Trong 3 quỹ đầu tư do CTCP Quản lý quỹ Đầu tư MB (MB Capital) quản lý thì Quỹ đầu tư Japan Asia MB Capital (JAMBF) duy trì việc trả cổ tức khá cao và đều đặn. Quỹ đã trả cổ tức 27% năm 2012 và 13% năm 2013. Năm 2014, Quỹ có kế hoạch chi trả cổ tức tối thiểu là 15%.
Trong khi đó, theo tài liệu Đại hội nhà đầu tư năm 2015, Quỹ đầu tư trái phiếu MBCapital Việt Nam (MBBF) tiếp tục đề xuất không phân phối lợi nhuận năm 2014, vì MBBF là quỹ mở nên nhà đầu tư có thể chủ động rút ra phần lời của khoản đầu tư thông qua việc bán lại một phần chứng chỉ quỹ. Tính đến 31/12/2014, Quỹ MBBF đã đầu tư 12,9% tổng tài sản vào trái phiếu chính phủ; 26,06% vào trái phiếu chính phủ bảo lãnh; 8,48% vào trái phiếu chính quyền địa phương; 47,13% vào tiền gửi dài hạn; 5,26% là tiền mặt và các tài sản tương đương tiền (kể cả các khoản lãi phải thu). MBBF đã phát hành tổng cộng 9.880.471 chứng chỉ quỹ cho 120 nhà đầu tư trong nước và 31 nhà đầu tư nước ngoài.
Tương tự, Ban điều hành Quỹ đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) cũng đề xuất không phân phối lợi nhuận năm 2014. Trong năm 2014, giá trị tài sản ròng (NAV) trên chứng chỉ quỹ của MBVF có mức tăng trưởng tương đối ổn định, mang lại mức sinh lợi khá tốt cho nhà đầu tư. Cụ thể, tổng giá trị tài sản ròng của MBVF tại thời điểm 31/12/2014 đạt 73,07 tỷ đồng, tương đương 11.234 đồng/chứng chỉ quỹ, tăng 12,34% so với cùng kỳ năm 2013.
Vào cuối năm 2014, Quỹ đầu tư tăng trưởng ACB (ASIAGF) đã tổ chức Đại hội nhà đầu tư bất thường để bàn chuyện giải thể Quỹ do rơi vào tình trạng chiết khấu (discount) khá cao. Danh mục đầu tư của ASIAGF chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 98% tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ. Cuối năm 2013, tiền gửi ngân hàng của Quỹ là 209,98 tỷ đồng, lợi nhuận thu được từ khoản tiền gửi là 12,34 tỷ đồng. Dù danh mục đầu tư chủ yếu là tiền gửi ngân hàng, nhưng ASIAGF vẫn chia cổ tức năm 2013 là 10%. Năm trước đó, ASIAGF chia cổ tức 13%.
Trong năm 2014, Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) do Công ty Quản lý quỹ Manulife Việt Nam quản lý đã tiến hành huỷ niêm yết sau khi hết thời hạn 7 năm hoạt động để hoàn tất thủ tục giải thể, vì cổ đông không đồng ý chuyển mô hình hoạt động sang quỹ mở. Trước đó, MAFPF1 không tiến hành chia cổ tức cho nhà đầu tư hàng năm. Theo lý giải của Quỹ, tính đến thời điểm 31/12/2013, MAFPF1 vẫn chưa có lãi, nên chưa thể tiến hành chia cổ tức. Năm 2012, lợi nhuận thuần của Quỹ đạt gần 30 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 66 tỷ đồng. Năm 2013, lợi nhuận thuần đạt 47,6 tỷ đồng, nhưng chưa xoá được lỗ luỹ kế.
Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) mới thành lập vào đầu năm 2014, hiện Quỹ chưa công bố tài liệu Đại hội nhà đầu tư 2015 nên chưa có thông tin về việc chia cổ tức hay không. Tuy nhiên, trong Đại hội bất thường của Quỹ trước đó không thấy đề cập tới tỷ lệ cổ tức.
Các quỹ đầu tư do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý đều đã chuyển sang quỹ mở và Đại hội nhà đầu tư các quỹ này cũng đều thông qua việc không phân phối lợi nhuận quỹ, mà để tái tục đầu tư. Các năm trước đó, đối với Quỹ VFMVF1, do năm 2011 lỗ hơn 827 tỷ đồng nên năm 2012 và năm 2013 dù lãi lần lượt 221,7 tỷ đồng và 387,6 tỷ đồng, nhưng vẫn còn lỗ luỹ kế, nên Quỹ không thực hiện phân phối lợi nhuận. Tương tự, Quỹ VFMVF4 lỗ năm 2011 hơn 295 tỷ đồng, năm 2012 lãi 89,5 tỷ đồng, chưa bù nổi lỗ luỹ kế nên không chia cổ tức.
Đại hội nhà đầu tư năm 2013 của VFMVF4 cũng quyết định không phân phối lợi nhuận. Với Quỹ VFMVFB, tính đến 31/12/2013, Quỹ đạt lợi nhuận ròng 1,4 tỷ đồng, theo đó mức lợi nhuận tối đa có thể phân phối cho nhà đầu tư là 1,95% giá trị tài sản ròng, tương đương 2% mệnh giá chứng chỉ quỹ. Với tỷ lệ cổ tức có thể phân phối nhỏ do thời gian hoạt động trong năm 2013 ít hơn 6 tháng và cân nhắc thuế áp dụng cho cổ tức được nhận, Đại hội nhà đầu tư VFMVFB thông qua kế hoạch không phân phối lợi nhuận năm 2013.