Động lực từ RCEP và vắc-xin phòng Covid-19
Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 16 - 20/11, chỉ số VN-Index tăng 2,5% so với tuần trước đó, đạt 990 điểm; tương tự, chỉ số VN30 tăng 3,8%, đạt 950,89 điểm. Dòng tiền chảy vào thị trường mạnh hơn khi khối lượng khớp lệnh tăng 18,4%, giá trị khớp lệnh tăng 25,7%.
Trong đó, dòng tiền có dấu hiệu lan tỏa rộng, từ khối cổ phiếu dẫn dắt chỉ số đến nhóm cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới.
Các cổ phiếu trụ tác động tích cực tới chỉ số lần lượt là VCB đóng góp 5,86 điểm, GAS đóng góp 4,59 điểm, HPG đóng góp 3,5 điểm, GVR đóng góp 2,4 điểm… Ở chiều ngược lại, VIC làm giảm 3,1 điểm, MSN làm giảm 2,5 điểm, BCM làm giảm 0,23 điểm… Nhìn chung, nhóm cổ phiếu trụ vẫn có xu hướng đóng góp tích cực vào chỉ số.
Top cổ phiếu tác động mạnh tới VN-Index tuần 16 - 20/11/2020. |
Thị trường tăng điểm trên diện rộng khiến nhà đầu tư có cảm giác hưng phấn và lựa chọn cổ phiếu theo dòng tiền. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thép và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam vừa ký kết.
Trong tuần trước, Việt Nam và 14 nước đã ký kết RCEP, đây là hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới với tổng GDP 15 quốc gia chiếm khoảng 32% toàn cầu, 30% dân số toàn cầu và tiếp cận khoảng 3 tỷ người tiêu dùng.
Bởi lẽ, RCEP lần đầu tiên quy tụ các nền kinh tế lớn nhất châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 30,3 tỷ USD, Trung Quốc 19,5 tỷ USD, EU 16,1 tỷ USD, ASEAN 11,1 tỷ USD, Nhật Bản 9,4 tỷ USD, Hàn Quốc 9,3 tỷ USD…
Trước cơ hội đang mở ra cho nhiều nhóm doanh nghiệp, giá nhiều nhóm cổ phiếu bật tăng, đặc biệt là thuỷ sản, dệt may, nông sản, bất động sản khu công nghiệp. Chẳng hạn, cổ phiếu TCM tăng 14,3%, GVR tăng 11,8%, MSH tăng 9,9%, KBC tăng 8%, PHR tăng 5,2%.
Mặc dù vậy, một số cổ phiếu đã tăng giá mạnh trước đó có dấu hiệu chốt lời như trong nhóm thuỷ sản là VHC, ANV, IDI, FMC...
Diễn biến cổ phiếu “nhạy” với các hiệp định thương mại như dệt may, thuỷ sản, khu công nghiệp trước đây cho thấy, trước giai đoạn ký Hiệp định CPTPP ngày 8/3/2018 và Hiệp định EVFTA ngày 30/6/2019, giá cổ phiếu có xu hướng tăng từ trước và duy trì đà tăng khi hiệp định chính thức được ký kết.
Với nhóm ngành thép, nhiều mã cổ phiếu “tím sàn”, sau khi liên tục có các hãng điều chế vắc-xin công bố tỷ lệ hiệu quả cao của vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn thử nghiệm.
Dòng tiền đầu tư lan tỏa, trong đó nhóm VN30, nhóm cổ phiếu chu kỳ và nhóm xuất khẩu được quan tâm đặc biệt.
Cụ thể, trong tuần qua có thêm một hãng dược công bố tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin BNT162b2 đạt gần 95%, tỷ lệ rất cao đối với một loại vắc-xin mới. Giới đầu tư kỳ vọng kinh tế toàn cầu có thể bước nhanh hơn vào quá trình hồi phục và những ngành nguyên liệu đầu vào sẽ dẫn đầu.
Theo số liệu của Trading Economics, giá thép từ đầu tháng 11 đến nay tăng hơn 14%, từ 3.616 nhân dân tệ/tấn lên 4.125 nhân dân tệ/tấn, lần đầu tiên vượt mốc 4.000 nhân dân tệ/tấn kể từ cuối năm ngoái. Giá thép tăng nhờ nhu cầu xây dựng và sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đang tăng trở lại.
Thông tin này cùng với kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp trong ngành đã giúp nhóm cổ phiếu thép bùng nổ. Giá cổ phiếu HPG tăng 11,7%, NKG tăng 17,5%, TLH tăng 29%, SMC tăng 8,9%...
Bên cạnh đó, một ngành nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất - kinh doanh cũng bùng nổ là dầu khí, khi giá các cổ phiếu PVD, PVS, GAS lần lượt tăng 6,8%, 4,7% và 11,3%.
Câu chuyện nhóm dầu khí khá tương đồng với ngành thép khi giá dầu hồi phục, kỳ vọng nhu cầu sẽ gia tăng.
Trong đó, GAS còn có thêm thông tin hỗ trợ khi doanh nghiệp cho biết bắt đầu nhận khí từ mỏ Sao Vàng, thuộc dự án phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyện, đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.
Mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt có sản lượng ước đạt 1,5 tỷ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô, kỳ vọng đảm bảo cấp khí cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ khi các nguồn khí khác bắt đầu suy giảm. Thực tế, những năm gần đây, không ít doanh nghiệp sản xuất điện khí, đạm không có đủ khí để sản xuất.
Một yếu tố hỗ trợ khác cho thị trường chứng khoán là khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 552,1 tỷ đồng trong tuần qua, trong khi tuần trước bán ròng 1.545,8 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, khối ngoại mua vào VJC 413,4 tỷ đồng, VRE 264,2 tỷ đồng, VIC 240,2 tỷ đồng… Ở chiều ngược lại, khối này bán ra HDB 423,1 tỷ đồng, CTG 168,7 tỷ đồng, MSN 140,7 tỷ đồng…
VN-Index có thể duy trì đà tăng
Chỉ số VN-Index đang tiếp cận vùng đỉnh 1.000 - 1.026 điểm, vốn không duy trì được lâu trong vài đợt tăng kể từ năm 2018.
Chỉ số VN-Index đang tiến đến ngưỡng 1.000 điểm. |
Thông thường, vùng kháng cự mạnh này khiến không ít nhà đầu tư quan ngại sẽ khó vượt qua, nhất là trong bối cảnh thị trường ở vùng trũng thông tin, nhiều thông tin tốt đã công bố và phản ảnh vào giá chứng khoán, các cổ phiếu hưởng lợi từ hiệp định thương mại sẽ dần bị chốt lời.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ chọn cách chốt lời ở vùng kháng cự và chờ đợi, quan sát diễn biến thị trường xem liệu chỉ số có vượt qua được hay không. Điều này khiến lực cung gia tăng, gây áp lực lên chỉ số cũng như tâm lý các nhà đầu tư khác.
Tuy nhiên, diễn biến tích cực của thị trường trong tuần qua được hỗ trợ bởi thông tin về đợt thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 mới nhất của Hãng dược Pfizer (đồng hợp tác sản xuất với BioNTech) cho hiệu quả phòng bệnh rất cao.
Pfizer dự kiến sẽ gửi đơn yêu cầu phê duyệt khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ sớm nhất vào tuần thứ 3 của tháng 11. Hãng dược phẩm này cho biết, có thể sản xuất được 50 triệu liều vắc-xin trong năm 2020 và 1,3 tỷ liều vào năm 2021.
Thông tin về vắc-xin được công bố trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên bình diện toàn cầu. Tại Mỹ, số trường hợp nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng kể từ đầu tháng 10, ghi nhận mức đỉnh mới 187.800 trường hợp/ngày. Nếu không có thông tin về tích cực về vắc-xin thì thị trường chứng khoán có thể sớm đối diện với nguy cơ điều chỉnh.
Kịch bản ít có khả năng nhất trong 3 kịch bản trước khi có các thông tin về vắc-xin đã xảy ra: dòng tiền rẻ quay trở lại, các cổ phiếu trụ tăng giá mạnh. Theo đó, tâm lý tích cực của nhà đầu tư có thể giúp chỉ số duy trì đà tăng, vượt lên mốc 1.000 điểm.