Sacombank còn 20.000 tỷ đồng nợ xấu gửi tại VAMC

Sacombank còn 20.000 tỷ đồng nợ xấu gửi tại VAMC

Nhiều ngân hàng chưa dứt nợ với VAMC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, nhiều ngân hàng đã tất toán xong khoản nợ xấu “gửi” tại VAMC, song một số nhà băng vẫn loay hoay với bài toán này.

Gánh nặng dự phòng

Tính đến hết quý I/2021, 22 ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu và xóa nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước đó. Đó là các ngân hàng: VietinBank, BIDV, MSB, HDBank, Viet Capital Bank, VietABank, VietBank, LienVietPostBank, Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank, Eximbank.

Theo quy định, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% đều phải bán nợ xấu lại cho VAMC. Công ty này sẽ mua lại nợ xấu từ phía ngân hàng thông qua hình thức phát hành trái phiếu đặc biệt trong thời hạn 5 năm với lãi suất 0% và mỗi năm, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm cho số trái phiếu này.

Thực tế, việc bán nợ cho VAMC chỉ là cách giúp ngân hàng kéo được tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức cho phép và kéo dài thời gian để trích lập dự phòng cho những khoản nợ xấu này.

Nói cách khác, VAMC chỉ là nơi giữ hộ nợ xấu, các ngân hàng vẫn phải xử lý những khoản nợ này. Khi các khoản nợ xấu này được xử lý xong, các ngân hàng sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần làm tăng lợi nhuận thực sự của ngân hàng.

Tuy vậy, dù rất muốn, nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng chưa thể tất toán trái phiếu đặc biệt của VAMC. Nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn, đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB, Saigonbank, SHB thì cần có thời gian đủ dài để có thể xử lý dần khối nợ xấu này. Trong đó, Sacombank là ngân hàng còn nhiều nợ xấu tại VAMC nhất trong hệ thống tổ chức tín dụng, với hơn 20.000 tỷ đồng, dù đã giảm đáng kể so với cuối năm 2019.

Muốn mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bản thân nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải đang ở mức thấp và có nguồn lực tài chính dồi dào cho việc trích lập dự phòng xử lý khối nợ sau khi nhận về.

Đến nay, Sacombank đã trích lập 5.633 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc Đề án Tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập SouthernBank, nâng mức trích lập dự phòng nợ xấu lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 12.027 tỷ đồng, đạt 52% tổng thể Đề án đến năm 2025.

Doanh số thu hồi nợ xấu trong năm 2020 đạt hơn 15.200 tỷ đồng; trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai Đề án lên 46.547 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch tổng thể Đề án đến năm 2025. Tài sản tồn đọng thuộc Đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tổng tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản có khả năng sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Tại SHB và Saigonbank, tuy nợ xấu bán cho VAMC có giảm nhưng tốc độ giảm khá khiêm tốn, với mức giảm 6% tại thời điểm cuối năm 2020, xuống còn 4.247 tỷ đồng và 752 tỷ đồng. SHB đã xử lý xong toàn bộ tồn đọng liên quan đến Habubank, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về 1,71%. Trong năm 2020, ngân hàng này đã trích lập 4.534 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó phần lớn là nợ xấu của Habubank.

Tính đến 2020, SCB còn nắm giữ gần 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, song cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng cao. Tính chung cả năm 2020, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là 1.338 tỷ đồng, số dư quỹ dự phòng đạt hơn 12.878 tỷ đồng và tiếp tục mua lại nợ từ VAMC.

Nợ xấu mới thách thức nỗ lực xử lý nợ cũ

Năm 2021, SHB đề ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.

Với Sacombank, theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng, mục tiêu đưa ra năm nay là xử lý từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng nợ xấu và Sacombank không ngừng phát mãi tài sản.

Một trong những tài sản đảm bảo bằng bất động sản giá trị lớn mà Sacombank đang nắm giữ nhưng chưa được tái phát mãi là Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Hai năm qua, Sacombank thông báo đấu giá khu công nghiệp này để xử lý các tồn đọng do ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Sacombank để lại.

Khu công nghiệp Phong Phú đã được đem đấu giá nguyên hiện trạng bốn lần, từ mức giá trên 9.000 tỷ đồng đã giảm dần về mức 6.600 tỷ đồng, tức giảm gần 2.500 tỷ đồng, song nhà băng này chưa bán được. Nhưng không chỉ có tài sản trên mà với khối lượng nợ xấu lớn, đến nay, Sacombank còn nhiều bất động sản giá trị lớn chưa phát phát mãi được.

Còn tại Eximbank, sau nỗ lực nhiều năm cũng vừa mua lại 2.032 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trong quý I/2021, giảm hơn 54% so với đầu năm. Như vậy, đến nay, Eximbank đã mua lại toàn bộ 8.025 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC.

Những năm gần đây, Eximbank đã nỗ lực xử lý nợ xấu, đặc biệt chú trọng xử lý các khoản nợ xấu bán cho VAMC. Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để thu hồi nợ, tăng cường công tác xử lý tài sản của khách hàng có khoản nợ xấu, từ đó tạo ra nguồn lực cần thiết để Eximbank tất toán trước hạn toàn bộ khoản nợ đã bán cho VAMC. Trong khoảng thời gian nắm giữ trái phiếu đặc biệt và thực hiện theo ủy quyền của VAMC, Eximbank đã xử lý thu hồi được nợ (gốc và lãi) bán cho VAMC 4.940 tỷ đồng; dự phòng trái phiếu VAMC đã trích lập 4.270 tỷ đồng.

Việc chủ động tất toán trước hạn trái phiếu đặc biệt VAMC là nỗ lực rất lớn của Ngân hàng trong kế hoạch đề ra năm 2021. Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank, việc mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý I/2021 của Ngân hàng, làm lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 210 tỷ đồng, bằng 46% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi ngân hàng đang phải nỗ lực xử lý nợ xấu ngoại bảng (tất toán trái phiếu VAMC, phát mãi tài sản xử lý nợ xấu), thì nợ xấu nội bảng tại một số ngân hàng lại có dấu hiệu tăng.

Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng đã xử lý rất nhiều nợ xấu và đến nay đã đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1,41%. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/3/2021, tổng nợ xấu Saigonbank tăng 6% so với đầu năm, lên mức 235 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 47%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng 1,44%, lên mức 1,58%.

Trong bối cảnh thị trường 2020 - 2021 gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19 tái diễn phức tạp, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu có thể gặp sẽ còn khó khăn hơn, đòi hỏi dự phòng tăng.

Thực tế cho thấy, muốn mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bản thân nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải đang ở mức thấp và có nguồn lực tài chính dồi dào cho việc trích lập dự phòng xử lý khối nợ sau khi nhận về. Các ngân hàng đặt kỳ vọng có thể sớm đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu giảm dự phòng, nhưng thực tế cho thấy, sau khi nhận lại các khoản nợ xấu từ VAMC, công tác tự xử lý nợ của nhà băng chưa hẳn dễ dàng.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù được trao nhiều quyền hơn trong việc thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng vẫn phản ánh việc chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực không hỗ trợ trong công tác thu giữ. Hơn nữa, các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản, trong đó phần lớn tài sản là bất động sản giá trị lớn. Do đó, việc tự xử lý nợ xấu của các ngân hàng phụ thuộc vào diễn biến thị trường bất động sản.

Thực tế, công tác phát mãi tài sản của các ngân hàng thời gian qua cho thấy, nhiều khối bất động sản có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn khó.

Tin bài liên quan