TKV, EVN: Doanh thu tăng, lợi nhuận đi xuống
Ðiểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay là dù doanh thu tăng, song lợi nhuận lại có xu hướng giảm do chi phí bán hàng, chi phí giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 được Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản công bố cho thấy, doanh thu hợp nhất đạt gần 57.037 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2018 (50.771 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 1.985 tỷ đồng, sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước (2.445 tỷ đồng).
Ðà tăng của lợi nhuận không tỷ lệ thuận với doanh thu chủ yếu là do trong kỳ các chỉ số giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, thuế thu nhập doanh nghiệp… tăng khiến lợi nhuận gộp và lợi nhận thuần giảm so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng Công ty mẹ TKV 6 tháng ghi nhận 51.140 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ gia tăng, Công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu tài chính tăng mạnh so với năm ngoái, đạt 1.033 tỷ đồng nhờ tăng thu cổ tức và lợi nhuận được chia.
Chỉ tiêu này ở hợp nhất toàn tập đoàn thấp hơn, đạt 232 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 2.237 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), tình hình cũng diễn ra tương tự. Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của EVN cho thấy, doanh thu hợp nhất bán niên toàn Tập đoàn đạt 187.500 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do các chi phí trong kỳ tăng đáng kể như chi phí tài chính tăng 3,9%, lên 12.367 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 1,5% lên 2.982 tỷ đồng; chi quản lý doanh nghiệp tăng 6,5% lên 5.652 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm tới 60%, chỉ còn 408 tỷ đồng.
Vinachem vẫn ngập trong khó khăn
Kém tích cực hơn hai “ông lớn” trên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không hoàn thành kế hoạch doanh thu trong 6 tháng, nhiều đơn vị thành viên thua lỗ.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Vinachem cho biết, quý II/2019, tình hình sản xuất - kinh doanh của Vinachem tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, tác động của các chính sách, quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, những khó khăn về nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng được Vinachem đưa ra để lý giải cho hiệu quả kinh doanh thấp của Tập đoàn.
Cụ thể, báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng toàn Tập đoàn cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 22.262 tỷ đồng, bằng 46,2% so với kế hoạch năm, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu quý II ước đạt 13.392 tỷ đồng, tăng 1,6% so với kế hoạch quý, tăng 2,5% so cùng kỳ; lũy kế 6 tháng ước đạt 23.377 tỷ đồng, chỉ bằng 46,9% kế hoạch năm, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận tổng hợp toàn Tập đoàn quý II ước lỗ 27,5 tỷ đồng; 6 tháng lãi vỏn vẹn 40 tỷ đồng.
Ðặc biệt, 4 doanh nghiệp thành viên của Vinachem có tên trong danh mục 12 dự án thua lỗ vẫn chưa thoát khó, với việc ghi nhận tổng số lỗ 636 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong đó, DAP-Vinachem đạt lợi nhuận 23 tỷ đồng, giảm lãi 84% so với cùng kỳ 2018; DAP số 2-Vinachem lỗ 114 tỷ đồng, tăng lỗ 14%; Ðạm Hà Bắc lỗ 260 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
Duy chỉ có Ðạm Ninh Bình giảm lỗ 44% so với cùng kỳ 2018, với mức lỗ 286 tỷ đồng.
Các đơn vị thành viên còn lại của Vinachem lãi 676 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng công ty Sông Hồng âm vốn chủ sở hữu trên 600 tỷ đồng
Trong khối doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty Sông Hồng (thuộc Bộ Xây dựng) đang thu hút sự chú ý của thị trường bởi kết quả kinh doanh quá… bi đát.
Ðây là trường hợp hy hữu, bởi sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này hầu như không triển khai được dự án đầu tư, không có hợp đồng thi công xây lắp.
Theo số liệu báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2019, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Sông Hồng âm tới 612 tỷ đồng, do lỗ lũy kế tới 940 tỷ đồng.
Tổng công ty Sông Hồng đã âm vốn chủ sở hữu hơn 600 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản, mất vốn nhà nước.
Tổng tài sản ngắn hạn chỉ còn khoảng 535 tỷ đồng, nhưng nợ ngắn hạn phải trả lên tới 1.123 tỷ đồng, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.620 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm nay, Tổng công ty đạt 26,5 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh so với mức hơn 9 tỷ đồng cùng kỳ năm 2018, nhưng lỗ nặng hơn, khi ghi nhận hơn 32 tỷ đồng lỗ. Cùng kỳ, con số này là hơn 18 tỷ đồng.
Trong công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng cho biết, nếu tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài thêm một thời gian nữa, Tổng công ty không tránh khỏi việc phải tuyên bố phá sản và khi đó sẽ mất trắng toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo số liệu báo cáo, tính cuối tháng 6/2019, phần vốn nhà nước còn lại tại Tổng công ty Sông Hồng sau khi cổ phần hóa là 132,4 tỷ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.
Ðáng chú ý, doanh nghiệp này cũng có mặt trong danh mục doanh nghiệp đề nghị thoái vốn đến năm 2020 đang được trình Thủ tướng Chính phủ.
Lộ điểm yếu trước áp lực cạnh tranh
Niên giám thống kê 2019 cho thấy, lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn.
Những doanh nghiệp này cơ bản hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh, chi phối thị trường (như viễn thông, năng lượng).
Theo ông Nguyễn Ðình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế này cho thấy, nhìn ở góc độ thể chế cạnh tranh, phần lớn doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách của doanh nghiệp nhà nước nằm ở các ngành, lĩnh vực ít có cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Ở các ngành có cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế về kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn tài chính, nợ vay cao, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả cao hơn mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam.
“Trên bình diện sản xuất và cung ứng dịch vụ, năng lực hạ giá thành, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế.
Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực, nhất là trong các ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản là bất cập đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng đến nay chưa được xử lý triệt để, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả hoạt động”, ông Cung nhận định.