Nhiều quốc gia muốn loại vàng ra khỏi rổ hàng hóa tính lạm phát, bởi mức tăng giá mặt hàng này thời gian qua là quá lớn - Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia muốn loại vàng ra khỏi rổ hàng hóa tính lạm phát, bởi mức tăng giá mặt hàng này thời gian qua là quá lớn - Ảnh: Reuters.

Nhiều nước muốn đưa vàng khỏi rổ lạm phát

Giá vàng tăng chóng mặt thời gian qua đang thúc đẩy lạm phát tăng trưởng với tốc độc nhanh ở nhiều nước, từ Ấn Độ cho tới Indonesia và buộc các cơ quan thống kê phải quyết định liệu có nên loại bỏ vàng ra khỏi rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng hay không, theo hãng tin tài chính Bloomberg.

Tại Hàn Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 1975 tới nay, trang sức vàng sẽ bị bỏ ra khỏi giỏ hàng tính chỉ số lạm phát vào tháng 12 tới, Bang Tae Kyoung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thống kê Hàn Quốc, cho biết. "Hiện người ta đang mua vàng chủ yếu là để đầu tư, vì thế nó nên được coi là một loại tài sản, chứ không phải là hàng tiêu dùng", ông Bang nói.

 

Từ đầu năm 2011 tới nay, đứng trước cơn biến động liên hồi trên các thị trường hàng hóa, tiền tệ và trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đua nhau in thêm tiền, giá vàng đã tăng được 27%. Thị trường này đã tịnh tiến liên tục 10 năm, và nhà đầu tư ngày càng mua vàng tích trữ nhiều hơn để bảo toàn giá trị. Giá vàng càng bị đẩy lên cao hơn khi nhiều ngân hàng trung ương vốn từng bán ròng vàng thì nay chuyển sang mua ròng.

 

"Vàng bất quá là một loại tài sản, nó không phải là một loại hàng hóa tiêu dùng", Prasanna Ananthasubramaniam, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc hãng chứng khoán ICICI có trụ sở ở Mumbai, nhận xét. Với tư cách là "một loại tài sản dùng để đầu cơ như vậy", vàng cần phải bị loại khỏi rổ hàng hóa tính chỉ số lạm phát của Ấn Độ, Prasanna Ananthasubramaniam nói thêm.

 

Theo ICICI, dù vàng và trang sức vàng chỉ chiếm có 0,36% chỉ số lạm phát chính của Ấn Độ, song với mức tăng giá tới 52% thời gian qua, mặt hàng này cũng đủ khiến lạm phát của nước này trong tháng 8 tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát của Ấn Độ trong tháng 8 (bao gồm cả mặt hàng vàng) tăng 9,78% so với cùng kỳ năm trước, còn nêu không bao gồm vàng thì mức tăng hạ xuống còn 9,49%. Bởi vậy, theo ông Prasanna, ngân hàng trung ương Ấn Độ cần xem xét ảnh hưởng của vàng khi tính lạm phát.

 

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung Bak đã tuyên chiến với lạm phát, nhưng với mức tăng giá tới 29%, các mặt hàng trang sức vàng như nhẫn đeo tay đã khiến lạm phát nước này trong tháng 8/2011 lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua vượt mức 3%. Một trong những nguyên nhân khiến giá nhẫn vàng tại Hàn Quốc tăng cao, là bởi người dân nước này có truyền thống tặng nhẫn vàng trong dịp đầy năm của một em bé.

 

Bà Kim Geum Ja, 66 tuổi, cho biết bà không biết nhiều về chỉ số giá tiêu dùng, nhưng "giá nhẫn vàng cho tiệc đầy năm giờ rất đắt và nhiều người đang cố gắng không mua nó". Theo số liệu của Hiệp hội các nhà làm vàng trang sức Hàn Quốc, hôm 6/9 vừa qua, giá vàng miếng đã chạm tới 1.921,15 USD/ounce, khiến vàng trang sức trở nên rất đắt đỏ. Hiện bà Kim Geum Ja chưa thể quyết định liệu có nên mua nhẫn vàng tặng cho đứa cháu út của bà nhân ngày lễ đầy năm vào tháng 11 tới hay không.

 

Trong khi đó, ở Indonesia, thị trường trang sức vàng cũng là tác nhân chính khiến lạm phát tăng cao, khi góp tới 0,93% vào mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 8 vừa qua, số liệu thống kê của nước này cho hay. Từ Jakarta, nhà kinh tế Fauzi Ichsan thuộc ngân hàng Standard Chartered, cho rằng loại vàng ra khỏi rổ hàng hóa tiêu dùng của Indonesia là "phi thực tế". Bởi nó có thể dẫn tới những tin đồn rằng các tổ chức thống kê đang chịu áp lực chính trị.

 

Tuy nhiên, vấn đề này không nảy sinh ở những nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Anh hay ở các nước châu Á như Singapore , Việt Nam và Hồng Kông, do giá vàng không nằm trong rổ hàng hóa tính lạm phát hoặc giá trang sức vàng có ảnh hưởng hạn chế. Sheng Jianguang, một chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Mizuho, nói rằng ảnh hưởng của vàng tới tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc thông qua hàng trang sức cá nhân là "rất nhỏ".