Tự doanh công ty chứng khoán đồng loạt bán ròng trong phiên đáo hạn
Ngày 21/11/2019, ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F1911, thị trường biến động vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) khi lệnh bán các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 được chất cao khiến nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh.
Kết phiên, chỉ số VN30 đã giảm tới 18,77 điểm, tức giảm 2,05% so với phiên trước đó. Theo dữ liệu của FiinGroup, lực bán mạnh đến từ khối tự doanh của công ty chứng khoán, chứ không phải nhà đầu tư nước ngoài.
Tự doanh công ty chứng khoán mua vào 109,5 tỷ đồng và bán ra 916,5 tỷ đồng, tức bán ròng hơn 800 tỷ đồng, chủ yếu là cổ phiếu thuộc VN30 như MWG (74,459 tỷ đồng), TCB (71,313 tỷ đồng), VNM (69,399 tỷ đồng), VIC (63,593 tỷ đồng), HPG (54,082 tỷ đồng)…
Nhà đầu tư lớn đã kiếm tiền như thế nào khi tác động vào chỉ số VN30 vào ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh?
Nếu phái sinh và VN30 chênh lệch dương gần ngày đáo hạn thì nhà đầu tư lớn sẽ liên tục mở các vị thế mới (OI) để tích lũy thêm số lượng vị thế Bán (Short) trong giai đoạn trước ngày đáo hạn phái sinh.
(Chênh lệch chỉ số phái sinh và chỉ số cơ sở được tính bằng chỉ số phái sinh trừ chỉ số VN30. Nếu lớn hơn 0 là dương và nhỏ hơn 0 là âm).
Sau đó, vào ngày đáo hạn, bán mạnh cổ phiếu cơ sở trong tài khoản tự doanh trong phiên ATC để chỉ số VN30 giảm thấp. Nhà đầu tư lớn sẽ hưởng lợi trên thị trường phái sinh do đã bán xuống trước đó.
Tương tự, khi phái sinh và VN30 chênh lệch âm lớn, nhà đầu tư lớn sẽ mua (long) trước hợp đồng phái sinh.
Tới ngày đáo hạn, để thu hẹp biên chêch lệch giữa phái sinh và cơ sở về 0, thường sẽ kéo phái sinh lên hoặc bán cơ sở để thu hẹp khoảng cách này.
Xu hướng bán cổ phiếu thuộc VN30 dễ ảnh hưởng chỉ số nhiều hơn là mua vào do điều kiện thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay thiếu dòng tiền mới là điều kiện tốt để chi phối bằng bán cổ phiếu hàng loạt như những gì diễn ra ngày 21/11.
Cụ thể, thời gian trước ngày đáo hạn 21/11/2019, chênh lệch phái sinh và cơ sở duy trì từ ngày 14/11/2019 là 3,79 điểm, tới 20/11 trước ngày đáo hạn là 4 điểm đã tạo cơ hội kiếm lợi ngắn hạn do chênh lệch giá. Đồng thời, lực cầu yếu trên thị trường là cơ hội để tự doanh công ty chứng khoán bán mạnh VN30 hơn 800 tỷ đồng hưởng chênh lệch.
Chỉ số nhiễu vào ngày đáo hạn, ai hưởng lợi?
Trước mỗi kỳ đáo hạn hợp đồng phái sinh, các môi giới đều cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng quan tâm đến các giao dịch nhằm tác động đến chỉ số VN30, sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường.
Nhìn lại lịch sử các lần đáo hạn phái sinh kể từ đầu năm 2019, có 7 trong 11 lần chỉ số VN30 biến động mạnh trên 1% (xem bảng) và có tới 8 phiên trong 11 phiên các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 bị bán mạnh trong ngày đáo hạn.
Chính vì sự biến động bất thường trong ngày đáo hạn phái sinh đã làm nhiễu lên thị trường cơ sở, đặc biệt ảnh hưởng tới nhà đầu tư cầm cổ phiếu thuộc VN30.
Diễn biến chỉ số vn30 trong phiên giao dịch 21/11/2019.
Thống kê diễn biến chỉ số VN30 vào những ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh (xem bảng) cho thấy, khi chênh lệch giữa phái sinh và chỉ số cơ sở (VN30) càng lớn sẽ tạo nên những phiên biến động mạnh trong phiên đáo hạn như các phiên giao dịch 21/11/2019, 15/8/2019, 20/6/2019, 17/1/2019…
Thông thường, khi độ chênh lệch thu hẹp trong khoảng 1 điểm thì trong phiên đáo hạn phái sinh, chỉ số VN30 sẽ biến động nhẹ và không có cú sốc nào lớn với thị trường cơ sở.
Trong các phiên đáo hạn phái sinh trước đây, nhà đầu tư nhìn thấy rõ giá cổ phiếu SAB biến động tác động đến chỉ số VN30 nhiều nhất cùng với một vài cổ phiếu khác trong rổ VN30.
Từ đầu năm tới nay, có 11 lần đáo hạn phái sinh thì có 5 lần giá cổ phiếu SAB nhiễu động trong phiên đáo hạn, nhưng sau đó giá lại quay lại mặt bằng trước đó.
Như phiên ngày 17/10, SAB giảm 3 điểm so với giá tham chiếu, tương đương giảm 1,17%; phiên 22/10, tăng lại 6,9 điểm; phiên đáo hạn 15/8 tăng 8 điểm; phiên 16/8 giảm 9 điểm; phiên 18/7 giảm 2 điểm; sau đó, 25/7 tăng 5,5 điểm; phiên 20/6, giảm 0,5 điểm, phiên 21/6 tăng 3 điểm; phiên 16/6 giảm 8 điểm, hai phiên sau đó tăng 12 và 6 điểm; phiên 18/4 giảm 15,8 điểm, hai phiên sau tăng 9,5 và 2,5 điểm; phiên 21/3 giảm 0,1 điểm, phiên sau tăng 1,6 điểm; phiên 21/2 tăng 4 điểm, phiên sau giảm 1 điểm.
Có thể nói, sau giai đoạn nhìn thấy cơ hội kiếm lời ngắn hạn khi tác động vào chỉ số VN30, cộng với chênh lệch trước thời gian đáo hạn 21/11 lên tới 4 điểm đã tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư lớn tác động chỉ số bằng bán nhiều cổ phiếu trong VN30.
Phải chăng phiên 21/11/2019 là thời điểm thị trường hội đủ các điều kiện cho nhà đầu tư lớn kiếm lời như đã phân tích ở trên, nên đã xảy ra hiện tượng bán ròng 800 tỷ đồng, gây bất ngờ cho nhà đầu tư cá nhân?
Xử lý nhiễu từ phái sinh
Quan sát các thị trường như Thái Lan và Hồng Kông, nếu như vốn hóa thị trường chứng khoán Thái Lan tính tới cuối năm 2018 là 580,7 tỷ USD, thì cơ chế xác định giá đóng cửa cho phái sinh là trung bình khớp lệnh của 15 phút cuối của thị trường cơ sở, loại trừ ba giá cao nhất và ba giá thấp nhất.
Trong khi đó, trên thị trường cơ sở sẽ xác định giá đóng cửa ATC ngẫu nhiên trong thời gian từ 16h35 tới 16h40, điều này hạn chế nhà đầu tư lớn canh giây phút cuối cùng để vào lệnh, ảnh hưởng giá, tác động tới chỉ số.
Còn thị trường chứng khoán Hồng Kồng có vốn hóa là 5.780 tỷ USD vào cuối năm 2018, thực hiện lấy giá đóng cửa phái sinh là giá trung bình 5 phút giao dịch cuối cùng.
Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ 160,1 tỷ USD tính tới thời điểm hiện tại, nhưng lấy giá đóng cửa phái sinh là giá ATC, không có loại trừ các diễn biến bất thường.
Về mặc logic, khi quy mô thị trường càng nhỏ, càng cần có giải pháp loại bỏ các giao dịch bất thường ngắn hạn, tăng thời gian lấy giá xác định giá trung bình phiên đáo hạn phái sinh thì sẽ giảm bớt biến động lớn của chỉ số ảnh hưởng nhiễu tới thị trường cơ sở, từ đó, giúp thị trường chứng khoản cơ sở ổn định bớt nhiễu động hơn trong thời gian đáo hạn phái sinh.