm IVS, MBS, PHS đều nhận định sai với xu hướng thị trường khi dự báo các chỉ số có thể duy trì đà tăng điểm, trong đó, IVS cho rằng VN-Index sẽ tiếp cận mốc 720 điểm trong phiên 28/2.

Trái lại, SHS và BSC nhận định đúng về xu hướng giảm, dù các mục tiêu đặt ra ở mức khá cao. Cụ thể, SHS nhận định trong phiên 28/2, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục diễn biến giằng co và giảm điểm; còn theo BSC, VN-Index sẽ vận động trong vùng an toàn, phạm vị từ 715-720 điểm vào phiên 28/2.

* Trong phiên giao dịch 1/3: Cú xuyên thủng mốc 710 điểm và nhanh chóng bật ngược trở lại giúp chỉ số VN-Index giữ vững được ngưỡng kháng cự này nhưng đã làm nhà đầu tư lo lắng hơn về độ an toàn tại đây.

Bước sang phiên giao dịch chiều, trong khi lực cầu tiếp tục tỏ ra thận trọng thì áp lực bán tiếp tục dâng cao khiến sắc đỏ bao phủ, trong đó, đà giảm ngày càng nới rộng ở nhóm cổ phiếu bluechip là tác nhân chính khiến cả 3 sàn cùng giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,27 điểm (-0,18%) xuống 709,52 điểm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,25%) xuống 86,61 điểm, UPCoM-Index đóng cửa giảm 0,16 điểm (-0,28%) xuống mức 56,52 điểm.

Về phần các Dự, nhận định của SHS khá sai lệch khi dự báo VN-Index và HNX-Index nhiều khả năng hồi phục trong phiên 1/3.

Tương tự, BSC nhận định “VN-Index sẽ tăng lại mức 715 điểm vào phiên 1/3, khi nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục”.

Trong khi đó, nhận định BSC, KIS và MBS khá đúng khi cho rằng rủi ro đang gia tăng và thị trường tiếp tục trong giai đoạn điều chỉnh. Thậm chí MSI và KIS có quan điểm khá tiêu cực khi dự báo VN-Index có khả năng điều chỉnh về vùng hỗ trọ 700-705 điểm.

* Đến phiên giao dịch 2/3: Sau khi “thốc” lên ở đầu phiên, áp lực cung mạnh đã khiến VN-Index nhanh chóng hạ nhiệt. Chỉ số này khép phiên sáng mà không giảm điểm là nhờ may mắn. Vì thế, việc VN-Index giảm điểm trong phiên chiều là điều đã nằm trong dự đoán, khi mà các cổ phiếu trụ tiếp tục chịu sức ép.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,01 điểm (-0,28%) về 707,51 điểm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%) về 86,61 điểm, UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,14%) về 56,44 điểm.

Về phần các Dự, SHS tiếp tục có nhận định trái ngược với xu hướng thị trường khi dự báo trong phiên 2/3, VN-Index sẽ có diễn biến giằng co với biên độ hẹp và sẽ kết phiên với mức tăng điểm nhẹ.

Tương tự, MSI nhận định “VN-Index có khả năng tăng điểm trở lại vào phiên 2/3 và việc lựa chọn các mã mua vào khá quan trọng, mặc dù việc điều chỉnh sideway trên thị trường vẫn chưa hết thúc”.

Trái lại, BVSC, BSC, PHS đều nhận định thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh. Thậm chí, PHS khá tiêu cực khi dự báo nhiều khả năng vùng 700 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ tâm lý tốt cho VN-Index.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/3: Dù áp lực bán vẫn khá lớn nhưng cú bật ngược vào cuối phiên sáng giúp chỉ số VN-Index tăng vọt sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, đã nhen nhóm niềm hy vọng thị trường sẽ có phiên kết tuần đẹp mắt.

Không nằm ngoài sự kỳ vọng của giới đầu tư, sự hồi phục mạnh của các cổ phiếu bluechip với tâm điểm là nhóm ngân hàng đã giúp thị trường tiếp tục nới rộng đà tăng điểm, chỉ số VN-Index leo lên mốc cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,11 điểm (+0,72%) lên 712,62 điểm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 86,72 điểm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,2%) lên 56,56 điểm.

Về phần các Dự, dù lo ngại rủi ro điều chỉnh trong phiên 3/3 vẫn tiềm ẩn nhưng SHS đã dự báo VN-Index có thể hồi phục trở lại nếu test thành công vùng hỗ trợ 704-706 điểm trong phiên cuối tuần.

Trong khi đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định có phần sai lệch khi cho rằng rủi ro trong giai đoạn này khá cao như BSC, KIS, PHS, MBS. Trong đó, KIS đã đưa ra kịch bản VN-Index có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ 700-705 điểm; thậm chí IVS dự báo VN-Index hoàn toàn có thể rơi về vùng 700 điểm.

Tin bài liên quan